02/01/2025

Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng

Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng

Nhiều doanh nghiệp cho biết áp lực tăng giá hàng hóa ngày càng lớn. Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa… đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh.

 

 

Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng - Ảnh 1.

Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa… đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh. Trong ảnh: người dân chọn mua dầu ăn tại siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa đã tăng trên diện rộng.

Hàng thiết yếu cùng tăng giá

Mới đây, nhiều sản phẩm ăn liền Acecook Việt Nam cũng đã tăng giá 10% sau nhiều năm giữ giá. Những năm trước, chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để kìm giá, tuy nhiên đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp không thể bù lại được.

Mặt hàng dầu ăn hiện có mức tăng mạnh hơn, một số thương hiệu tăng đến 135% so với trước dịch. Riêng nhóm hàng hóa mỹ phẩm tăng thưa hơn nhưng cũng đã tăng lai rai từ sau tết đến nay với mức tăng từ 2 – 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%.

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên về nguyên liệu pha chế, nước uống cũng cho biết từ giữa tháng 4 sẽ điều chỉnh giá bán với mức tăng 25% so với giá niêm yết hiện nay.

“Biết giá nhiều mặt hàng tăng, các đại lý muốn ôm hàng để kéo dài thời gian bán giá cũ nhưng gần như không có hàng. Nhà sản xuất nói họ đang chịu sức ép tăng giá rất lớn”, một đại lý phân phối hàng thiết yếu ở Q.Tân Bình cho biết.

 

Nhiều sản phẩm tăng giá thêm vào cuối tháng 3

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh – phó chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP.HCM – cho biết trước đây giá nhựa nguyên liệu chỉ ở mức khoảng 1.000 USD/tấn, thời điểm dịch bệnh xuống 800 – 900 USD/tấn, song hiện đã lên mức khoảng 1.300 USD/tấn và dự báo vẫn còn tăng.

Trước đây các DN xuất bán hàng trăm ngàn tấn thì hiện chỉ bán mỗi đợt 10.000 – 30.000 tấn. Theo ông Việt, khi giá nguyên liệu tăng 30%, cộng với khó khăn nguồn cung sẽ tác động đến giá thành đầu ra. Tuy vậy, độ trễ của đợt tác động này sẽ khoảng một tháng, do đó khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ có đợt tăng giá các sản phẩm đầu ra.

Ông Nguyễn Thanh Trung – chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á – cũng cho hay xăng dầu tăng giá đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển của DN này và các chi phí nhiên liệu cũng tăng lên. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 – 30%.

Theo ông Trung, hiện DN này đang sản xuất nguyên liệu dự trữ, do đó cuối tháng 3 và tháng 4 giá các sản phẩm sẽ đội giá tương ứng với giá nguyên liệu.

Đến lúc phải đặc biệt lưu tâm lạm phát

Theo ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), biến động giá nhiên liệu chắc chắn sẽ lan tỏa sang những nhóm hàng hóa khác.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát hiện nay, dung lượng chính sách vĩ mô của Việt Nam không còn lớn. Chính sách tài khóa thì Việt Nam đã chi khá lớn trong phòng chống dịch COVID-19. Chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều, lạm phát hiện khá cao và nếu lạm phát trên 1%/tháng là dấu hiệu bất ổn vĩ mô.

“Ngân hàng T.Ư có thể cân nhắc tách những mặt hàng đang chịu biến động giá thế giới mà chúng ta không kiểm soát được ra khỏi rổ hàng hóa điều hành. Như vậy sẽ dễ tính được sự tăng giá hàng hóa trong nước do chính sách tiền tệ là bao nhiêu, và lúc nào cần thắt chặt tiền tệ”, ông Thành nói. Trong khi đó, với các doanh nghiệp, ông Thành cho rằng cần chủ động theo dõi để thay đổi nguồn cung nguyên liệu hợp lý.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng giá nhiên liệu tăng chắc chắn tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước.

“Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu”, chuyên gia của HSBC nhận định.

Ông Trần Việt Anh (phó chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP.HCM):

Bắt đầu phải đàm phán lại cả hợp đồng đã ký

Với những đơn hàng đấu thầu trong nước, DN phải đàm phán lại bởi chi phí đã đội lên quá cao. Đơn cử một đơn hàng sản xuất các sản phẩm nhựa cung cấp cho siêu thị đấu thầu năm 2021 với giá 32.700 đồng/kg, song hiện giá sản phẩm đầu ra đã tăng lên 34.000 đồng/kg, buộc DN chúng tôi phải đàm phán lại với siêu thị bởi sản phẩm ra lò là DN đã chịu lỗ.

Còn với nhựa xuất khẩu đa số đã ký đơn hàng từ năm ngoái để sản xuất đến giữa và cuối năm nay. Thời điểm ký hợp đồng giá nhựa tương đối thấp nên cũng sẽ tác động tình hình sản xuất của DN.

N.BÌNH – NGỌC HIỂN
TTO