Hãng xe công nghệ ‘té nước theo mưa’ xăng tăng giá, tận thu khách hàng lẫn tài xế
Hãng xe công nghệ ‘té nước theo mưa’ xăng tăng giá, tận thu khách hàng lẫn tài xế
Xăng tăng, app gọi xe ‘té nước theo mưa’ tăng cước theo, khách hàng tốn thêm tiền nhưng tài xế vẫn lỗ vì tiền chảy về các app. Không chỉ vậy, app còn thu đủ loại phụ phí…
Người sử dụng xe công nghệ gặp khó khi giá cước tăng trong thời gian qua, chưa kể hàng loạt loại phí, cước mà các hãng này tự đặt ra.
Dù tăng giá cước nhưng các lái xe cũng than thở thu nhập giảm vì các hãng cung cấp app tăng chiết khấu, người đi xe giảm so với trước.
Tận thu cả người dùng lẫn “đối tác”
Lấy lý do giá xăng dầu tăng, Grab là hãng đầu tiên nhanh chóng tăng giá cước từ 10-3, sau đó là Gojek. Hai hãng này lần lượt tăng giá cước hầu hết tất cả dịch vụ trên phạm vi toàn quốc với lý do xăng tăng giá. Ngoài ra là “để mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đảm bảo cho các đối tác tài xế hay bù đắp một phần chi phí vận hành và khuyến khích tài xế tích cực làm việc…”.
Tuy nhiên, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong đợt tăng giá cước này chính là các app đặt xe công nghệ vì chi phí của họ hầu như không đổi trong khi ăn theo tỉ lệ chiết khấu khi giá tăng.
Hiện tỉ lệ khấu trừ với hãng là 31,5%, trước đây là 33% (do giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%). Tỉ lệ này giảm theo mức của Nhà nước chứ bản chất thật sự app không giảm.
Theo tính toán của nhiều tài xế, khoảng cách hoạt động 10km trước đây với dịch vụ GrabCar có giá khoảng 120.000 đồng nhưng nay đã tăng lên hơn 130.000 – 150.000 đồng (tùy thời điểm). Với khoản tiền nhờ tăng cước, tài xế chỉ nhận được 68,5% (chưa trừ chi phí xăng, nhớt…), còn lại 31,5% chảy về túi doanh nghiệp vận hành ứng dụng xe công nghệ.
Theo đó cứ mỗi 1.000 đồng tăng theo giá cước thì phía ứng dụng gọi xe bỏ túi tương ứng 315 đồng cho dù việc xăng tăng giá không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Với hàng trăm ngàn cuốc xe mỗi ngày của các app xe công nghệ, số tiền tăng thêm rất lớn.
Anh Cảnh – một tài xế vừa mới tắt app – cho rằng hãng xe tăng giá cước nhằm hỗ trợ tài xế nhưng thực tế thu nhập của họ không được cải thiện bao nhiêu. Bởi vì những ngày gần đây tình hình ế ẩm, giá xăng thì tăng liên tục, chiết khấu với app cao cho nên thu nhập tài xế giảm mạnh.
“Thực tế có nhiều chuyến giao hàng khoảng cách khoảng 3km với tổng tiền cước 25.000 đồng, nhưng tài xế chỉ còn nhận được từ Grab 16.777 đồng, tương ứng khoảng 67%. Tính ra, mỗi kilômet giao hàng chỉ được hưởng hơn 5.590 đồng. Mức thu nhập trên chưa trừ chi phí xăng nhớt hay tình huống hư hỏng phương tiện phải tốn chi phí để sửa chữa”, anh Cảnh phân tích.
“Bản chất thu lợi, chưa phải là chia sẻ”
Đây là nhận định của ông Nguyễn Công Hùng – chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề các hãng công nghệ tăng giá cước với lý do bù đắp chi phí cho đối tác tài xế khi xăng dầu tăng giá. “Bản chất việc điều chỉnh giá cước tăng lên thì xe công nghệ sẽ được hưởng lợi theo tỉ lệ phần trăm tăng thêm đó” – ông Hùng nói.
Đồng quan điểm với ông Hùng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay khi xe công nghệ chiếm thị phần lớn như Grab đang thực hiện chiến lược tăng giá dần dần để thu lợi, trong đó chi phí nhiên liệu xăng chỉ là một trong lý do để tăng giá.
Tỉ lệ chiết khấu thông thường của xe công nghệ là 7:3, tức 70% doanh thu mỗi cuốc xe tài xế được hưởng và 30% còn lại chiết khấu với app. Khi app xe công nghệ tăng giá cước thì họ vẫn hưởng lợi với phần trăm tăng thêm, trong khi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết. Xăng tăng là app “té nước theo mưa” tăng cước, người tiêu dùng lại phải gánh thêm khoản chiết khấu 30% của phía ứng dụng gọi xe, bất hợp lý chất chồng, chỉ có người tiêu dùng gánh chịu.
Theo ông Hiển, trong khi người tiêu dùng cũng gánh chịu một phần do giá xăng dầu tăng thì phía ứng dụng gọi xe cần chia sẻ bằng cách giảm phần nào tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế. “Đây là điều mà công ty đứng đầu thị trường vận chuyển công nghệ nên làm” – ông Hiển nói.
Các chuyên gia giao thông đánh giá cần giám sát việc tăng giá cước của doanh nghiệp trong giai đoạn này với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi.
Be ngược dòng giảm chiết khấu
Trong số các hãng gọi xe lớn tại Việt Nam, chỉ có Be giữ nguyên mức giá vận chuyển, giảm chiết khấu ôtô BeCar xuống 10% nhằm hỗ trợ tài xế kể từ 17-3.
Cụ thể, hãng xe Be quyết định không tăng giá tất cả dịch vụ, tức gồm gọi xe 2 bánh, gọi xe 4 bánh, giao hàng, đi chợ hộ và mới nhất là dịch vụ giao thức ăn vừa ra mắt, để góp phần chung tay bình ổn giá, hỗ trợ khách hàng.
Riêng tài xế xe 4 bánh, Be giảm chiết khấu xuống 10% nhằm san sẻ chi phí trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng vọt trong thời gian qua. “Be hiện tại đang gồng 2 đầu giá. Cước phí di chuyển của khách không tăng, chiết khấu giảm xuống có thể san sẻ chi phí với anh em tài xế để bù qua giá xăng đang neo ở mức cao” – ông Nguyễn Việt Linh, giám đốc truyền thông Be, chia sẻ.
Nhiều kiểu thu thêm tiền khách hàng
Theo quan sát, mức giá cước được các hãng xe công nghệ đẩy lên theo từng năm. Đơn cử, năm 2020, giá cước GrabCar 4 chỗ có giá 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và mỗi km tiếp theo có giá 9.500 đồng. Bước sang năm 2022, giá cước đã được điều chỉnh tăng lên 29.000 đồng cho 2km đầu và những km tiếp theo giá 10.000 đồng.
Không những vậy, người sử dụng dịch vụ xe công nghệ còn bị “bủa vây” bởi các loại phụ phí khác như phí thay lộ trình, phí ban đêm, phí khi mưa từ 5.000 – 10.000 đồng… Bên cạnh đó là loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng mức 1.000 – 3.000 đồng/cuốc xe.