28/12/2024

Người lao động quay cuồng trong cơn bão giá

Người lao động quay cuồng trong cơn bão giá

Từ người lao động đến sinh viên tại TP.HCM chật vật tìm đủ giải pháp để tồn tại, thích nghi trong cơn bão giá đang biến thiên mỗi ngày.

 

 

Trăm thứ đều tăng giá

Câu chuyện về giá cả trở thành đề tài “nóng” của nhiều người trong mấy ngày qua, đặc biệt với dân lao động, thợ hồ, người giúp việc theo giờ, sinh viên… “Chưa bao giờ dân lao động như tụi tui bị bão giá đánh te tua thế này”, chú Chín, chạy xe ôm đầu hẻm 720 Lạc Long Quân (P.9, Q.Tân Bình), nói. Gặm chiếc bánh mì, ngồi chờ khách ghé tiệm bán đồ nuôi cá bên đường, chú Sáu than: “Giá cả hàng hóa gì mà tăng riết muốn lên tăng xông quá. Ổ bánh mì này trước có 10.000 đồng, giờ 13.000 đồng rồi. Đó là loại thường, nếu đặc biệt thêm miếng chả phải trả 17.000 đồng. Giờ có thèm tô hủ tíu cũng chịu. Mì Hồng Phát trước ăn tô xá xíu ngon 30.000 đồng, nay 35.000 đồng/tô, thêm miếng sườn bằng 2 lóng tay là 40.000 đồng. Mấy người như chú, chạy mấy cuốc mới ăn nổi tô hủ tíu hả con”. Khách hàng đi xe ôm của chú Chín là chị Phương (bán hàng tại chợ Tân Bình) nghe chúng tôi nói chuyện, cũng góp thêm: “Nói gì xa, tối hôm qua, hơn 7 giờ tối, tôi đi gửi hàng cho khách ở Vũng Tàu tại nhà xe bên đường Hòa Hảo (Q.10), ghé vô quán cơm chiên dương châu của người Hoa bán cạnh đó, trước bán đĩa lớn 50.000 đồng nay lên 60.000 đồng mà trông còn ít hơn trước”.

Người lao động quay cuồng trong cơn bão giá - ảnh 1
Nhiều quán cơm bình dân tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán  CHÍ NHÂN

Bão giá đang bủa vây khắp các nẻo đường cuộc sống của người lao động. Chị Lê Thị Hiền (P.7, Q.11) cho biết từ sau tết đến nay chị toàn ăn uống ở nhà vì hàng quán tăng giá nhanh quá. Một phần ăn sáng thông thường như bún, mì hay hủ tíu bây giờ giá bình dân cũng 40.000 đồng, quán sạch sẽ tươm tất hơn chút có giá 50.000 – 60.000 đồng; một phần bánh ướt, bánh cuốn vỉa hè từ 30.000 – 35.000 đồng. Trước ly cà phê 15.000 đồng thì nay đã 20.000 – 25.000 đồng. Đến một hộp cơm chay trước giờ vẫn rẻ nhất thị trường từ 20.000 đồng nay cũng lên 25.000 đồng do giá rau củ quả tăng. “Cả nửa năm trời dịch bệnh không làm ra tiền, mới đi làm lại thì cái gì cũng tăng, dân làm công ăn lương không còn chịu đựng được nữa. Giờ chỉ còn cách chuyển qua ăn chay và tự nấu ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí”, chị Hiền tâm sự.

 

Vừa tăng giá bán, giá đầu vào lại tăng

Không chỉ các dịch vụ liên quan trực tiếp tới xăng và nguyên liệu đầu vào đều tăng giá mà các dịch vụ không liên quan đến giá xăng dầu, giá gas… cũng đang tăng giá. Anh Phong, chủ tiệm cắt tóc nam Quốc Thái trên đường Bà Hạt (Q.10), cho biết: Giá cắt tóc nam hồi trước tết là 55.000 đồng, trọn gói cắt tóc lấy tai, cạo mặt là 85.000 đồng; nay tăng từ 60.000 – 100.000 đồng/dịch vụ. “Nghề này sợ nhất là chi phí mặt bằng thôi, còn xăng dầu thì ít liên quan. Tuy nhiên từ sau tết đến nay, xăng dầu tăng mạnh quá làm chi phí đi lại, ăn uống cũng tăng. Mỗi ngày tôi làm ít nhất cũng 2 cữ cà phê, rồi tiền ăn sáng, ăn trưa… Giá bình dân một ngày cũng hơn 100.000 đồng. Rồi còn tiền lo cho gia đình gồm vợ đang ở nhà chăm 2 đứa con đang học tiểu học nữa. Giá cả ngoài thị trường tăng kiểu đó, nếu không tăng thì… chết”, anh Phong giải thích.

Chị Út, chủ tiệm cắt tóc gội đầu trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình), thừa nhận dù không liên quan trực tiếp đến xăng dầu nhưng giá dầu gội, dầu xả, nước sơn móng lấy từ sau tết đều tăng mỗi loại 10.000 đồng, có loại kem bơ dưỡng tóc của Pháp tăng đến 30.000 đồng/chai nên giá gội đầu cũng tăng từ 60.000 đồng lên 65.000 đồng/lần.

Chỉ cần dạo một vòng dọc các tuyến đường, những con hẻm, xóm lao động, nhà trọ tại TP.HCM những ngày này rất dễ thấy nhiều quán ăn đều điều chỉnh giá bán theo “vũ điệu” của giá xăng. Mức điều chỉnh giá phổ biến nhất là tăng 5.000 đồng ở các hàng quán bình dân và 10.000 đồng với các quán lớn hơn. Chị Lê Ngọc Hòa, chủ quán mì trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), cho biết: Dù không muốn nhưng chị buộc phải điều chỉnh giá cho phù hợp tình hình mới vì mọi thứ mua vào đều tăng. Đường tăng 3.000 đồng/kg, nước mắm từ 33.000 đồng lên 35.000 đồng/chai, bột ngọt tăng 4.000 đồng/nửa ký… Nhưng tô mì thập cẩm của chị vừa tăng từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng thì giá đầu vào lại tiếp tục tăng. “Giá đầu vào tăng nhanh quá, mình cũng cố gồng không dám điều chỉnh tiếp, sợ mất khách. Nhưng với cú tăng giá tiếp lần này, không tăng chắc chắn sẽ lỗ vốn vì tiền mặt bằng từ đầu năm đã tăng 10% rồi. Khách ăn biết hết, nhưng giá cao họ cũng ngán, không dám ăn thường xuyên”, chị Hòa lo lắng.

 

Đi xe buýt, chuyển nhà, vay mượn xoay vòng

Trong cơn bão giá hiện nay, mỗi người đang tự tìm cho mình một cách để thích nghi và tồn tại. Anh Đ.Q.Trí, nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), tâm sự: “Ngoài giờ học, tôi còn làm thêm ở phòng thí nghiệm của trường, dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ và một số việc thời vụ khác. Thu nhập chính từ trung tâm ngoại ngữ nhưng cũng khá bấp bênh vì tính theo năng suất. Tổng các khoản thu nhập thường tầm 10 triệu đồng/tháng. Trước đây tiền bạc còn rộng rãi, ở phòng thuê một mình trả 5 triệu đồng/tháng; nay đã tìm bạn ở ghép vì không chịu nổi nữa, “cưa đôi” mỗi người 2,5 triệu đồng. Sau tết, giá xăng tăng quá thì không đi xe máy nữa mà chuyển qua đi xe buýt cho tiết kiệm”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những gói ghém nói trên theo anh Trí là “chẳng giảm được bao nhiêu”. Thảng hoặc, đến cuối tháng là hết sạch tiền, có hôm anh đành mượn bạn bè xài tạm vài ngày, khi có lương thì trả lại. “Nhóm bạn mới ra trường, đang tự lập, cứ mấy người như vậy nương nhau mà sống thôi”, anh Trí bộc bạch.

Để tiết kiệm chi tiêu, anh Trí có 2 giải pháp căn bản: Một là chỉ vào những quán ăn quen thuộc, biết chắc giá cả. Hai là tự đặt ra hạn mức mỗi ngày chỉ tiêu đúng 100.000 đồng. Nếu buổi sáng lỡ vào quán đắt tiền thì buổi trưa phải “điều chỉnh” giảm ngay. Hết tiền trong định mức thì nghỉ, vì nếu thâm vào sẽ không bù được. Tuy nhiên, do đặc thù phải di chuyển nhiều từ TP.Thủ Đức (nơi học) lên các quận trung tâm để đi làm thêm nên việc anh di chuyển bằng xe buýt cũng chẳng tiết kiệm được mấy, lại mất thêm thời gian. Chính vì vậy, anh Trí cho biết đang lên kế hoạch chuyển nhà trọ về hướng Thủ Đức, gần trường học để giảm chi phí tiền thuê nhà và chi phí xăng xe di chuyển.

Tương tự, chị Trần Thị Ngọ, giúp việc nhà theo giờ, ở trọ trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú), cho hay mỗi ngày chị chạy xe để làm việc theo giờ cho các gia đình khắp các quận, từ đường Hoàng Sa (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3); rồi về Âu Cơ, Cống Lỡ (Q.Tân Bình); Trường Chinh, Vườn Lài (Q.Tân Phú). Quãng đường đi trái hướng nên chị tốn khá nhiều thời gian di chuyển và mau hết xăng. Từ đầu tháng 3 đến nay, chị buộc lòng phải chia tay 2 mối tại Q.1 và Q.3, nhường cho bạn làm vì đi xa quá, thu nhập bù tiền xăng tăng là hết. “Nhà ở Q.3 chỉ làm 2 tiếng được 130.000 đồng nhưng 1 tuần chỉ làm 1 buổi, còn nhà ở Q.1 chỉ làm 1 tiếng nhưng đi 2 lần/tuần. Tính ra nguyên 2 nhà đó thu nhập khoảng 1 triệu đồng, nhưng di chuyển đi – về mất nguyên buổi sáng, lại không nhận làm được những nơi gần nhà, vì tôi trọ ở Q.Tân Phú, đi hao xăng quá, không chịu nổi đành chia tay. Sắp tới tôi tìm chỗ gần hơn để tăng thu nhập mới đủ nuôi con”, chị Ngọ thở dài.

Cơn bão giá vẫn hoành hành, rất nhiều người vẫn đang tìm mọi cách xoay xở để vượt qua…

Chi tiêu hằng ngày thực sự đang là gánh nặng trên đôi vai những cột trụ kinh tế chính tại các gia đình lao động. Ngay cả người độc thân, sinh viên, người mới đi làm…, tiền xăng xe, tiền thuê nhà hiện đã “ngốn” hết một nửa thu nhập của họ. Còn lại dăm ba triệu chia 30 ngày cho mọi chi phí ăn uống. Ông bà ta nói khéo co thì ấm, nay “co” lắm cũng hở trước thiếu sau.

Chuyên gia kinh tế tài chínhPGS-TS Đinh Trọng Thịnh
(Học viện Tài chính)

 

NGUYÊN NGA – CHÍ NHÂN

TNO