26/12/2024

Tình huống nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl

Tình huống nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl

Nguồn điện tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị ngắt kết nối hoàn toàn với lưới điện của Ukraine, khiến giới chức nước này lo ngại về các hệ thống an toàn tại đây.

 

 

Nhà máy Chernobyl mất điện

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986, đang do lực lượng của Nga kiểm soát sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24.2.

Tình huống nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - ảnh 1
Cấu trúc khổng lồ bao bọc lò phản ứng số 4 bị hư hại trong thảm họa hạt nhân năm 1986 tại nhà máy điện Chernobyl  REUTERS

Cơ quan quản lý năng lượng Ukrenergo của Ukraine ngày 9.3 thông báo nhà máy Chernobyl đã bị ngắt kết nối hoàn toàn khỏi lưới điện bên ngoài và tình hình chiến sự khiến không thể nào khôi phục nguồn điện, theo AFP.

Trước đó một ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo các hệ thống theo dõi vật liệu hạt nhân tại cơ sở xử lý phóng xạ thuộc nhà máy Chernobyl không còn truyền dữ liệu cho cơ quan này. Dù các lò phản ứng đã không còn hoạt động nhưng vẫn còn hơn 2.000 nhân viên làm việc tại nhà máy để vận hành các cơ sở xử lý chất thải phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn ngăn ngừa thảm họa.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi kêu gọi lực lượng kiểm soát nhà máy khẩn cấp tạo điều kiện cho nhân viên tại đây được luân phiên làm việc an toàn.

Reuters dẫn thông báo của công ty năng lượng hạt nhân quốc doanh Ukraine Energoatom ngày 9.3 cho hay chất phóng xạ tại nhà máy Chernobyl có thể bị thoát ra ngoài vì việc cúp điện khiến cho không thể duy trì việc làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Tình huống nguy hiểm tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - ảnh 2
Binh sĩ Nga canh gác tại nhà máy Chernobyl   BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Theo Energoatom, khoảng 20.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại Chernobyl có thể không được làm lạnh. Việc rò rỉ phóng xạ có thể khiến các đám mây phóng xạ được thổi sang các vùng khác tại Ukraine, thậm chí là Belarus, Nga và châu Âu.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Nga khẩn cấp thực hiện lệnh ngừng bắn tạm thời để nhân viên sửa chữa đường điện nối với Chernobyl. Theo ông Kuleba, các máy phát điện chạy bằng diesel dự trữ tại nhà máy chỉ đủ sức hoạt động trong 48 giờ. Sau đó, các hệ thống làm mát cơ sở lưu trữ thanh nhiên liệu sẽ ngừng hoạt động, gây nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko thông báo không rõ mức độ phóng xạ tại Chernobyl và không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong từ khi Nga kiểm soát cơ sở này.

EU bổ sung cấm vận lên Nga

Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngỏ ý đáp ứng yêu cầu của Nga rằng về việc không gia nhập NATO và bàn về tương lai của Crimea và Donbass, Bộ Ngoại giao Nga ngày 9.3 cũng có những tín hiệu đáng chú ý.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ưu tiên đạt được mục tiêu tại Ukraine thông qua đối thoại và khẳng định không có kế hoạch gì đối với sự lãnh đạo của chính quyền Kyiv.

Trong khi đó, EU ngày 9.3 áp đặt lệnh cấm vận bổ sung lên Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo Reuters, 146 nghị sĩ Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) và 14 doanh nhân cùng gia đình của những người này bị đóng băng tài sản và cấm được cấp thị thực.

Bên cạnh đó, EU còn siết chặt quy định về lĩnh vực tiền kỹ thuật số nhằm ngăn những người bị cấm vận tìm cách lách luật. EU còn cấm xuất khẩu công nghệ dẫn đường và liên lạc hàng hải cho Nga. Ngoài ra, 3 ngân hàng của Belarus cũng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.

Cùng ngày, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin chỉ trích Mỹ đã “tuyên bố chiến tranh kinh tế” với Nga khi ban hành loạt biện pháp cấm vận lên Nga. Khi được hỏi về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm nhập khẩu dầu khí và than từ Nga, ông Peskov tuyên bố Moscow sẽ phân tích kỹ lưỡng và cảnh báo Nga sẽ có đòn đáp trả, theo Reuters.

Trước tình hình căng thẳng này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế hết sức. Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo rằng các lệnh cấm vận sẽ làm chậm nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc trước đó chỉ trích việc NATO mở rộng về phía đông đã khiến tình hình thêm căng thẳng. Tuy nhiên, nước này cũng bày tỏ sự đau buồn sâu sắc vì tình hình chiến sự tại Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 9.3 thông báo nước này sẽ viện trợ nhân đạo 5 triệu nhân dân tệ (792.000 USD) cho Ukraine. Số hàng gồm thực phẩm và các đồ dùng cần thiết hằng ngày. Lô hàng đầu tiên đang trên đường được chuyển đến.

 

VI TRÂN

TNO