29/12/2024

Xét tuyển ĐH: Dùng điểm IELTS, không dùng chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, có hợp lý?

Xét tuyển ĐH: Dùng điểm IELTS, không dùng chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, có hợp lý?

Phương án tuyển sinh năm 2022 của nhiều trường ngày càng mở rộng cho thí sinh có chứng chỉ IELTS. Việc ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS mà không dùng chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc có hợp lý không?

 

 

IELTS là chuẩn quốc tế, còn chương trình ngoại ngữ phổ thông hiện nay là theo chuẩn Việt Nam mục đích dạy – học – thi, nhằm kiểm tra trình độ ngôn ngữ đạt được ở mức nào.

Xét tuyển ĐH: Dùng điểm IELTS, không dùng chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, có hợp lý? - ảnh 1
Học sinh ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi IELTS  NGỌC LONG

IELTS là bài kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ với 4 kỹ năng nên nếu học sinh không có năng lực ngôn ngữ tiếng Anh thì học, thi khó đạt kết quả. Vì vậy, nếu học sinh lớp 12 có chứng chỉ IELTS được ưu tiên xét tuyển sinh đại học nói chung là hợp lý và cũng nhằm để động viên khuyến khích tinh thần học tập tiếng Anh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, công dân toàn cầu…

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Khung năng lực được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng CEFR và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Khung năng lực được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).

Tuy vậy, thực tế quy trình, cách thức đánh giá và đề thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa tạo được uy tín đối với xã hội, nhất là đối với các trường đại học và hơn nữa chưa được các nước công nhận nên giá trị sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế, ít người học, chỉ được dùng để bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy trong các trường phổ thông hiện nay. Nên giữa chứng chỉ có giá trị trong nước (6 bậc) và chứng chỉ quốc tế (IELTS…) được quốc tế công nhận rộng rãi, thì các trường đại học chọn chứng chỉ quốc tế cũng là điều hợp lý.

Thực tế này cho thấy Bộ GD-ĐT cần phải có giải pháp để nâng cao năng lực dạy – học tiếng Anh hiện nay. Các trường phổ thông cần phải nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy, nội dung kiểm tra, điều chỉnh cách dạy học, thi môn ngoại ngữ.

 

Nguyễn Văn Lực

(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO