25/12/2024

Các trường kiến nghị tăng độ khó đề thi tốt nghiệp

Các trường kiến nghị tăng độ khó đề thi tốt nghiệp

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điều chỉnh kỹ thuật về tuyển sinh, nhiều trường ĐH dự định tăng chỉ tiêu dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, nhiều trường cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT tăng độ khó của đề thi THPT để có thể phân loại thí sinh.

 

Các trường kiến nghị tăng độ khó đề thi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2021 tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai – Ảnh: A LỘC

Nhiều chuyên gia nhận định đề thi tốt nghiệp THPT các năm 2017, 2018 có độ phân hóa tương đối tốt, làm cơ sở để các trường ĐH dùng kết quả tuyển sinh. Tuy nhiên hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đề thi có phần dễ hơn nên tính phân hóa giảm, vì vậy nhiều trường ĐH sử dụng thêm rất nhiều phương thức xét tuyển khác.

Do vậy năm nay, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, để các trường có thể sử dụng kết quả này xét tuyển.

Đề thi phải có số câu hỏi dễ học sinh trung bình đều làm được và cũng có số câu hỏi khó hơn theo mức độ khác nhau học sinh khá, giỏi, xuất sắc mới làm được để phân loại thí sinh. Đó là cơ sở để các trường đại học xét tuyển tốt nhất.

PGS.TS HUỲNH THANH HÙNG (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

 

Phân loại cao hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp nhưng thực tế các trường ĐH đều sử dụng để tuyển sinh. Nếu đề thi không phân hóa tốt sẽ khó khăn cho các trường tốp trên khi xét tuyển bằng kết quả thi THPT.

“Năm nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các trường tốp đầu cũng khó tổ chức những kỳ thi đánh giá riêng theo nguyên tắc tự chủ tuyển sinh được. Vì vậy phần lớn các trường, đặc biệt trong khối khoa học sức khỏe vẫn sử dụng chủ yếu kết quả kỳ thi THPT làm phương thức tuyển sinh chính.

Chính việc này các trường rất mong muốn đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao hơn, giúp các trường lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp vào học” – ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm các bài thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Do đó, độ phân hóa của đề thi cao cũng không làm thay đổi quá nhiều đến tỉ lệ tốt nghiệp.

Học sinh học tốt vẫn sẽ thi tốt và các học sinh trung bình cũng có thể đủ sức để tốt nghiệp với đề thi có độ phân hóa. Đề thi như vậy cũng sẽ giúp các trường tốp trên (điểm thí sinh đăng ký xét tuyển cao) sẽ thuận lợi hơn trong tuyển sinh và góp phần tiết kiệm cho xã hội khi không phải tổ chức thêm hình thức thi nào nữa.

PGS.TS Lê Đình Tùng – trưởng phòng quản lý đào tạo đại học Trường ĐH Y Hà Nội – cũng ý kiến: “Thực tế hai năm qua cho thấy tính phân hóa của đề thi THPT chưa rõ. Do vậy chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT nâng độ khó của 30% câu hỏi trong đề thi để phân loại rõ ràng, cụ thể hơn thí sinh có học lực từ khá trở lên, từ đó giảm áp lực xã hội tránh tình trạng điểm chuẩn một số ngành quá cao.

Còn lại 70% số câu hỏi trong đề thi mức độ trung bình, để tất cả học sinh trung bình suốt thời gian qua học trong điều kiện dịch bệnh có thể tốt nghiệp được”.

Tránh tình trạng 29 – 30 điểm trượt đại học

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho rằng việc các trường tạo ra nhiều phương thức tuyển sinh để đáp ứng nguyện vọng của thí sinh. Điều quan trọng là xem xét điều chỉnh đề thi cho phù hợp yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh.

Thực tế tuyển sinh, khi đề dễ thí sinh đạt điểm cao và ngược lại đề khó phổ điểm thấp nên đề dễ hay khó không quan trọng. “Không phải điều chỉnh độ khó của toàn bộ đề thi mà đề phải có tỉ lệ câu hỏi phân hóa phù hợp, tránh tình trạng thí sinh 29 – 30 điểm vẫn rớt ĐH.

Theo đó, đề thi này phải có số câu hỏi dễ để học sinh trung bình đều làm được và cũng có số câu hỏi khó hơn theo mức độ khác nhau học sinh khá, giỏi, xuất sắc mới làm được để phân loại được thí sinh. Đó là cơ sở để các trường ĐH xét tuyển tốt nhất”, ông Hùng nói.

Tương tự, TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho rằng: “Điều quan trọng cần điều chỉnh là độ phân hóa đề thi chứ không phải độ khó.

Một đề thi tốt là đề có thể phân loại rõ ràng sức học của học sinh từ trung bình đến xuất sắc thông qua mức điểm đạt được. Nếu đề thi chỉ toàn đạt 7 điểm trở xuống hoặc phần lớn 9, 10 điểm là không phân hóa được.

Tôi cho rằng dù bất cứ hình thức học nào thì đề thi phải đánh giá được chất lượng người học trung bình, khá, giỏi… Đặc biệt, trong tuyển sinh đề thi phải có độ phân hóa tốt mới có thể thuận lợi trong việc xác định điểm trúng tuyển và chọn được người học phù hợp”.

Từ góc độ thí sinh, Lê Trọng Nhân – học sinh lớp 12 một trường THPT ở TP.HCM – cho biết khi thi thí sinh nào cũng muốn đề tương đối “dễ thở”. Vì nếu đề có quá nhiều câu khó nhiều bạn sẽ mất tinh thần, ảnh hưởng đến kết quả của cả bài thi.

“Tuy nhiên, nếu đề thi sắp xếp tuần tự câu hỏi từ dễ đến khó, trong đó những câu cuối đặc biệt khó để ai thật sự giỏi mới xứng đáng được điểm 9 – 10, sẽ hợp lý hơn việc có các cơn mưa điểm 10 trong kỳ thi” – Nhân nói.

 

Ảnh hưởng điểm sàn

PGS.TS Trần Hoàng Hải – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM – kiến nghị trong công tác đề thi THPT, bộ cần tìm cách khắc phục tình trạng thí sinh 29 – 30 điểm vẫn rớt ĐH.

Ông Hải lưu ý: “Các trường tốp trên thường muốn đề thi khó hơn để thuận lợi hơn trong việc xác định điểm chuẩn nhưng phải nghĩ đến các trường tốp dưới. Nếu nâng độ khó của đề thi không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng mặt bằng điểm thi quá thấp, điểm sàn ĐH dưới 13, khi đó xã hội sẽ khó chấp nhận dưới 15 điểm đậu ĐH”.

TRẦN HUỲNH
TTO