Gạo Việt cần tận dụng cơ hội giá cao
Gạo Việt cần tận dụng cơ hội giá cao
Trong khi giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, nhiều nước tạm dừng xuất khẩu. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng giá gạo xuất khẩu nhằm bù đắp chi phí sản xuất tăng cao cho nông dân.
Mới đây, một loạt nước sản xuất lương thực như Serbia, Hungary, Ruman, Indonesia, Argentina, Ai Cập có lệnh tạm ngừng xuất khẩu một số sản phẩm như: dầu ăn, bắp, lúa mì, đậu nành… để đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng trong nước.
Thị trường sôi động
Hiện nay nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Khác với hằng năm, năm nay vào chính vụ giá lúa lại tăng so với đầu vụ. Ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất hơn 50 ha lúa ở H.Tri Tôn (An Giang), nói: Tôi thu hoạch lúa từ ngay sau tết, nhờ sản xuất giống ST nên giá khá cao, 7.200 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 200 đồng. Tuy nhiên các giống lúa khác như Đài thơm, OM thì không được như vậy, thấp hơn cùng kỳ 600 – 700 đồng/kg. Năm nay tình hình thu mua lúa trái ngược với mọi năm, đầu vụ thương lái thu mua cầm chừng, thì đến nay giữa vụ lại đua nhau gom hàng và giá cả tăng từng ngày. Nguyên nhân là tình hình xuất khẩu đang tốt, doanh nghiệp (DN) thu gom nên giá tăng trong khi sản lượng thu hoạch giảm khoảng 30% do ảnh hưởng bởi muỗi hành hại lúa.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân CÔNG HÂN |
Theo ông An, năm nay chi phí phân thuốc tăng gần gấp đôi lên gần 2 triệu đồng/công, nên dù thời điểm này giá tăng nhưng nông dân không có lãi nhiều. Do thu hoạch từ cách đây một tháng nên thời điểm này ông An cũng đã làm đất xong để chuẩn bị xuống giống vụ tiếp theo. Vậy là chỉ khoảng 100 ngày nữa lúa lại đầy kho.
Các DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cũng đang tích cực thu gom chuẩn bị xuất khẩu để chuẩn bị cho các đơn hàng mới.
Đại diện một DN cho biết: Trước biến động của thị trường thế giới, chúng tôi cũng chủ động mua vào vì biết thế nào giá cũng tăng. Có sẵn gạo, đàm phán với khách hàng cũng dễ và không bị hớ khi giá nội địa tăng liên tục. Mấy tuần gần đây giá liên tục tăng và hiện đạt mức 435 – 448 USD/tấn đối với gạo 5%. Các loại gạo chất lượng cao xuất khẩu giá còn tăng mạnh hơn trung bình từ 10 – 15 USD/tấn, kể từ sau tết. Nếu căng thẳng kéo dài, giá dầu tăng thì giá lúa gạo có thể tăng tiếp trong thời gian tới.
“Giá lúa gạo xuất khẩu tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo nội địa. Tuy nhiên, mức giá hiện nay thì mới đảm bảo nông dân có lãi vì chi phí vật tư đầu vào thời gian qua tăng quá cao. Nhà nước không nên hạn chế xuất khẩu như những năm trước đây, vì như vậy sẽ làm giá lúa quay đầu lao dốc; nông dân thiệt hại nặng. Làm ăn không có lãi họ bỏ lúa thì vừa ảnh hưởng kinh tế mà cả an ninh lương thực”, vị này nói.
Việt Nam không lo thiếu gạo
Trước câu hỏi, Việt Nam có cần tính tới các biện pháp an ninh lương thực trước khi xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong ngành nông nghiệp đều cho rằng việc này là không cần thiết, mà nên tận dụng thời cơ giá tốt hiếm có để bán gạo với giá cao.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, phân tích: Những năm gần đây chúng ta có nhiều lần tạm ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu gạo, mà lần gần nhất là vào thời điểm này năm 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng của dịch bệnh và hạn mặn cũng như nhu cầu lương thực tăng cao. Nhưng những lần như vậy đều là một lần thất bại về mặt kinh tế khi chúng ta không tận dụng được cơ hội giá tốt, rất phí. Về mặt chiến lược, gạo là mặt hàng rất quan trọng nên nước nào cũng củng cố đầu tiên. Chính vì vậy, tính ổn định của thị trường này rất cao, ít xảy ra biến động kéo giá tăng. Vấn đề của Việt Nam là bao năm qua xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà nông dân vẫn nghèo, vì giá gạo quá thấp. Năm nay tình hình xuất khẩu trong điều kiện bình thường sẽ rất khó khăn vì theo dự báo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng lúa gạo rất lớn, thặng dư tiêu dùng kéo dài đến 4 – 5 tháng, trên quy mô toàn cầu. Cho nên, khi có cơ hội xuất khẩu với giá tốt thì nên để DN xuất để giải phóng lúa gạo hàng hóa trong dân, giúp nông dân tăng thu nhập, không nên tạm dừng hay hạn chế. Điều này chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm cần tránh lặp lại sai lầm cũ.
Đồng quan điểm trên, GS-TS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ, phân tích: Các nước xuất khẩu lương thực trên thế giới rất khác Việt Nam. Họ chỉ sản xuất có một vụ trong khi chúng ta cứ 3 tháng có gạo một lần, có khi gối đầu 2 năm tới 7 vụ. Trung bình cứ 100 ngày là có 3 – 4 triệu tấn lúa. Giữa các khu vực khác nhau tại ĐBSCL mùa vụ cũng không đồng loạt mà gối đầu, xen kẽ nhau. Có thể nói, không nơi nào như ĐBSCL, lúc nào cũng có lúa gạo, liên tục quanh năm. Chính vì vậy, an ninh lương thực được bảo đảm ngay trên đồng ruộng chứ không cần đến kho dự trữ. Kho dự trữ nếu có chỉ là biện pháp kỹ thuật ở một số địa phương không có thế mạnh. Nếu tính phân theo vùng sinh thái thì khu vực dọc biên giới với Campuchia là vùng siêu thâm canh, làm 3 vụ/năm – đây là kho dự trữ sống của Việt Nam.
Tới vùng giữa ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và vùng ven biển là 2 vùng dư ra để xuất khẩu. Sản lượng rất dồi dào và chúng ta hoàn toàn yên tâm để xuất khẩu. Vụ đông xuân đang thu hoạch hiện nay, số làm tròn ít nhất cũng 4 triệu tấn lúa tương đương 2,3 – 2,5 tấn gạo là một con số rất lớn cần được tiêu thụ mà không lo thiếu hụt tiêu dùng trong nước.
GS Xuân nhấn mạnh không có nước nào bảo đảm an ninh lương thực một cách tự nhiên tốt như Việt Nam. Cụ thể như Thái Lan, phần lớn gạo xuất khẩu của họ cũng là trồng một vụ duy nhất trong năm. Hay như Ấn Độ và Trung Quốc cũng không thâm canh được như Việt Nam và bị vướng dân số quá đông, tới trên 1 tỉ người nên phải đẩy mạnh dự trữ và mỗi khi xả kho thì giá gạo giảm mạnh. Các nước khác như Philippines hay Indonesia cũng chỉ sản xuất được 2 vụ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải nhập khẩu gạo. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu khi gạo được giá.
Sản lượng gạo toàn cầu tăng, thương mại giảm
Theo báo cáo tháng 1.2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021 – 2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn, tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020 – 2021. Trong đó, sản lượng gạo của Ấn Độ dự báo đạt 125 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và sẽ là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận sản lượng cao kỷ lục. Tương tự, sản lượng gạo của Trung Quốc cũng dự báo đạt kỷ lục gần 149 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới và chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu hằng năm.
USDA cũng dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn, giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và VN giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.
CHÍ NHÂN
TNO