Những công trình ‘làm nghèo’ đất nước: ‘Đại công trình’ trăm tỉ lay lắt
Những công trình ‘làm nghèo’ đất nước: ‘Đại công trình’ trăm tỉ lay lắt
Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng và dãy nhà ở công nhân PVTex là 2 “đại công trình” minh chứng rõ nét cho việc đầu tư kém hiệu quả, không phát triển đúng kỳ vọng và gây lãng phí ngân sách.
Tiêu điều “nhà cánh diều”
Tháng 5.2004, TP.Hải Phòng đưa Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng ở đường Phạm Văn Đồng (thuộc P.Anh Dũng, Q.Dương Kinh) vào sử dụng. Đây là dự án được đầu tư với số tiền gần 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Dự án được thực hiện trên khu đất có tổng diện tích 13 ha. Trong đó, tòa nhà Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế TP.Hải Phòng có kết cấu bằng thép vĩnh cửu, mặt bằng tầng 1 là 10.000 m2, tầng 2 là 5.000 m2.
Nhìn từ xa, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế TP.Hải Phòng như một cánh diều khổng lồ, nên được người dân TP.Hải Phòng gọi là “nhà cánh diều”.
Thời điểm được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, “nhà cánh diều” được nhiều người coi là biểu tượng của TP.Hải Phòng với nhiều sự kỳ vọng lớn lao về việc đây sẽ là trung tâm phát triển kinh tế thương mại, hội chợ, thậm chí là vui chơi, giải trí.
Khu cánh diều được đầu tư 100 tỉ đồng đã xuống cấp sau nhiều năm khai thác không hiệu quả LÊ TÂN |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên, “nhà cánh diều” được khai thác rất kém hiệu quả so với kỳ vọng. Ông Huân, một người dân sống gần “nhà cánh diều”, cho biết: “Hồi mới được xây dựng thì nổi tiếng lắm. Tôi nhớ là còn được in trên vở học sinh. Người dân TP.Hải Phòng cũng háo hức ra đây check-in, tham quan. Trong năm đầu tiên, khu cánh diều khá sôi động”.
Thế nhưng chỉ sau đó khoảng 1 năm, các hoạt động tại “nhà cánh diều” bắt đầu ít đi. Khoảng 10 năm gần đây, mỗi năm “nhà cánh diều” chỉ tổ chức được vài ba sự kiện lớn. Anh Tuấn Anh, một người thường xuyên có gian hàng tại các hội chợ, chia sẻ: “Khu cánh diều xa trung tâm, xa khu dân cư. Nhìn ngoài thì đẹp nhưng bên trong không tối ưu được không gian sử dụng, không có điều hòa. So với việc tổ chức ở các không gian ngoài trời tại các địa điểm trong khu vực nội thành, thì thực sự nhà cánh diều không bằng”.
Đến nay, do không khai thác hiệu quả, nhà cánh diều cũng không được tu sửa thường xuyên nên xuống cấp và hoang hóa thảm hại.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, các kết cấu thép trong tòa nhà chính đã han gỉ; tường bong tróc, rêu mốc; nền gạch bục vỡ. Tầng 1 rộng 10.000 m2 trở thành kho tập kết hàng hóa. Hằng ngày, các loại xe nâng hàng qua lại liên tục đã làm hư hỏng rất nhiều phần mặt sàn. Tại khuôn viên xung quanh, cây cối, cỏ dại mọc um tùm khiến cảnh vật tiêu điều, hoang vắng.
Có thể nói, nhà cánh diều là một trong những công trình khai thác kém hiệu quả, gây lãng phí đầu tư nhất của TP.Hải Phòng.
Theo ông Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Hải Phòng: “Trong bối cảnh dịch bệnh, đất nước còn nhiều khó khăn, chính quyền địa phương và đơn vị chủ quản cần tìm cách khai thác, phát huy hiệu quả các công trình đã có. Có thể, nên định hướng các sự kiện về khu cánh diều nhiều hơn, từng bước vực dậy công trình này”.
Được biết, trước đây “nhà cánh diều” được giao cho Công ty quảng cáo và dịch vụ văn hóa Hải Phòng – tiền thân là Trạm vật tư văn hóa – thông tin thuộc Sở VH-TT Hải Phòng – quản lý, vận hành và khai thác. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, đại diện của Sở VH-TT Hải Phòng lại cho biết, đơn vị trên sau đó đã cổ phần hóa và có tên là Công ty CP ASC Việt Nam, nên hiện sở này cũng không có quyền hay trách nhiệm quản lý, khai thác gì đối với “đại công trình” trên (!?).
Dự án nhà ở công nhân hơn 300 tỉ đồng của PVTex bỏ hoang LÊ TÂN |
Dự án nhà ở công nhân hơn 300 tỉ bỏ hoang
Ngoài “nhà cánh diều”, tại TP.Hải Phòng còn một khu nhà bị bỏ hoang khiến nhiều người tiếc nuối. Đó là dự án nhà ở cho cán bộ, công nhân Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) trong Khu công nghiệp Đình Vũ (Q.Hải An).
Dự án khởi động từ năm 2009, do Chủ tịch HĐQT PVTex khi đó là ông Trần Trung Chí Hiếu ký nghị quyết thông qua chủ trương xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên; với tổng mức đầu tư hơn 318 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 7,9 ha.
Sau đó, dự án thay đổi thiết kế từ nhà chung cư thành căn hộ liền kề, rồi tạm ứng sai 20 tỉ đồng để chi cho một số cá nhân. Đến năm 2012, dự án bị dừng lại do những bê bối nhân sự tại PVTex và Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Trước khi bị dừng, dự án đang trong giai đoạn 1 và đã tiêu tốn số vốn 102 tỉ đồng.
Do những sai phạm trong dự án này, năm 2018, ông Trần Trung Chí Hiếu đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 28 năm tù về tội cố ý làm trái và nhận hối lộ. Ba bị cáo khác nguyên là cán bộ của PVTex bị tuyên án từ 8 – 13 năm tù vì tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện dự án bỏ hoang này có 52 căn nhà 3,5 tầng đã xây xong phần thô, chưa có cửa chính, nền nhà chưa ốp gạch, nhà vệ sinh chưa có trang thiết bị, hệ thống điện chưa lắp. Các cửa sổ đã xuống cấp, nhiều khu vực bị ngập nước, tường nhà nứt, vỡ…
Một người bảo vệ già được thuê để trông coi dãy nhà cùng một cái máy xúc và 2 ô tô đã cũ. Riêng phần đất phía sau dãy nhà với tòa nhà hội trường thì không có ai bàn giao, quản lý.
Theo UBND TP.Hải Phòng, năm 2017, UBND TP.Hải Phòng đã ban hành quyết định thu hồi diện tích đất hơn 7,9 ha của dự án giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN-MT TP.Hải Phòng quản lý. Tuy nhiên, đến nay khu đất này vẫn giữ nguyên hiện trạng hoang hóa vì chưa xử lý được phần công trình hiện vẫn là tài sản của PVTex.
Quảng Nam rà soát, khắc phục công trình kém hiệu quả
Liên quan đến một số công trình, dự án trên địa bàn Quảng Nam được dư luận phản ánh là có dấu hiệu lãng phí mà Thanh Niên đã đề cập, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đang tập trung xử lý. “Những công trình không phát huy hiệu quả hoặc phát huy hiệu quả không đúng như mục tiêu ban đầu, cần được rà soát và đánh giá kỹ các nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục kịp thời”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, ông Thanh cũng khẳng định hiện tại chính quyền địa phương luôn cân nhắc đầu tư. “Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc cân nhắc lựa chọn công trình đầu tư là hết sức cần thiết, đầu tư ở đâu, quy mô thế nào, bao giờ làm, bao giờ xong, hiệu quả kinh tế – xã hội ra sao… là những câu hỏi phải trả lời ngay từ khi lập danh mục dự án, nhất là khâu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc này”, ông Thanh nói thêm.
H.X.Huỳnh
LÊ TÂN
TNO