Các Giám mục Châu Âu kêu gọi đàm phán cho cuộc chiến ở Ucraina

Các Giám mục Châu Âu kêu gọi đàm phán cho cuộc chiến ở Ucraina

Tại sự kiện Ngày Xã hội Công giáo Châu Âu lần thứ ba diễn ra từ ngày 17 đến 20/3, một lần nữa các Giám mục Châu Âu lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ucraina, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán.

Lời kêu gọi được ký bởi Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu; Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Vilnius, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Âu; Đức Tổng Giám mục Stanislav Zvolensky của Tổng Giáo phận Bratislava.

Các Giám mục viết: “Cách đây một thế kỷ, khi đại dịch xảy đến nhấn chìm thế giới, thì hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp đã nổ ra. Đừng để lịch sử lặp lại. Toà Thánh tiếp tục kêu gọi đàm phán, vì điều này không bao giờ là quá muộn. Chúng ta hãy cầu nguyện và thúc giục để các cuộc đàm phán cho một giải pháp hoà bình được tiếp tục.”

Các Giám mục  nhấn mạnh: “Với tâm hồn tan nát, chúng tôi lắng nghe tiếng kêu của những người đang đau khổ vì sự điên cuồng của chiến tranh, với những hậu quả bi thảm đang diễn ra trước mắt chúng ta. Chúng tôi xúc động trước tình liên đới của nhiều gia đình và nhiều người trong việc cứu trợ những người đang đau khổ. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế và châu Âu hỗ trợ các nỗ lực này.”

Cũng trong chương trình Ngày Xã hội Công giáo Châu Âu, vào chiều tối thứ Bảy, có buổi cầu nguyện đại kết cho hoà bình tại Nhà thờ Chính toà Thánh Martinô ở Bratislava, do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức. Tại buổi cầu nguyện, ngoài các thành viên tham dự sự kiện còn có sự hiện diện của ông Eduard Heger, thủ tướng Slovakia, đại diện các Giáo hội Tin lành.

Mục sư Christian Krieger, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô Châu Âu, nói trong bài suy niệm: “Xin Tin Mừng bình an mang lại an ủi cho những tâm hồn bị thương tích và đau buồn, khích lệ những ai đang mất hy vọng.”

Theo mục sư, trong cuộc xung đột này có bốn bài học: Thứ nhất “hoà bình rất mong manh” và “xem hoà bình là điều gì đó bình thường có thể có được, chúng ta đã từ bỏ làm việc cho hoà giải, tầm quan trọng của sự hiểu biết giữa các dân tộc và quốc gia, của tình liên đới và cộng tác hỗ tương để thúc đẩy lợi ích địa phương”. Bài học thứ hai “hoà bình lâu dài đòi hỏi sự quan tâm không ngừng, nỗ lực hoà giải liên tục”. Bài học thứ ba “không có hoà bình nếu không có công lý”. Và bài học cuối cùng “bình an được trao ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu”. Như thế nơi đâu có hận thù và bạo lực, thì hoà bình bị suy yếu. Chúng ta phải tiếp tục vận động cho công lý và mang sứ điệp Tin Mừng bình an.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-03/giam-muc-chau-au-dam-phan-cuoc-chien-ucraina.html