25/12/2024

Nga đối phó với 43 quốc gia/lãnh thổ ‘không thân thiện’ ra sao?

Nga đối phó với 43 quốc gia/lãnh thổ ‘không thân thiện’ ra sao?

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các đòn trừng phạt của phương Tây đồng nghĩa với “tuyên chiến”, Matxcơva đã công bố danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ “không thân thiện” để đáp trả.

 

 

Nga đối phó với 43 quốc gia/lãnh thổ không thân thiện ra sao? - Ảnh 1.

Đồng rúp của Nga đã mất giá mạnh do các biện pháp trừng phạt của phương Tây – Ảnh: REUTERS

Theo sắc lệnh được Chính phủ Nga thông qua ngày 7-3, 43 quốc gia và vùng lãnh thổ bị Nga coi là “không thân thiện” vì quan điểm đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Matxcơva tại Ukraine.

Danh sách này bao gồm Mỹ, 27 thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Micronesia, New Zealand và Đài Loan.

Bảo vệ sự ổn định trong nước

Đài RT dẫn lại sắc lệnh cho biết Nga sẽ cho phép công ty và công dân nước này dùng đồng rúp (ruble) để trả cho các chủ nợ thuộc các nước/vùng lãnh thổ trong danh sách nói trên.

Để thanh toán, công ty và công dân Nga cần mở một tài khoản đặc biệt dùng đồng rúp tại một ngân hàng Nga. Tài khoản này sẽ cho phép chuyển đổi nội tệ sang ngoại tệ theo tỉ giá hằng ngày của Ngân hàng Trung ương Nga và sau đó trả cho chủ nợ nước ngoài.

Thủ tục mới tạm thời này, có hiệu lực trong 1 năm, sẽ được áp dụng với các khoản thanh toán trên 10 triệu rúp/tháng (khoảng 76.046 USD).

Ngày 7-3, đồng rúp của Nga đã xuống mốc thấp kỷ lục mới so với đồng USD, còn 155 rúp đổi 1 USD. Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, đồng tiền Nga thường được giao dịch quanh mốc 70-80 rúp đổi 1 USD. Theo Đài CNN, tính đến đầu tuần này, đồng rúp đã mất đến 90% giá trị so với đồng USD so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, theo nghị quyết được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký thông qua, mọi thỏa thuận làm ăn, từ mua bất động sản, giao dịch tài chính cho đến vay, có liên quan đến các cá nhân, công ty ở những nước/vùng lãnh thổ “không thân thiện” sẽ phải có sự cho phép của Ủy ban chính phủ về kiểm soát đầu tư nước ngoài của Nga. Ủy ban này sẽ bao gồm đại diện từ Ngân hàng Trung ương và Văn phòng Tổng thống Nga.

“(Đơn xin phê duyệt) phải bao gồm toàn bộ thông tin về người nộp đơn, bao gồm thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Dựa trên đánh giá tài liệu nhận được và tính chất của thỏa thuận, sẽ có quyết định thông qua hoặc từ chối”, Bộ Tài chính Nga giải thích và nhấn mạnh rằng “mục đích chính của việc này là đảm bảo sự ổn định tài chính của đất nước trước sức ép trừng phạt từ bên ngoài”.

Nga đối phó với 43 quốc gia/lãnh thổ không thân thiện ra sao? - Ảnh 2.

Hàng người xếp hàng rút tiền tại chi nhánh Ngân hàng Sberbank của Nga ở Prague, CH Czech, ngày 25-2 – Ảnh: AFP

Ngăn thất thoát vốn

Đài RT giải thích rằng những cái tên trong danh sách các quốc gia/lãnh thổ không thân thiện đã tham gia phản đối hoặc trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. “Biện pháp này được Matxcơva đưa ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế Nga sau khi phương Tây áp các biện pháp trừng phạt nặng nề lên Nga trong 10 ngày qua.

Một số ngân hàng lớn nhất của Nga đã bị loại khỏi (hệ thống thanh toán toàn cầu) SWIFT và bị đóng băng tài sản ở nước ngoài, các biện pháp hạn chế đối với một số hàng xuất khẩu Nga và ngày càng nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực ngừng hoạt động trong nước”, đài này nói thêm.

Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng việc trừng phạt Nga chính là tuyên chiến. “Những biện pháp đang được áp đặt (lên Nga) đồng nghĩa với tuyên chiến”, ông nói.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin cũng nói Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng và khẳng định Nga đã có các biện pháp đảm bảo an toàn cho nền kinh tế, cho rằng phản ứng “cảm tính” của các thị trường sẽ sớm qua.

Nga đã áp dụng đồng thời nhiều biện pháp nhằm ngăn thất thoát vốn bao gồm cấm chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, hạn chế đem tiền mặt hơn 10.000 USD khi xuất cảnh.

Đối với biện pháp danh sách các quốc gia/lãnh thổ “không thân thiện”, truyền thông Nga cho biết những người nước ngoài tại những nước không nằm trong danh sách này cũng không được chuyển tiền từ Nga ra nước ngoài.

Giảm nhân viên ngoại giao

Thực tế Mỹ và Czech đã bị Nga đưa vào danh sách quốc gia “không thân thiện” từ năm ngoái, Đài RT cho biết. Theo đó, Đại sứ quán của Mỹ tại Nga sẽ bị cấm thuê nhân viên địa phương, trong khi phái đoàn của CH Czech chỉ có thể thuê tối đa 19 người.

Điều này dẫn đến việc Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva đã phải cho nghỉ bớt nhân viên và dừng phần lớn dịch vụ lãnh sự, ngừng cấp thị thực vào giữa tháng 5-2021. Nếu các nước trong danh sách “không thân thiện” của Nga cũng phải giảm nhân viên, việc này có thể ảnh hưởng lớn đến các đại sứ quán nước ngoài ở Nga.

TRẦN PHƯƠNG
TTO