25/12/2024

Bắc Kinh không muốn biến xung đột Ukraine thành khủng hoảng Mỹ – Trung

Bắc Kinh không muốn biến xung đột Ukraine thành khủng hoảng Mỹ – Trung

Ngày 23-3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington kêu gọi Mỹ và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn để giúp chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Trong diễn biến liên quan, G7 dự kiến sẽ công bố biện pháp ngăn các nước giúp đỡ Nga.

 

 

 

Bắc Kinh không muốn biến xung đột Ukraine thành khủng hoảng Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Một người đàn ông đứng bên trong một trường học bị hư hại ở thành phố Zhytomyr, bắc Ukraine ngày 23-3 – Ảnh: AFP

“Trung Quốc đang nỗ lực làm xuống thang căng thẳng”

Phát ngôn viên Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) nói Mỹ và Trung Quốc không nhất trí với nhau về tất cả cách tiếp cận tại Ukraine, và rằng Bắc Kinh không mong muốn cuộc xung đột Ukraine trở thành một “cuộc khủng hoảng Trung Quốc – Mỹ”.

Nhắc đến cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lưu cho biết: “Tôi tin Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác về vấn đề Ukraine”.

Ông Lưu nói lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận về việc đẩy mạnh những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt các hoạt động giao tranh càng sớm càng tốt.

Theo báo South China Morning Post, ông Lưu đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Mỹ và châu Âu yêu cầu Bắc Kinh làm rõ lập trường đối với hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Cũng trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 23-3, ông Lưu cho biết ông không thấy bằng chứng về tội ác chiến tranh tại Ukraine. Đồng thời ông nói thêm rằng Trung Quốc phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân hay hóa học.

Tuy nhiên trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã thấy nhiều báo cáo đáng tin cậy về các cuộc tấn công nhắm vào dân thường.

“Các lực lượng Nga đã phá hủy các chung cư, trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng quan trọng, xe dân dụng, trung tâm mua sắm và xe cứu thương, khiến hàng ngàn người dân vô tội thiệt mạng hoặc bị thương”, ông Blinken nói.

Ông Lưu cho rằng hai bên nên thảo luận các biện pháp thay thế cho các lệnh trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh từ lâu đã phản đối. “Các lệnh trừng phạt chỉ khiến căng thẳng trầm trọng thêm. Về cơ bản, chúng không bao giờ hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề”, phát ngôn viên Lưu nói thêm.

Về các vấn đề khác, ông Lưu cho biết Trung Quốc đang làm việc để xuống thang căng thẳng cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Chúng tôi không cung cấp vũ khí cho Ukraine hay các bên khác. Chúng tôi đang gửi lương thực, sữa công thức, túi ngủ để viện trợ nhân đạo”, ông Lưu nói.

 

G7 sắp công bố biện pháp ngăn Nga né trừng phạt? 

Bắc Kinh không muốn biến xung đột Ukraine thành khủng hoảng Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan – Ảnh: AP

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách ngăn cản Trung Quốc hỗ trợ Nga lách trừng phạt của phương Tây như trốn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hay xử lý các giao dịch tài chính giúp Matxcơva.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các nước G7 sẽ sớm công bố một phản ứng thống nhất để đảm bảo Nga không thể né các lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.

“Điều này không phải chỉ riêng Trung Quốc, mà còn là các nền kinh tế lớn khác”, ông Sullivan giải thích thêm với nhóm phóng viên tháp tùng chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Biden ngày 23-3.

Các biện pháp ngăn chặn này sẽ được áp đặt với những nền kinh tế có các động thái “chủ ý làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga”. Hiện vẫn chưa rõ những biện pháp này là gì.

Trong quá khứ, khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn tài chính của Iran, Mỹ đã gây áp lực lên các nước mua nhiều dầu mỏ của nước này.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cấm nhập khẩu dầu mỏ và sản phẩm tinh chế từ Nga. Theo giới quan sát, với chuyến đi châu Âu lần này, ông Biden nhiều khả năng sẽ tìm cách thuyết phục đồng minh từng bước chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, vốn là ngành đem về ngoại tệ lớn cho nước này.

Mỹ đã áp lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu sang Nga các công nghệ điện tử quan trọng, máy tính và linh kiện máy bay. Theo Hãng tin Reuters, hiện Washington đang lo ngại Bắc Kinh có thể tìm cách giúp Matxcơva có được những công nghệ, linh kiện này.

Cố vấn Sullivan tiết lộ Mỹ đã gởi thông điệp cho Trung Quốc không nên giúp Nga, nhưng không rõ thông qua kênh nào và khi nào.

Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm trực tuyến hôm 18-3, trong đó ông Biden cảnh báo về những hậu quả nếu Bắc Kinh ủng hộ Matxcơva.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nước này phản đối chiến tranh và ủng hộ hòa bình, kêu gọi phương Tây xem xét các quan ngại an ninh của Nga và Ukraine.

Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về phát ngôn của ông Sullivan.

ANH THƯ – BẢO DUY
TTO