28/12/2024

Các nước rục rịch tiêm liều thứ tư, lại tranh luận nên hay không

Các nước rục rịch tiêm liều thứ tư, lại tranh luận nên hay không

Khi số ca mắc mới ở một số nơi, nhất là châu Âu, có dấu hiệu tăng lại do biến thể Omicron và các dòng phụ của nó, một số nước bắt đầu lên kế hoạch tiêm liều vắc xin thứ tư cho người lớn tuổi.

Các nước rục rịch tiêm liều thứ tư, lại tranh luận nên hay không - Ảnh 1.

Tiêm ngừa COVID-19 tại Hà Lan ngày 15-3 – Ảnh: AFP

Hãng Pfizer và đối tác BioNTech đã chính thức nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều bổ sung vắc xin COVID-19 của họ tại Mỹ. Dự kiến Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ triệu tập họp ủy ban cố vấn vào tháng 4 để thảo luận về liều thứ tư.

 

Giúp tăng miễn dịch

Ngày 15-3, Pfizer và BioNTech thông báo đã đề nghị FDA phê duyệt khẩn cấp liều vắc xin bổ sung thứ hai (tức liều thứ tư) cho người từ 65 tuổi trở lên.

Pfizer cho biết đã nộp hồ sơ lên FDA dựa trên dữ liệu ở Israel, nước đã triển khai tiêm liều thứ tư cho người từ 18 tuổi trở lên, theo Hãng tin Reuters.

Phân tích dữ liệu của hơn 1 triệu người từ 65 tuổi trở lên tại Israel cho thấy so với người chỉ tiêm ba liều, liều thứ tư giúp tăng miễn dịch, giảm mắc bệnh và bệnh nặng ở người được tiêm ít nhất bốn tháng sau khi tiêm liều ba.

Báo Japan Times cho biết trong tháng 3 Nhật Bản sẽ bắt đầu thảo luận việc có cần tiêm liều thứ tư không. Theo Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto, chính phủ sẽ ra quyết định dựa trên bằng chứng khoa học và tham khảo cách ứng xử với liều vắc xin này của những nước khác.

Trước đó, ngày 12-3, Pháp công bố tiêm liều thứ tư cho người trên 80 tuổi đã tiêm liều ba hơn 3 tháng trước. Đầu tháng 2, theo Đài DW, Hội đồng chuyên gia về vắc xin của Đức (STIKO) khuyến nghị tiêm liều bổ sung thứ hai cho các nhóm có nguy cơ cao, gồm người trên 70 tuổi và người suy giảm miễn dịch. Nhiều nước, trong đó có Chile và Thụy Điển, đang tiêm liều thứ tư cho người lớn tuổi.

 

Người trẻ, khoẻ không cần tiêm

Theo báo New York Times, việc Pfizer-BioNTech xin cấp phép nói trên có thể làm dấy lên tranh luận trong giới khoa học về việc khi nào nên tiêm liều thứ tư, và đối tượng được tiêm là ai, giống như cuộc tranh luận trước đây về liều thứ ba.

Giới chức y tế Mỹ, bao gồm chuyên gia bệnh nhiễm Anthony Fauci, đã nhiều lần nói đến liều thứ tư, cho rằng có thể cần liều này cho người lớn tuổi có bệnh nền, và cũng là để chuẩn bị cho khả năng xảy ra đợt bùng dịch khác.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm dần theo thời gian. CDC Mỹ cũng đã khuyến nghị liều thứ tư ít nhất 3 tháng sau tiêm liều thứ ba cho người suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng.

Tuần trước, ông Bourla nói sẽ cần đến liều thứ tư để tăng khả năng bảo vệ đã bị suy yếu theo thời gian. Trả lời tờ Business Insider ngày 14-3, tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch Hãng dược Moderna, tỏ ra thận trọng. Ông Hoge nói “đối với người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, trên 50 hay ít nhất là 65, chúng tôi muốn khuyến nghị và khuyến khích liều thứ tư” song không nêu rõ thời điểm cần tiêm.

Một nghiên cứu nhỏ tại Israel, đăng trên chuyên trang medRxiv ngày 15-2 và chưa được bình duyệt, cho thấy liều thứ tư giúp hồi phục kháng thể ở mức có thể quan sát được một thời gian sau liều thứ ba, song chỉ tăng khả năng phòng bệnh ở mức khiêm tốn.

Bà Gili Regev-Yochay, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Sheba (Israel), cho biết “liều thứ ba rất quan trọng. Tuy nhiên, những người trẻ, khỏe mạnh và không có nguy cơ sẽ không được lợi nhiều từ liều thứ tư” khi đối mặt với biến thể Omicron. Chuyên gia này cho rằng liều thứ tư vẫn có lợi cho người có nguy cơ trở nặng nếu mắc COVID-19.

 

Dòng phụ BA.2 của Omicron đe dọa châu Âu

Châu Âu đang cố gắng vượt qua COVID-19 song việc vội vàng nới lỏng các biện pháp phòng dịch đang gây lo ngại tái diễn những nguy cơ đại dịch, theo Hãng tin Bloomberg.

Với sự xuất hiện của dòng phụ BA.2 dễ lây lan hơn cả BA.1 (dạng phổ biến của biến thể Omicron), Đức lập kỷ lục số ca nhiễm mới ngày 15-3. Áo cũng ghi nhận số ca bệnh kỷ lục, trong khi số ca mắc mới tại Hà Lan đã tăng gấp đôi kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch hôm 25-2.

Tuần này, số ca nhập viện tại Anh tăng trên 10.000 người, tăng 18% so với tuần trước, theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS). Tại Ý, khoảng 120.000 học sinh đã được cách ly trong tuần kết thúc ngày 5-3.

ANH THƯ
TTO