26/12/2024

Nga từ chối đàm phán hiệp ước hoà bình rất quan trọng vì ‘Nhật Bản chọn chống Nga’

Nga từ chối đàm phán hiệp ước hoà bình rất quan trọng vì ‘Nhật Bản chọn chống Nga’

Ngày 21-3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này từ chối tiếp tục đàm phán hiệp ước hoà bình với Nhật Bản vì “bản chất không thân thiện rõ ràng trong các hạn chế đơn phương mà Nhật Bản áp đặt đối với Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine”.

 

Nga từ chối đàm phán hiệp ước hòa bình rất quan trọng vì Nhật Bản chọn chống Nga - Ảnh 1.

Một góc quần đảo Nam Kuril mà Nga và Nhật Bản tranh chấp nhiều năm – Ảnh: TASS

Theo Hãng tin Sputnik News, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trong điều kiện hiện tại, phía Nga không có ý định tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình, do không thể thảo luận về việc ký kết một văn kiện cơ bản về quan hệ song phương với một quốc gia có lập trường công khai không thân thiện và tìm cách làm tổn hại lợi ích của đất nước chúng tôi”.

Thông báo cho biết biện pháp này xét đến bản chất không thân thiện rõ ràng trong các hạn chế đơn phương mà Nhật Bản áp đặt đối với Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine.

“Tokyo chịu toàn bộ trách nhiệm về thiệt hại trong hợp tác song phương và lợi ích của Chính Nhật Bản. Họ đã cố tình chọn chống Nga thay vì phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi và láng giềng tốt đẹp”, trang web của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Để trả đũa Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga miễn thị thực cho công dân Nhật Bản đến quần đảo Nam Kuril và rút khỏi đối thoại với Nhật Bản về việc thiết lập các hoạt động kinh tế chung ở quần đảo Nam Kuril.

Phía Nga cũng đang ngăn chặn việc Nhật Bản mở rộng tư cách là đối tác của Tổ chức Hợp tác kinh tế Biển Đen trong đối thoại liên ngành.

Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản bị xấu đi do không có hiệp ước hòa bình trong nhiều năm. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai thuộc quần đảo Kuril mà phía Nga gọi là quần đảo Nam Kuril và tuyên bố chủ quyền, viện dẫn hiệp ước song phương năm 1855 về thương mại và biên giới.

Ngược lại, Matxcơva khẳng định chủ quyền của họ với quần đảo Nam Kuril – trở thành một phần của Liên Xô sau Thế chiến thứ hai, là không thể tranh cãi.

Thời Liên Xô, năm 1956, Matxcơva từng đồng ý xem xét bàn giao đảo Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình và chấm dứt tranh chấp lãnh thổ, nhưng Tokyo không từ bỏ yêu sách đối với tất cả các đảo. Kết quả là hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký kết.

Liên quan đến phản ứng của Nhật với Nga về chiến sự tại Ukraine, ngày 16-3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo Nhật Bản sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga nhằm tăng cường trừng phạt nước này liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nhật Bản cũng tăng quy mô đóng băng tài sản của giới tài phiệt Nga và cấm nhập khẩu một số mặt hàng dù không cho biết mặt hàng nào sẽ bị áp thuế cao hơn khi Nhật Bản bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga.

Nhật Bản cũng hợp tác chặt chẽ với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhằm ngăn chặn Nga khai thác các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức cho vay quốc tế khác.

HỒNG VÂN
TTO