09/01/2025

Đảo chiều ngoạn mục, giá dầu có giảm lâu dài?

Đảo chiều ngoạn mục, giá dầu có giảm lâu dài?

Sau đợt tăng cao kỷ lục, giá dầu thô đã giảm sâu, nhưng theo giới phân tích thì còn quá sớm để có thể lạc quan.

 

 

Theo cập nhật của Bloomberg đến tối 16.3 (theo giờ VN), giá dầu WTI tiếp tục giảm 0,43% còn 96,19 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0,11% còn 99,8 USD/thùng. Như thế, khoảng gần 1 tuần qua, giá dầu đã giảm dần, xuống dưới mức 100 USD/thùng. So với thời điểm cao trào vào ngày 7.3 (sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine) đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, thì giá dầu giảm khoảng 30%.

Đảo chiều ngoạn mục, giá dầu có giảm lâu dài? - ảnh 1
Nguồn cung dầu thô vẫn còn nhiều khó khăn  REUTERS

Nhiều yếu tố tích cực

Giải thích cho nguyên nhân giá dầu giảm, giới quan sát quốc tế cho rằng tác động quan trọng đến từ việc Nga và Ukraine đạt được một số tín hiệu khả quan trong việc đàm phán. Diễn biến này khiến cho một số nhà đầu tư bắt đầu bán dầu ra thị trường. Một tín hiệu tích cực khác là Mỹ và Iran đạt được một số bước tiến trong đàm phán để nối lại thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Không những vậy, Nga cũng đề xuất giải pháp khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trong thời gian tới. Qua đó, Iran có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô trở lại, góp thêm tín hiệu tích cực cho thị trường năng lượng.

Thêm vào đó, Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) cũng xúc tiến chương trình xả kho dự trữ để hạ nhiệt giá dầu. Mới đây, Đại sứ UAE tại Mỹ là ông Yousuf Al Otaiba thông báo UAE ủng hộ việc tăng sản lượng khai thác. Tiếp đó, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cũng hé mở khả năng nước này tác động để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác (thường được gọi là nhóm OPEC+) thay đổi chính sách lâu nay. Suốt những năm gần đây, OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác nhằm duy trì giá dầu ở mức cao. Chính vì thế, nếu OPEC+ thay đổi chính sách thì có thể giúp tăng sản lượng, bù vào nguồn cung của Nga.

Ngoài ra, do bùng phát dịch Covid-19 trong khi vẫn duy trì chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng), Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa nhiều tỉnh thành. Trong đó có Thâm Quyến được ví như “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” với trụ sở của nhiều hãng công nghệ lớn như Tencent, Huawei… Chính vì thế, việc sản xuất bị đình trệ ở nhiều địa phương của Trung Quốc, giúp giảm nhu cầu năng lượng ước tính tương đương 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Tất cả các diễn biến trên được cho là đã góp phần hạ nhiệt giá dầu, giúp giá năng lượng giảm sâu.

 

Chưa thể an tâm ?

Tuy nhiên, theo giới phân tích thị trường năng lượng thì chưa thể sớm lạc quan với giá dầu. Trả lời Thanh Niên, ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng – Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), dẫn các phân tích cho thấy nguồn cung dầu mỏ còn nhiều thách thức.

Cụ thể, theo phân tích thì Nga đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi là nhà khai thác dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới. Về khí đốt tự nhiên, Nga là nhà khai thác lớn thứ hai, nhưng là nhà xuất khẩu lớn nhất. Việc cắt giảm cung cấp và xuất khẩu năng lượng từ Nga trở thành thách thức lớn, khi nước này chiếm khoảng 12% sản lượng dầu mỏ, 19% sản lượng khí đốt tự nhiên và 18% sản lượng than giao dịch toàn cầu. Trước thời điểm tiến quân vào Ukraine, Nga đang xuất khẩu khoảng 4,7 triệu thùng dầu thô và 2,8 triệu thùng sản phẩm từ dầu. Nhưng nay, phần lớn việc xuất khẩu dầu thô của Nga bị đình trệ do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Trong khi đó, nếu nhóm OPEC+ tăng sản lượng, vốn chủ yếu phụ thuộc vào UAE và Ả Rập Xê Út, thì mức tăng cũng hạn chế, kỳ vọng chỉ khoảng hơn 2 triệu thùng/ngày và khó duy trì lâu dài nếu không có Nga. Các nhà khai thác năng lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng khó tăng sản lượng mạnh trong thời gian tới. Về đàm phán nối lại thỏa thuận liên quan chương trình hạt nhân Iran, giới quan sát cũng không kỳ vọng có thể đẩy nhanh tiến độ. Nên việc tăng nguồn cung từ Iran cũng cần thêm thời gian. Chính vì thế, trong những tháng tới, giá dầu nhiều khả năng chưa thể duy trì mức thấp như hiện nay.

UBS đưa ra dự báo giá dầu sẽ tăng và ở mức cao trong một thời gian. Cụ thể, đến tháng 6.2022 thì giá dầu Brent sẽ ở mức 125 USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 119 USD/thùng, rồi lần lượt giảm xuống mức 115 USD/thùng và 112 USD/thùng vào tháng 9.2022, đến tháng 12 thì giá lần lượt là 105 USD/thùng và 102 USD/thùng. Mức giá của tháng 12.2022 có thể dao động, duy trì kéo dài đến tháng 3.2023. Nếu tình hình căng thẳng hơn, UBS cho rằng giá dầu Brent có thể lên mức trần là 150 USD/thùng, tương đương mức kỷ lục hồi năm 2008.

HOÀNG ĐÌNH

TNO