24/11/2024

Nỗ lực giảm thiệt hại từ thị trường Nga

Nỗ lực giảm thiệt hại từ thị trường Nga

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thuỷ sản sang Nga đang tích cực tháo gỡ khó khăn sau những chuyến hàng đầu năm đã giao nhưng chưa thu hồi được tiền, do Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

 

 

 

Rủi ro trong kinh doanh

Tuy không chiếm tỷ trọng lớn nhưng Nga là thị trường xuất khẩu ổn định của nhiều nông sản VN như cà phê, điều, thủy sản, gỗ… Năm 2021, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đạt khoảng 14 triệu USD, tôm gần 50 triệu USD. Sang tháng 1.2022, xuất khẩu cá ngừ qua thị trường này tăng 427% so với cùng kỳ. Đang tăng trưởng tốt thì xung đột giữa Nga – Ukraine xảy ra, một số đơn hàng cá ngừ đã gửi đi cả Nga và Ukraine phải quay trở lại, tạm dừng vì rủi ro về giao dịch ngân hàng. Đối với sản phẩm tôm, Nga được coi là một trong những thị trường tiềm năng cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do VN – Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU). Các sản phẩm tôm chính của VN xuất khẩu sang Nga gồm tôm chân trắng tươi bỏ đầu, lột vỏ bỏ đuôi tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi bỏ đầu, bỏ đuôi đông lạnh…

Nỗ lực giảm thiệt hại từ thị trường Nga - ảnh 1
Nông thủy sản VN xuất khẩu sang Nga đang tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển và thanh toán  CÔNG HÂN

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) thủy sản lớn ở miền Tây cho biết đang tích cực làm việc với các khách hàng ở Nga để lấy lại tiền. Phần lớn khách hàng là đối tác lâu năm, việc hệ thống thanh toán SWIFT bị ngắt đối với Nga là yếu tố khách quan, cũng không trách được họ. “Giá trị hàng bị ảnh hưởng bởi hệ thống thanh toán không quá lớn, nên mình xem là rủi ro trong kinh doanh chứ chưa biết giải quyết cách nào. Hiện tại thị trường này không còn tàu nhận chở hàng nên cũng không còn rủi ro. Lượng tôm nguyên liệu cũng không có nhiều và giá cũng cao nên chúng tôi tập trung sản xuất hàng giá trị gia tăng đi các thị trường Mỹ và EU, vì hiện tại các thị trường này đang tốt”, vị này nói.

Nga hiện chiếm tỷ trọng khoảng 4% tổng lượng cà phê xuất khẩu của VN. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay VN đã xuất khẩu 15.406 tấn cà phê sang thị trường Nga, trị giá thu về 37,1 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của VN sang Nga luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, một giám đốc DN xuất khẩu cà phê cho biết giá cà phê đang sụt giảm do xung đột Nga – Ukraine. Một số lô hàng vẫn đang bị kẹt ở cảng chưa thể giao hàng, kèm theo đó giá cước vận chuyển cũng cao ngất ngưởng. “Nhiều ngân hàng Việt sợ bị rơi vào “danh sách đen” của các nước do vi phạm chính sách cấm vận, nên trả lại tất cả chứng từ, dù đơn hàng đó xuất sang EU. Chúng tôi và các đối tác hiện chưa tìm ra cách giải quyết”, vị giám đốc này cho biết.

 

Chuyển hướng thị trường

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho hay mỗi năm Phúc Sinh Group xuất khẩu sang Nga khoảng 10 triệu USD cả trực tiếp và gián tiếp qua nước thứ ba. Thị trường Nga rộng lớn, lại dễ tính, rất nhiều đối tác của Phúc Sinh Group tại Hà Lan, Đức… mua cà phê để bán lại sang Nga. Không ngoại lệ, Phúc Sinh Group hiện cũng đang bị vướng thanh toán ở thị trường này do xung đột Nga – Ukraine. “Tại Phúc Sinh Group, việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt lại hết do các ngân hàng VN không dám nhận. Với các đơn hàng đang trên đường đi, chứng từ chưa được gửi, công ty sẽ chuyển hướng bán cho các đối tác khác. Với đơn hàng đã giao thành công nhưng bị kẹt khâu thanh toán do Nga bị loại khỏi mạng lưới SWIFT, Phúc Sinh Group và đối tác đang tìm giải pháp giải quyết. Dù vậy, số lượng đơn hàng rơi vào tình huống này không nhiều”, ông Thông cho biết và chia sẻ, điều ông lo lắng nhất là cuộc chiến không chỉ khiến DN có nguy cơ mất thị trường Nga rộng lớn, mà còn “phủ bóng đen” lên cả thị trường châu Âu, do tâm lý của người dân châu Âu đang u ám vì chiến sự.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong tháng 1 năm nay, thủy sản xuất khẩu sang Nga đạt 17 triệu USD, sang Ukraine đạt 3,7 triệu USD. Hiện có khoảng 50 DN VN được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những DN đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền do việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Các DN đang tích cực làm việc với đối tác để thu hồi vốn nhưng việc này thật sự rất khó khăn. Hiện nay, thị trường Nga đang là khoảng trắng vì tàu bè không chở hàng và ngân hàng không nhận giao dịch với thị trường này. “Dù vậy, sự mất mát của thị trường Nga là không quá lớn vì tỷ trọng của nó trong tổng kim ngạch thủy sản VN không quá cao. Hiện các thị trường trọng điểm khác đang tăng trưởng tốt và có đủ khả năng bù đắp sự sụt giảm này. Dự báo xuất khẩu cả năm vẫn tăng trưởng tốt”, ông Hòe lạc quan nhận định.

 

CHÍ NHÂN – QUANG THUẦN

TNO