Chất lượng học tập giảm sút vì dịch bệnh
Chất lượng học tập giảm sút vì dịch bệnh
Từ kết quả kiểm tra học kỳ 1 theo hình thức trực tiếp, nhiều giáo viên phải thừa nhận chất lượng học tập của học sinh giảm sút sau một học kỳ học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng học trực tuyến là giải pháp tình thế, điểm kiểm tra trực tuyến thì cao nhưng điểm kiểm tra trực tiếp thì chênh lệch. Và quan trọng, chất lượng học tập, kiến thức mà học sinh (HS) thu nhận, chuyển hóa thành tri thức cho bản thân giảm sút.
Học sinh lớp 1 năm nay ở TP.HCM chỉ được đến trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán ĐÀO NGỌC THẠCH |
Theo thạc sĩ Đăng Du, các bài kiểm tra học kỳ 1 dù kiểm tra trực tiếp nhưng đã có những điều chỉnh theo hướng phù hợp với hình thức học tập trực tuyến. Tức yêu cầu chỉ dừng ở thông hiểu, nhận biết là chủ yếu nhưng kết quả cho thấy chênh lệch khoảng 20% so với bài kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến và 10% so với bài kiểm tra học kỳ 2 năm học trước khi thực hiện tại trường.
Tương tự, thạc sĩ Trần Đình Hương, Tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay cho dù giáo viên đã chủ động giảm các mức độ yêu cầu trong đề kiểm tra so với trước đây nhưng việc dung nạp kiến thức của HS học trực tuyến không còn đồng đều như khi học trực tiếp. Sau thời gian học trực tuyến kéo dài và qua kết quả bài kiểm tra học kỳ cho thấy ở bậc THPT xuất hiện 2 nhóm HS.
Nhóm HS khá giỏi, có ý thức tự giác học tập khi học trực tuyến vẫn có kết quả học tập tốt. Nhóm còn lại là số HS học theo kiểu đối phó dễ mất căn bản, hổng kiến thức khá nhiều. Thông thường mức độ chênh lệch điểm kiểm tra trực tiếp với điểm kiểm tra trực tuyến ở nhóm này dao động từ 15% đến 20%.
Ở bậc tiểu học, ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM), đánh giá so với học trực tiếp như trước đây thì chắc chắn chất lượng không thể bằng. Vì thế khi tổ chức kiểm tra, giáo viên cũng biên soạn đề ở mức độ kiến thức kỹ năng cơ bản để đánh giá năng lực và phẩm chất của HS. Các yêu cầu đã không có những đòi hỏi HS nâng cao kiến thức mà phù hợp với thực tế dạy và học hiện nay.
Khi nói về chất lượng, bà Phạm Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng không thể nào bằng như lúc học trực tiếp được. Ví dụ như ở khối 1, thường hết học kỳ 1 là các em đã đọc trơn, trôi chảy, khi qua học kỳ 2 các em đã đọc bài thơ, đoạn văn dài. Nhưng năm nay, nhiều em đến nay đọc chữ chưa trôi chảy, viết chưa đẹp và chỉ mới viết được những câu ngắn. Một số ít em thậm chí còn chưa thể đọc trơn, vẫn đang đánh vần.
Việc đánh giá chất lượng HS thường được dựa trên các kỳ kiểm tra vào cuối kỳ. “Nếu trong tình hình này mà ra đề khó quá sẽ gây áp lực cho các em, lại khiến phụ huynh lo lắng”, bà Trang lý giải. Theo bà Trang, chất lượng học tập giảm là tình hình chung dưới ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện nay, khi HS đã đi học trở lại thì các trường sẽ còn thời gian để hỗ trợ, kèm cặp cho các em đến cuối năm học. Trường cũng không vì vậy đặt nặng vấn đề thành tích, gây áp lực lên HS.
Cũng chia sẻ về chất lượng của HS thông qua kết quả của bài kiểm tra học kỳ 1, ông Nguyễn Tấn Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Trị 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho rằng chất lượng khó có thể đạt được mức như khi các em học trực tiếp tại trường. Cũng theo ông Trang, trong một lớp nhưng chất lượng học của các em có thể có những chênh lệch nhất định. Những HS được cha mẹ hỗ trợ, theo sát thì các em có thể đạt mức 80 – 90% so với những năm trước đây. Ngược lại, với những em không có điều kiện, không được hỗ trợ thì thấp hơn.
Là người trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Mai Lan Anh, Tổ trưởng khối 1, Trường tiểu học Lê Văn Tám (Q.7, TP.HCM), cho biết: “Nếu nhận xét chung thì các em cũng đạt được mức khoảng 80% so với những năm trước đây”.
BÍCH THANH – NGUYỄN LOAN
TNO