29/12/2024

F0, F1 vẫn đi làm, nên không?

F0, F1 vẫn đi làm, nên không?

Long An là tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 

 

F0, F1 vẫn đi làm, nên không? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất cho F0 (không triệu chứng) và F1 đi làm để có đủ nhân sự sản xuất do thiếu hụt nguồn lao động – Ảnh: Q.ĐỊNH

Chủ trương này cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đồng tình, trong bối cảnh ca mắc COVID-19 đang tăng cao và nhiều đơn vị thiếu hụt nguồn lao động.

Hiện nay tuy tỉ lệ lây nhiễm tăng nhưng số ca nhiễm nặng thấp, trong khi tỉ lệ tiêm 2 – 3 mũi cao nên việc cho phép F0, F1 đi làm sẽ hỗ trợ các DN có đủ nhân sự sản xuất. Tuy vậy, nếu cho phép F0 tự nguyện đi làm, DN vẫn cần đảm bảo để người lao động phòng ngừa nguy cơ lây lan cho người khác bằng cách khuyến cáo người lao động, giãn cách trong sản xuất và bố trí các nơi làm việc phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Bé(chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM)

Ủng hộ chủ trương

Ngay sau khi UBND tỉnh Long An có văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 được tham gia làm việc trực tiếp, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Long An – đánh giá đây là một quyết định mang tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc thúc đẩy sản xuất, nhanh chóng bình thường mới sau dịch COVID-19.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Trên thực tế, những lãnh đạo DN khi mắc COVID-19 mà không có triệu chứng thì vẫn làm việc tại phòng riêng bình thường. Ngay cả người đang làm việc trong các cơ sở của Đồng Tâm Group tại Long An, chúng tôi cũng phổ biến chủ trương này. Nếu cảm thấy sức khỏe bình thường, chúng tôi đều đồng ý và sắp xếp, bố trí nơi làm việc cho họ vì đã có kinh nghiệm từ thời “3 tại chỗ” rồi nên cũng thuận lợi”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Thanh – trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An – cho biết qua phản hồi ban đầu, hầu hết DN và ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đều ủng hộ chủ trương của lãnh đạo tỉnh trong việc để F0, F1 chủ động được công việc của mình.

“Trao đổi với các DN lớn, có vài ngàn lao động trong tỉnh, chúng tôi thấy họ đều ủng hộ chủ trương trên. Tuy nhiên, thường các F0 là lãnh đạo, chuyên gia vẫn chọn phương án làm việc trực tuyến. Những nhân tố quan trọng, phải làm việc cấp bách để duy trì hoạt động cho DN thì thường họ có phòng riêng, hoặc nơi làm việc phù hợp dễ bố trí. Còn với các dây chuyền sản xuất lớn, đông công nhân cùng tham gia, người ta cũng hạn chế cho F0 đi làm”, ông Thanh nói thêm.

Chia sẻ thêm về câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Kim Anh – giám đốc nhân sự Công ty TNHH Jia Hsin (Cần Đước, Long An) – cho biết: “Tôi rất ủng hộ chủ trương này, vì tôi nghĩ nó tốt cho tâm lý chống dịch chung hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn băn khoăn ở chỗ nếu áp dụng thì có khả năng phát sinh tâm lý cho những người công nhân còn lại. Họ đang làm việc bình thường mà giờ để họ làm việc chung với F0, F1 thì không khỏi có những lo ngại. Nên tôi nghĩ muốn để cho F0 không triệu chứng và F1 đi làm thì tự thân công ty phải có những bước vận động, tuyên truyền để họ an tâm.

Nhiều người không có triệu chứng

Là DN sản xuất trong ngành giày da có lượng công nhân lên đến hơn 4.000 người, hiện Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức) đã sản xuất ổn định thời gian qua. Với số lượng công nhân từng nhiễm COVID-19 tương đối lớn từ năm ngoái đến nay và số lượng người tiêm vắc xin mũi 3 cũng đạt gần 100%, phía DN này nhận định hiện đã đạt được “miễn dịch cộng đồng” bên trong các nhà xưởng khi nhiều công nhân đã mắc, hồi phục và quay trở lại làm việc bình thường.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân – chủ tịch công đoàn công ty – cho biết thời gian qua không còn tình trạng các công nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nặng phải nghỉ làm. Thực tế cho thấy dù công nhân không khai báo chính thức, hiện có một số trường hợp công nhân mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn “âm thầm” đến nhà máy làm việc và năng suất công việc vẫn đảm bảo.

Theo bà Vân, hiện việc theo dõi những người mắc COVID-19 chủ yếu nằm ở sự chủ động khai báo của người lao động, còn ở góc độ DN rất khó để kiểm soát mỗi ngày khi nhiều người ít có triệu chứng rõ ràng và công nhân cũng cảm thấy đủ sức khỏe để sản xuất.

Do đó, bà Vân cho rằng với những người mắc COVID-19 hoặc những người tiếp xúc gần nếu sức khỏe đảm bảo, mong muốn đi làm thì cần tạo điều kiện để họ tham gia sản xuất.

Tương tự, ông Lê Mai Hữu Lâm – tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi – cho biết xuất phát từ thực tiễn của DN, phía công ty này đang “thí điểm” để nhân viên khối hành chính nếu mắc COVID-19 có nguyện vọng sẽ được đến công ty làm việc, bố trí khu vực riêng và giữ khoảng cách với đồng nghiệp. Nếu có triệu chứng nặng, người lao động có thể làm việc online song trên thực tế hiện không có người có triệu chứng nặng.

Theo ông Lâm, với biến chủng mới và tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cao, việc người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hiện các DN cũng xem COVID-19 như bệnh cảm cúm thông thường nên các đề xuất cho F0 nếu tự nguyện vẫn được đi làm là hợp lý.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Việt Thắng Jean – cho hay thực trạng các DN sản xuất hiện nay chỉ ra nếu DN không xét nghiệm, khó xác định một công nhân hiện đang mắc COVID-19 hay không bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng nhẹ, bản thân công nhân cũng không biết mình mắc. Vừa qua, có một số công nhân mắc COVID-19, khi xét nghiệm thêm những người khác mới biết các công nhân này “hai vạch” dù họ vẫn sản xuất bình thường. Trong đó, những công nhân mắc bệnh cũng rất sớm bình phục, nhiều người âm tính trở lại sau vài ngày.

Do đó, ông Việt cho rằng việc đề xuất cho F0, F1 đi làm phù hợp với thực tế, thể hiện sự thích ứng linh hoạt và cũng giúp các DN đảm bảo nhân công sản xuất.

Còn ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Bidrico – cho hay trước đây DN này vẫn cho các F1 được nghỉ ngơi ở nhà, song hiện DN đã để các F1 trở lại làm việc bình thường và áp dụng quy trình xét nghiệm sau 3 ngày tiếp xúc với người mắc COVID-19 và xét nghiệm lại vào ngày thứ 7. Theo ông Hiến, việc cho các F1 đi làm sẽ giúp DN bớt đi nỗi lo thiếu lao động khi tỉ lệ lây nhiễm cao.

Viên chức F0 đi làm bình thường

Tối 11-3, chị Nguyễn Thị Thúy Kiều – chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Đước – thấy người hơi uể oải nên mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 về kiểm tra và que xét nghiệm hiện lên “2 vạch”.

Nếu như trước đây, chị Kiều bị bắt buộc phải ở nhà cách ly cho đến khi xét nghiệm lại chỉ còn “1 vạch”, thì nay với chủ trương của UBND tỉnh Long An cho phép F0, F1 đi làm từ ngày 9-3, chị Kiều đã báo với trưởng ban của mình để xin phép được bố trí nơi làm việc tại cơ quan.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Đước nằm trong khuôn viên UBND huyện, gồm ba căn phòng rộng có lối đi riêng biệt nối ra hành lang tầng hai của khối nhà gồm nhiều phòng, ban huyện.

“Trong đó, có một căn phòng có cửa riêng ra hành lang được sử dụng làm phòng họp và một phòng tách riêng của phó ban. Nhưng anh phó ban cũng kiểm tra phát hiện F0 trước thời điểm chị Kiều phát hiện bệnh một ngày. Anh này cũng không triệu chứng. Vậy là ban sắp xếp cho chị Kiều làm việc riêng trong phòng họp thông thoáng, có cửa sổ, quạt trần đầy đủ… Còn anh phó ban thì cũng làm việc riêng trong phòng của anh ấy như trước nay. Tách riêng biệt, không tiếp xúc với ai” – ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Đước, cho hay. Theo ông Tùng, hiện trong số 31 người của ban có đến 4 người F0 và 6 người F1.

SƠN LÂM – NGỌC HIỂN
TTO