02/11/2024

Việc học không ổn định: Lo học sinh hổng kiến thức

Việc học không ổn định: Lo học sinh hổng kiến thức

Chất lượng học tập trong năm học này bị ảnh hưởng nặng nề khi việc học không ổn định trong khi các kỳ thi cuối cấp, tuyển sinh đang đến gần. Đây là vấn đề mà nhiều giáo viên và phụ huynh còn băn khoăn lo lắng học sinh bị hổng kiến thức .

 

 

Năng lực học tập của học sinh “trầm” hơn

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học ở 3/4 chặng đường với học sinh (HS) lớp 9 và trọn vẹn 3 năm học bậc THPT với HS lớp 12 năm nay. Gần 3 năm nay, HS phải ngừng đến trường, học trực tuyến kéo dài. Đến khi trở lại trường thì học trực tiếp lại phải chuyển qua trực tuyến, liên tục thay đổi nên quá trình tiếp thu kiến thức không ổn định. Trong khi các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH đang đến gần.

Việc học không ổn định: Lo học sinh hổng kiến thức - ảnh 1
Lớp 12 năm nay là lứa học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 3 năm liên tiếp

PHẠM HỮU

Đảm bảo sức khỏe cho HS là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay nên việc linh hoạt chuyển đổi hình thức học trực tiếp sang trực tuyến theo nguyên tắc phòng dịch là phương án tối ưu nhất trong thời điểm này. Nhưng lo lắng về kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới của những HS cuối cấp khi việc học không ổn định là điều không tránh khỏi với các phụ huynh.

Chị Nguyễn Hoàng An, phụ huynh HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), lo lắng: “Từ lớp 7 đến giờ, việc học liên tục bị ảnh hưởng. Tôi thường xuyên nhắc nhở con, năm nay năm cuối cấp phải tập trung nhiều hơn vì học trực tiếp thì có thầy cô giám sát, nhưng khi học trực tuyến thì giảm sút rõ rệt”.

Chính điều này cũng được giáo viên (GV) Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), thừa nhận HS khối 9 năm học này là lứa HS chịu nhiều thiệt thòi khi suốt gần 3 năm qua việc học bị gián đoạn do dịch bệnh. Ngay cả bây giờ, việc học vẫn không ổn định khi phải chuyển đổi hình thức liên tục. Và chính những tác động này đã khiến năng lực học tập của HS năm nay “trầm” hơn những năm trước.

“Có những HS yếu ở các môn tự nhiên liên quan đến tính toán, tư duy bởi các môn này đòi hỏi các em phải chú ý, tập trung. Thế nên chỉ cần xao nhãng một vài buổi học trực tuyến là các em có thể bị “hụt hơi”. Còn với môn xã hội, như với môn ngữ văn thì kỹ năng làm bài còn hạn chế do khi học trực tuyến, GV không có điều kiện rèn luyện kỹ năng cho các em thông qua các bài làm đòi hỏi tính tương tác cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số HS có ý thức tự học thì kết quả không phải lo lắng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng nhìn nhận học trực tuyến kéo dài phần nào ảnh hưởng đến kết quả học tập của HS. Kết quả kiểm tra học kỳ 1 vừa qua cho thấy nhiều HS thiếu hụt kỹ năng, kiến thức. Và dù hiện nay GV và HS đều cùng nỗ lực sẵn sàng chuyển đổi hình thức học tập bất lúc nào, nhưng hạn chế về chất lượng là điều không tránh khỏi. Khi đi học trở lại, GV vẫn phải dành thời gian củng cố lại kiến thức của những ngày ở nhà học trực tuyến và cập nhật kiến thức mới.

Chất lượng các môn tự nhiên bị ảnh hưởng rất nhiều

Dù vận dụng mọi phương pháp giảng dạy để HS không bị đứt quãng kiến thức, gián đoạn việc học, nhưng theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), HS lớp 12 năm nay hết sức thiệt thòi vì trọn vẹn 3 năm bậc THPT bị tác động bởi dịch bệnh.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài đánh giá cho dù còn tùy thuộc vào ý thức học tập của mỗi HS, tuy nhiên việc chuyển đổi hình thức học tập vẫn là phương án chữa cháy trong thời gian vừa qua. Thạc sĩ Phan Thế Hoài nhìn nhận chất lượng học tập các môn tự nhiên bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi kiến thức những môn học như toán, vật lý, hóa học… có sự liên thông, xâu chuỗi với nhau. Chẳng hạn, để làm được bài toán của lớp 12 thì có khi HS phải vận dụng công thức đã học từ lớp 11, thậm chí là từ lớp 10. Vì vậy, nếu lớp 10, 11 mà mất căn bản thì thực sự lớp 12 sẽ vất vả rất nhiều.

Với môn xã hội thì dù sao cũng “dễ thở” hơn. Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, ở những môn thuộc lĩnh vực này, người dạy và người học có thể khoanh vùng được phạm vi kiến thức. Chẳng hạn, với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội chiếm 50% số điểm bài thi, nhưng yêu cầu kiến thức ở mức độ trung bình, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, có tính thời sự gần gũi, hầu hết HS đáp ứng được. Phần phân hóa nằm ở phần nghị luận văn học, nhưng tác phẩm sử dụng lại nằm trong giới hạn, trọng tâm…

Cần có những định hướng sớm và rõ về đề thi

Từ những phân tích về tác động, hạn chế chất lượng học tập của HS trong bối cảnh dịch bệnh, thạc sĩ Phan Thế Hoài cho rằng khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay không thay đổi thì cũng cần thiết khẳng định cấu trúc đề thi như năm trước để tránh gây xáo trộn, hoang mang cho HS, GV và phụ huynh.

Thời gian này, cả thầy, cả trò, nhất là HS cuối cấp khá vất vả vì có khi là F0 mà vẫn phải dạy, vẫn phải học để chuẩn bị kiến thức. “Vì thế, Bộ cần công bố cụ thể và tường minh chứ không thể nói chung chung có thể tham khảo đề minh họa năm trước”, ông Hoài nhấn mạnh.

Tương tự, ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10, GV Võ Kim Bảo đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM giữ nguyên cấu trúc đề thi tuyển sinh như những năm trước. Từ thực tế HS và GV thay đổi hình thức dạy và học liên tục, thời gian ôn tập không có nhiều nên theo ông Bảo, rất cần Sở có định hướng ôn tập sát hơn, cụ thể hơn.

TP.HCM đề xuất 2 đợt thi tốt nghiệp THPT

Ngày 9.3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022.

Sở đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm 2 đợt, trong đó đợt 2 cách đợt 1 khoảng 10 ngày. Đợt 1 sẽ dành cho thí sinh thường, đợt 2 dành cho thí sinh là F0, F1 không thể tham gia vào kỳ thi đợt 1.

Về phương án xét tuyển vào các trường ĐH, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học, giúp các trường chọn được thí sinh chất lượng theo thương hiệu và uy tín của mình.

 BÍCH THANH

TNO