27/12/2024

Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao – Kỳ 3: Công an hướng dẫn cách tránh bẫy lừa

Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao – Kỳ 3: Công an hướng dẫn cách tránh bẫy lừa

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách gọi điện hù doạ người dân chuyển tiền, hoặc các hình thức công nghệ tinh vi diễn biến phức tạp, nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau.

 

 

Cơ quan điều tra không làm việc qua điện thoại

Trước thực trạng các nhóm lừa đảo tự xưng công an, Viện KSND, tòa án, hải quan gọi điện hù dọa người dân yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, đưa ra nhiều cảnh báo.

Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao - Kỳ 3: Công an hướng dẫn cách tránh bẫy lừa - ảnh 1
Bộ công an khuyến cáo lừa qua công nghệ cao  BỘ CÔNG AN

Theo Bộ Công an, để không sập bẫy của kẻ gian, người dân cần tỉnh táo và hiểu rõ những nguyên tắc sau. Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe và thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Cũng theo Bộ Công an, nếu Viện KSND, tòa án, công an các cấp làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi về nơi ở. Tất cả các cuộc làm việc để điều tra, xác minh của công an, Viện KSND, tòa án… với người dân đều thực hiện trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng và điện thoại.

Bộ Công an khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Tuyệt đối không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Bộ Công an yêu cầu người dân khi nhận được thoại nghi ngờ lừa đảo thì nhanh chóng báo đến cơ quan công an gần nhất để phối hợp điều tra, truy bắt các nhóm lừa đảo. Theo Bộ Công an, các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn.

Công an TP.HCM ‘lật chiêu’ nâng cấp sim, hack tài khoản

Trước thực trạng tội phạm công nghệ cao liên tục thay đổi thủ đoạn, phương thức để chiếm đoạt tiền của người dân trong tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử… Công an TP.HCM đã liên tục khuyến cáo những thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao.

Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao - Kỳ 3: Công an hướng dẫn cách tránh bẫy lừa - ảnh 2

Theo Công an TP.HCM, các nhóm lừa đảo, tội phạm công nghệ cao giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố. Sau đó, kẻ xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Đây là dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile.

Sau khi nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn, kẻ gian đăng nhập vào ứng dụng ví điện tử, ngân hàng của nạn nhân từ xa. Tổng đài của ví điện tử, ngân hàng sẽ gửi mã OTP qua điện thoại, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng nên mã OTP sẽ về số điện thoại của kẻ gian. Từ đó kẻ gian chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng.

Theo Công an TP.HCM, các nhóm lừa đảo chuyển tiền vào số điện thoại nạn nhân, sau đó giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện hỗ trợ nâng cấp sim 4G lên 5G miễn phí. Từ niềm tin đó, nạn nhân chấp nhận làm theo hướng dẫn của người lạ nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Khi nạn nhân thực hiện thao tác này thành công, nạn nhân sẽ mất quyền kiểm soát sim. Từ đó, kẻ gian sẽ truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Thời gian gần đây, Công an TP.HCM ghi nhận nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi của các nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao, vì vậy người dân nâng cao cảnh giác, để bảo vệ tài sản của chính mình. Người dân không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng, không thực hiện theo các tin nhắn có nội dung giả mạo. Bên cạnh đó, không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện. Công an TP.HCM khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân khi làm các thủ tục liên quan đến ngân hàng cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng đó. Doanh nghiệp, người dân không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua người trung gian (mà không biết rõ người đó) để tránh những rủi ro liên quan đến tài sản của mình.

Chuyên gia cảnh báo chiêu thức lừa đảo công nghệ cao

Ông Trần Viết Quân (người sáng lập nền tảng tanca.io) cho biết, các hình thức lừa đảo hiện nay rất tinh vi và đa dạng. Ví dụ như việc hack tài khoản người thân trên mạng xã hội rồi vào nhờ bình chọn cho các bé, hoặc nhờ nhập hộ thông tin cá nhân, mua card điện thoại… Hoặc các nhóm lừa đảo giả mạo ứng dụng cho vay, ứng dụng – website ngân hàng, trang web mua hàng, trúng thưởng… để người dùng nhập các thông tin cá nhân như CMND, tài khoản mạng xã hội, số OTP. Từ đó, sử dụng thông tin cá nhân này để thực hiện hành vi lừa đảo.

Do vậy trước khi cung cấp các thông tin cá nhân đặc biệt các thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán như ngân hàng, ví điện tử, tài khoản điện thoại trực tuyến…, người dùng phải kiểm tra thật kỹ ứng dụng, đường link cung cấp để tránh cung cấp cho bên giả mạo. Nếu sử dụng thông qua ứng dụng như Facebook, Zalo, Telegram… để mở trình duyệt web thì cảnh giác nên tắt tính năng mở nhanh này mà copy link sang trình duyệt chính để kiểm tra link. Nếu không chắc chắn nên hỏi người thân – những người có kinh nghiệm sử dụng công nghệ để tránh phải việc cung cấp dữ liệu không mong muốn.

Theo ông Quân, người dân đưa thông tin cá nhân CCCD, điện thoại, địa chỉ trang Zalo, Facebook cá nhân mục đích vui chơi tuyệt đối không nên. Việc này sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

MÃ PHONG – TRẦN DUY KHÁNH

TNO