28/12/2024

Loạn thuốc trị COVID-19: Bệnh một đường, kê một nẻo

Loạn thuốc trị COVID-19: Bệnh một đường, kê một nẻo

Thị trường thuốc trị COVID-19 hiện nay khá hỗn loạn khi không ít nhà thuốc lợi dụng tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của người bệnh, bất chấp sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ để trục lợi.

 

 

Loạn thuốc trị COVID-19: Bệnh một đường, kê một nẻo - Ảnh 1.

Đơn thuốc khoảng 2 triệu đồng của anh T. được bác sĩ kê thêm 60 viên thực phẩm chức năng uống trong 30 ngày, điều này vi phạm nguyên tắc kê toa của Bộ Y tế – Ảnh: Đ.T.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài thuốc Ivermectin, một số nhà thuốc còn tự ý kê đơn các loại thuốc như Azithromycin 500, Medrol chưa đúng với phác đồ chẩn đoán điều trị COVID-19 của Bộ Y tế. Đây là một trong các nguyên nhân khiến nhiều người bị “bệnh chồng bệnh”.

 

Nguy cơ từ kháng sinh, chống viêm

Đơn cử như Azi 500 (còn gọi Azithromycin 500) là thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid có tác dụng điều trị nhiễm trùng hiệu quả khi nhiễm trùng đó do vi khuẩn gây ra.

Kháng sinh này đa số không trị được nhiễm trùng do virus (siêu vi) hoặc do ký sinh trùng và hoàn toàn không phải là thuốc điều trị COVID-19, bởi tác nhân gây COVID-19 là siêu vi SARS-CoV-2.

Nhưng một số nhà thuốc vẫn kê đơn Azi 500 để điều trị COVID-19. “Việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ định sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Việc này sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ nếu F0 không may diễn biến nặng, đến lúc thật sự cần sử dụng kháng sinh thì thuốc đã không còn hiệu quả. Chưa kể việc dùng kháng sinh không đúng có thể gây nguy hiểm với những người có bệnh lý gan, thận” – một chuyên gia về dược nhận định.

Ngoài Azi 500 còn có Medrol, một loại thuốc chống viêm corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch.

Theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid không được phép dùng cho người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Và việc chỉ định thuốc phải do bác sĩ quyết định sau khi đánh giá cẩn thận tình trạng của người bệnh nhưng thực tế lại có nhiều người đã tin dùng khi vừa mắc COVID-19.

“Khi cơ thể đang sốt cao, nếu đưa corticoid vào sẽ gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Việc tự dùng thuốc corticoid ngay khi nhiễm dường như không có lợi, chỉ gây hại, thậm chí có thể làm bệnh nặng hơn” – PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) khuyến cáo.

 

Ai quản lý chất lượng toa thuốc?

Bác sĩ Lê Phát Tài – trưởng phòng quản lý chất lượng Viện Tim TP.HCM – cho rằng hiện nay lỗ hổng trong việc kê toa thường rơi phổ biến vào các phòng khám tư nhân, bác sĩ phòng mạch hoặc một số cơ sở y tế tại địa phương.

Có nhiều đơn thuốc “trời ơi” chỉ ghi vài loại thuốc không có chữ ký của bác sĩ, hoặc người bệnh chỉ truyền miệng nhau nhưng các nhà thuốc vẫn bán.

Ngoài ra có một số loại bệnh lý khi kê toa phải hết sức thận trọng nhưng để chữa bệnh theo kiểu “đánh bao vây”, một số bác sĩ vẫn tùy tiện kê các loại thuốc như kháng siêu vi, corticoid, kháng đông và kháng sinh… Ban đầu cách này có thể làm giảm triệu chứng nhưng lại kéo dài thời gian bị bệnh, thậm chí gây viêm gan, xuất huyết tiêu hóa.

Vậy ai quản lý chất lượng toa thuốc? Theo bác sĩ Tài, ở các bệnh viện lớn thường có đánh giá định kỳ thông qua bộ phận dược lâm sàng, phần mềm mặc định cảnh báo chất lượng kê toa hoặc bình toa, bình bệnh án định kỳ.

“Nhìn chung trong các bệnh viện hiện nay việc giám sát toa thuốc tương đối chặt, chỉ lo ngại bác sĩ kê toa ngoài hoặc từ các phòng khám, phòng mạch còn khá lỏng lẻo” – bác sĩ Tài nhận định.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM – dẫn chứng: ở nước ngoài việc bác sĩ kê toa được giám sát rất chặt, đều có phần mềm liên thông từ cơ sở khám chữa bệnh đến các nhà thuốc và cơ quan quản lý.

“Thông qua phần mềm này, các nhà thuốc dễ dàng kiểm tra tất cả thông tin về chứng chỉ hành nghề, chuyên môn cụ thể của bác sĩ, công tác ở đâu và có được kê toa như thế không.

Còn ở Việt Nam tuy có nhiều lần đề cập việc liên thông hệ thống quản lý nhà thuốc nhưng việc này chưa được thực hành quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy, tạo điều kiện cho bác sĩ dễ dàng thực hiện kê toa với các mục đích cá nhân về kinh tế thay vì đề cao y đức nghề nghiệp” – bác sĩ Tùng phân tích tình hình.

Mới đây để kiểm soát tình hình này, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc trên địa bàn.

Các cơ sở kinh doanh dược, các nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc, bán thuốc kê đơn phải có đơn thuốc hợp lệ.

CẨM NƯƠNG – HOÀNG LỘC
TTO