Thế giới giữa cơn chao đảo của giá dầu
Thế giới giữa cơn chao đảo của giá dầu
Lạm phát ở mức cao và nguy cơ suy thoái kinh tế đang đe doạ thế giới khi giá dầu tăng cao do các biến động chính trị toàn cầu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Đó chính là lo ngại mà các chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) đặt ra khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 9.3.
Khó dự báo mức tăng của giá dầu
Theo Bloomberg, đến tối qua (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 4,77% còn 117,8 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 5,04% còn 121,53 USD/thùng. Mức giá đã giảm xuống sau khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) công bố sẽ mở kho dự trữ chiến lược để tăng nguồn cung nhằm chặn đà tăng giá của dầu mỏ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc giảm giá trên chỉ mang tính tạm thời, chứ khó có thể xoay chuyển tình thế căng thẳng do nguồn cung dầu đang thiếu hụt. Chỉ một ngày trước đó, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm buộc Moscow chịu trách nhiệm về hành động quân sự tại Ukraine, giá dầu đã tăng cao. Cụ thể, ngày 8.3, giá dầu WTI đã tăng 7% lên mức 128 USD/thùng rồi xuống còn 123,7 USD/thùng vào cuối ngày, còn giá dầu Brent thì tăng 7,7% lên mức 132 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ lần tăng giá kỷ lục xấp xỉ 150 USD/thùng hồi năm 2008.
|
Nguồn cung dầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng REUTERS |
Trả lời Thanh Niên, ông David Dapice, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng khó có thể dự báo chính xác về việc giá dầu sẽ còn tăng đến mức nào.
“Phần lớn, nguồn xuất khẩu khí đốt và dầu từ Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quyết định cắt đứt Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến các nước khó có thể mua dầu khí từ Nga”, ông Dapice phân tích và chỉ ra: “Công suất khai thác dầu trên thế giới hiện cũng hạn chế. Chính vì thế, nếu còn các lệnh trừng phạt thì mức giá vẫn tiếp tục cao”.
Theo ông, lối thoát cho tình trạng trên là Iran tái gia nhập thị trường dầu khí thế giới sau khi nước này đạt thỏa thuận với Mỹ, hoặc Venezuela có thể khai thác nhiều hơn. “Về phía Mỹ, tôi không chắc nước này có thể tăng sản lượng lên bao nhiêu, con số có lẽ chỉ thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Một giải pháp khác để hạn chế phần nào đà tăng giá của dầu mỏ là các nước xuất kho dự trữ. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn năng lượng từ Nga sẽ vẫn nghiêm trọng và khiến cho mức giá vượt 100 USD/thùng kéo dài một thời gian”, theo chuyên gia Dapice.
Không những vậy, ông còn cho rằng tình trạng nguồn cung hạn chế, giá tăng cao cũng xảy ra đối với lĩnh vực thực phẩm, vì cả Nga lẫn Ukraine đều xuất khẩu trực tiếp nhiều thực phẩm, cung cấp phân urê cho những nước khác trồng trọt.
Rủi ro toàn cầu
Đánh giá ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, ông Dapice cho biết nhiều chuyên gia đang tính toán việc tình hình hiện tại sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu.
“Nếu chỉ tính mức tăng mỗi thùng dầu là 40 USD thì với số lượng tiêu thụ mỗi ngày 100 triệu thùng, chi phí năng lượng toàn cầu sẽ tốn kém thêm 4 tỉ USD/ngày. Chi phí cho thực phẩm cũng tăng lên và ước chừng tính cả việc tăng giá thực phẩm với năng lượng thì thế giới có thể thiệt hại đến 2.000 tỉ USD trong một năm, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu. Tất nhiên, đó chỉ ước lượng sơ lược”, chuyên gia Dapice lo ngại và cảnh báo: “Trong bối cảnh như vậy, lạm phát dẫn đến lãi suất ngân hàng tăng lên gây ảnh hưởng đến đầu tư”.
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, GS Dwight Perkins, nhà kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ), nhận định giá dầu cao cũng đem lại nguồn lợi cho một số nước, nhưng lại góp phần gây ra lạm phát trên toàn thế giới, vốn đã là một vấn đề ở nhiều quốc gia trong thời gian qua. Điển hình, Thổ Nhĩ Kỳ có mức lạm phát đến 47,5% trong năm 2021.
“Nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao, nhiều quốc gia có thể sẽ phải tăng lãi suất và thực hiện các bước khác để giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nhằm giảm lạm phát. Điều đó có thể dẫn đến suy thoái ở một số quốc gia và có thể trên toàn thế giới”, GS Perkins cảnh báo.
Về phía Việt Nam, vấn đề đáng lo là mức sử dụng năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP còn khá cao, nên giá năng lượng tăng cao có thể gây ảnh hưởng lớn. Vì thế, đây là cơ hội để Việt Nam cần có những cải cách nghiêm túc nhằm tăng cường hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá gạo của Việt Nam có thể tăng lên do tình trạng thiếu nguồn cung urê trong trồng trọt.
Chuyên gia kinh tế David Dapice
NGÔ MINH TRÍ
TNO