Giá dầu có ‘chơi bập bênh’?
Giá dầu có ‘chơi bập bênh’?
Trong ngày 15-3, giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều đã giảm xuống mức dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2 sau nhiều lần tăng giá trước đó.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tại London giảm 6,99 USD (tương đương 6,5%), đóng cửa ở mức 99,91 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI giao sau tại New York đã giảm 6,57 USD (tương đương 6,4%), xuống còn 96,44 USD/thùng.
Tin tốt và tin xấu
Theo Đài CNN, việc giá dầu giảm trong ngày 15-3 đã giúp giá xăng không tăng thêm ở Mỹ. Hiện tại giá xăng đã chững lại, dù 1 gallon (3,785 lít) xăng tại đây vẫn ở mức cao (gần 4,32 USD).
Truyền thông quốc tế cho rằng giá dầu giảm nhờ một số nguyên nhân như: triển vọng đàm phán Nga – Ukraine, tình hình COVID-19 căng thẳng ở Trung Quốc, Nga đề xuất cho phép khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất…
Dù vậy, giá dầu giảm cũng phản ánh những lo lắng về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi Trung Quốc tái bùng dịch vì biến thể Omicron.
“Chúng ta có tin tốt và tin xấu. Tin tốt là giá dầu giảm mạnh. Tin xấu là giá dầu giảm do những lo ngại về tăng trưởng, và điều này không phải điềm lành cho triển vọng gia tăng thu nhập” – nhà phân tích Patrick O’Hare của trang Briefing.com nhận định.
Hiện Trung Quốc nhập khẩu khoảng 11 triệu thùng dầu mỗi ngày. Chuyên gia Louise Dickson tại Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy đánh giá các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt (như lệnh phong tỏa) của Trung Quốc có thể khiến 500.000 thùng dầu/ngày “gặp nguy” khi nước này cần ít năng lượng hơn trong ngắn hạn. “Rủi ro về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc là có thật” – ông Dickson nói.
Theo ông Dickson, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực với giá dầu thô vì dầu được giao dịch bằng USD. Dự kiến ngày 16-3, FED thực hiện bước đầu tiên trong một loạt các đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và điều này có thể đẩy giá USD lên cao hơn.
Một nguyên nhân khác khiến giá dầu sụt giảm là triển vọng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có thể tăng sản lượng dầu. Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba cho biết nước này muốn tăng lượng dầu khai thác, làm dấy lên hy vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể can thiệp.
Trong khi đó, Nga – Ukraine vẫn đang đàm phán. Các nhà đầu tư hy vọng sẽ có tiến triển trong giải quyết xung đột, giúp thúc đẩy nguồn cung dầu toàn cầu.
Vẫn chưa “thoát nạn”
Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine vào hôm 24-2, giá dầu toàn cầu tăng đột biến. Cách đây chỉ hơn một tuần, giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đã tăng vọt lên trên 139 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008.
Giới phân tích cảnh báo giá dầu có thể chạm ngưỡng 185 USD/thùng và sau đó là 200 USD/thùng khi các bên mua “xa lánh” dầu Nga, đẩy lạm phát lên cao hơn và gây căng thẳng lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đã có một cú quay đầu nhanh chóng kể từ đó. Giá dầu thô Brent giao sau đã giảm gần 30% so với mức đỉnh chỉ trong một tuần qua.
Dẫu thế, theo Đài CNN, giới chuyên gia cảnh báo thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng giá dầu. Dầu vẫn đang được giao dịch với mức giá cao hơn đáng kể so với chi phí sản xuất, và những biến động cực đoan có thể tiếp diễn vào thời điểm không ai có thể nói chắc điều gì.
“Tôi sẽ không loại trừ mức giá 200 USD/thùng. Vẫn còn quá sớm để kết luận” – ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ tại Công ty Rystad Energy, nhận định.
Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cảnh báo sự sụt giảm giá dầu có thể chỉ “diễn ra trong ngắn hạn” do tình trạng khan hiếm và những bất ổn liên tục xung quanh dầu thô của Nga.
Còn ông Pavel Molchanov, nhà phân tích năng lượng tại Ngân hàng Raymond James, cho rằng nếu Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn thì điều đó sẽ giúp kéo dài thời gian hạ nhiệt của giá dầu.
Dù mức 100 USD/thùng vẫn là đắt đỏ, nhưng nếu giá dầu tiếp tục quanh mức này, điều đó có thể giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát và giới hoạch định chính sách có thể thở phào.
IEA cảnh báo khủng hoảng nguồn cung
Trong báo cáo hằng tháng công bố hôm 16-3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nếu OPEC không tăng sản lượng thì thị trường dầu thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập niên.
Theo IEA, thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt, có thể sớm nhất là trong quý 2 năm nay, nếu OPEC không tăng sản lượng. Ngoài năng lực dự phòng của các thành viên hàng đầu OPEC là Saudi Arabia và UAE, không có nguồn cung bổ sung nào khác có thể cân bằng thị trường khi lượng dầu tồn kho đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.