24/11/2024

Học sinh F1 phải ở nhà: Thiệt cho trò, khổ cho trường

Học sinh F1 phải ở nhà: Thiệt cho trò, khổ cho trường

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, cứ 1 học sinh là F0 sẽ có từ 4 – 6 học sinh F1, phải nghỉ ở nhà từ 5 ngày nếu đã tiêm đủ vắc xin và 7 ngày nếu chưa tiêm.

 

Học sinh F1 phải ở nhà: Thiệt cho trò, khổ cho trường - Ảnh 1.

Nhiều lớp học của Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội đến lớp với sĩ số chỉ 1/3, thậm chí 1/4 – Ảnh: NAM TRẦN

Ghi nhận từ các trường cho thấy quy định này hiện đang gây khó cho cả nhà trường và phụ huynh, học sinh.

Chính vì thế, các trường đang mong Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới, phù hợp hơn đối với việc xử lý F1 trong trường học.

Hiệu trưởng cân não với phân loại F1. Có những “khoảng mờ” mà việc thực hiện như thế nào tùy thuộc vào mỗi trường, mỗi hiệu trưởng. Và hiệu trưởng chịu áp lực của cấp trên, của phụ huynh, của truyền thông và gánh nặng trách nhiệm chất lượng giáo dục.

Một hiệu trưởng tâm sự

Liên tục là F1

“Con tôi liên tục bị xác định là F1. Mỗi lần như thế, cháu phải nghỉ ở nhà 5 ngày. Mới nhất là ngày 7-3, cháu mới đi học lại được buổi sáng thì buổi chiều tiếp tục có tên trong danh sách F1, lại tiếp tục ở nhà từ ngày 8-3. Con tôi xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính nhưng cô chủ nhiệm nói cháu vẫn phải ở nhà cho đủ 5 ngày theo quy định”, chị Hòa, phụ huynh học sinh lớp 8 ở TP Thủ Đức, TP.HCM, phản ánh.

Tình trạng như con chị Hòa hiện nay rất phổ biến ở TP.HCM và Hà Nội. Khi số học sinh là F0, F1 tăng cao, nhiều lớp đã phải chuyển hẳn sang học trực tuyến hoặc chỉ còn 1/3 học sinh được đến trường như một lớp ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) hiện chỉ có 8/28 học sinh đến lớp, còn lại học trực tuyến.

Thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết tuần kế tiếp của tháng 3 này, tình hình của nhà trường rất căng với gần 40 giáo viên là F0, nhiều người khác là F1, việc bố trí giáo viên đảm nhiệm các lớp “on-off” rất vất vả. Toàn trường có trên 500 học sinh là F0 và hiện chỉ còn 9 lớp 9 vẫn cầm cự dạy học trực tiếp, các lớp khối 7, 8 đều phải chuyển sang học trực tuyến do phần lớn nằm trong diện F0, F1. Ở Hà Nội hiện có nhiều trường có đến 70-80% giáo viên là F0, F1 và cả ngàn học sinh là F0, F1.

“Nếu duy trì việc dạy học trực tiếp thì tiêu chí để xác định F1 hiện nay cần cụ thể, rõ ràng và điều chỉnh so với thời gian trước đây. Học sinh F1 cách ly 5 – 7 ngày, hết đợt này đến đợt khác thì lớp học sẽ bị xáo trộn mạnh. Tình trạng đó rất khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”, thầy Hà chia sẻ.

Xác định F1, mỗi nơi một cách

Theo thầy Hà, hiện chưa có quy định cụ thể nào của ngành y tế và giáo dục về xác định F1 trong bối cảnh rất mới như hiện nay. Trong khi nếu chỉ “có tiếp xúc” là F1 thì số F1 hiện nay rất lớn. Vì thế các trường đều phải linh hoạt, tùy cơ ứng biến.

“Trường tôi xác định giáo viên, học sinh ngồi sát bên trên, dưới, trái, phải với học sinh F0 tại trường và có giao tiếp là F1. Ngoài ra, giáo viên, học sinh có người thân cùng sống trong một nhà là F0 thì họ là F1. Các trường hợp khác thì không phải F1. Tuy nhiên, đây chỉ là nhà trường tự quy định để phân loại chứ không có hướng dẫn cụ thể trong tình huống mới hiện nay”, thầy Hà chia sẻ.

Trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) hiện cũng đang có 38 giáo viên và 1 nhân viên là F0. Tuần trước trường này có hơn 1.000 học sinh là F0 và F1 nên 22 lớp phải chuyển sang học trực tuyến.

Nhưng theo cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng trường này, sau khi rà soát, phân loại lại F1 thì hiện số F1 chỉ còn gần 300 học sinh, số F0 có trên 400 học sinh. “Việc đánh giá trường hợp F1 rất phức tạp và là một trong những việc đau đầu của nhà trường lúc này. Vì nếu nhiều học sinh không đáng phải cách ly mà xếp vào F1 thì cũng thiệt thòi khi các em không được học trực tiếp. Nhưng nếu không xem xét kỹ, hoặc có những trường hợp không lường được học sinh đi học mà trở thành F0 thì lại là lỗi của trường, khiến phụ huynh nhìn vào không yên tâm”, cô Nhiếp chia sẻ.

Trong khi đó, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) phải chủ động mời một nhóm bác sĩ, nhân viên y tế là phụ huynh của trường hỗ trợ việc xác định F1, và nguy cơ ở mức độ khác nhau của các nhóm F1. Sau khi phân loại thì việc quyết định hình thức dạy học phải tính toán từng ngày cho từng lớp và chỉ quyết định vào chiều tối hôm trước.

“Chóng mặt vì chuyển đổi. Ai dạy học mới hiểu để thích ứng giữa “on” và “off” không dễ; tâm lý giáo viên, học sinh, chất lượng dạy học không thể nói không bị ảnh hưởng”, một giáo viên THCS chia sẻ tâm trạng.

Học sinh F1 phải ở nhà: Thiệt cho trò, khổ cho trường - Ảnh 3.

Một học sinh F1 (do cô giáo F0) học trực tuyến – Ảnh: TỰ TRUNG

Thầy trò cùng mệt mỏi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT ở TP.HCM cho biết họ đang rất đau đầu với tình hình học sinh, giáo viên là F0, F1 liên tục tăng như hiện nay. Trong điều kiện có em đi học, em ở nhà thì không thể nào nhà trường làm vừa lòng tất cả phụ huynh.

Tuy nhiên, theo chị Như Mai – một phụ huynh có con học lớp 9, điều quan trọng nhất trong việc xử lý F1 hiện nay chính là sự thiệt thòi khi học sinh phải ở nhà học trực tuyến. Khi có quyết định mở cửa trường lớp trở lại, nhà trường chỉ chú trọng vào việc dạy trực tiếp mà không có biện pháp căn cơ cho những học sinh phải ở nhà. Trong khi đó, số học sinh F0, F1 không được đến trường ngày càng nhiều và lặp đi lặp lại.

Trong tình cảnh đó, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM hiện đang áp dụng lớp học 2 trong 1: phát sóng dạy trên lớp cho học sinh ở nhà cùng theo dõi. Thế nhưng, nhiều học sinh phản ánh rằng việc học theo hình thức này không hiệu quả vì lớp ồn, học sinh ở nhà không nghe được lời thầy cô một cách rõ ràng, những hình ảnh, con số, con chữ được chiếu, viết trên bảng các em cũng không xem rõ.

Với cách “on-off” trong cùng một khung giờ thì một giáo viên môn toán phân tích: “Trên thực tế, có giáo viên dạy 2 trong 1 khá tốt khi vừa giảng bài trên lớp, vừa chia sẻ bài dạy giáo án điện tử cho những học sinh đang học ở nhà. Nhưng với môn toán của tôi thì không thể làm như vậy. Tôi phải vẽ hình, viết các con số trên bảng để giảng giải cho học sinh hiểu nên đành chấp nhận để cho học sinh ở nhà thiệt thòi”.

Nếu âm tính, F1 vẫn dạy – học bình thường

Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục ở TP Thủ Đức, TP.HCM thông tin: hồi trước Tết, trường linh hoạt để F1 là giáo viên, học sinh vẫn dạy – học bình thường nếu âm tính. “Việc xử lý như thế này theo tôi thấy khá ổn, việc dạy và học diễn ra khá suôn sẻ và thuận lợi chứ không rối ren như bây giờ vì chỉ cần 4 học sinh F0 thì xem như đã có 50% là F1 và phải cách ly”, vị này nói.

Trước con số này, nếu nhà trường chuyển đổi theo hướng lớp nào có 50% học sinh là F0, F1 trở lên phải chuyển sang dạy online thì chỉ một thời gian ngắn các trường sẽ phải đóng cửa, nên hiện nhiều lớp có 10 học sinh đi học cũng vẫn duy trì việc dạy trực tiếp để không phải đóng cửa trường.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Nhiếp và nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội mong cần có quy định cụ thể hơn nữa về xác định F1, trong đó nhóm F1 nào có nguy cơ cao cần cách ly hoàn toàn, đảm bảo đúng thời hạn mới được đến trường, nhóm nào thì chỉ cần tăng cường phòng dịch và theo dõi, nhưng có thể vẫn được đến trường.

“Quy định của Bộ Y tế thì phải chấp hành, vì xét ở góc độ dịch tễ, F1 có nguy cơ cao thì nên cách ly 5 – 7 ngày mới đảm bảo an toàn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi bên ngoài cộng đồng F0, F1 rất nhiều thì việc xác định F1 cũng phải xem xét lại”, thầy Đặng Việt Hà bày tỏ quan điểm.

“Trong tình huống này nếu có quy định làm cơ sở để trường cho phép học sinh F1 ít nguy cơ đến trường, trên nguyên tắc có đồng thuận của phụ huynh thì có thể giảm bớt khó khăn cho trường”, hiệu trưởng một trường THPT thuộc quận Cầu Giấy đề xuất.

* Cần Thơ: Sở GD-ĐT Cần Thơ đã động viên giáo viên, cha mẹ học sinh giữ tinh thần lạc quan và bình tĩnh. Khi trong lớp có học sinh dương tính thì tạm ngưng ngay buổi học, khử khuẩn lớp học, xác định F1 và tách học sinh, giáo viên có mặt trong lớp và F1 ra một khu vực riêng để xét nghiệm nhanh. Cuối buổi học thì khử khuẩn toàn trường.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0, F1 thực hiện cách ly theo quy định. Các trường hợp còn lại chưa được xác định là F1 thì vẫn dạy – học bình thường trong các buổi học tiếp theo. Sở cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng các phòng học vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến.

* Đà Nẵng: Theo cô Phạm Nguyễn Nhật Vy – hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hoa (quận Thanh Khê), theo quy định cứ có 1 F0 thì cả lớp phải nghỉ học trực tiếp 7 ngày nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ và phụ huynh. Trẻ nhỏ vừa đến trường ít ngày làm quen xong lại phải nghỉ học, khi đi học lại tiếp tục khóc vì lạ lẫm.

“Tôi thấy việc cho cả lớp nghỉ 7 ngày khi có F0 là bất cập và chưa hiệu quả. Qua theo dõi tôi thấy trẻ nhỏ nguy cơ lây nhiễm ít hơn hẳn người lớn. Minh chứng là trong 3 tuần mở cửa, trường có đến hơn 50% giáo viên và nhân viên nhiễm bệnh nhưng chỉ có 2 trẻ phát hiện triệu chứng và nguồn lây đều từ gia đình. Mong rằng nếu có thể chỉ nên cách ly F0 và F1 có triệu chứng”, cô Vy đề xuất.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (quận Hải Châu), cho biết nhiều phụ huynh phản ứng khi cứ có F0 là cả lớp phải nghỉ 7 ngày khiến công việc của họ xáo trộn do khó tìm được người giữ trẻ. “Một số phụ huynh đề nghị chỉ nên theo dõi các bé là F1 trong 1 – 2 ngày, khi thấy sức khỏe ổn thì cho trẻ đi học trở lại”, cô Trâm cho hay.

T.TRANG – Đ.NHẠN

Nên cho học sinh F1 đến trường

Đây là ý kiến của các chuyên gia về quy định F1 là học sinh và các biện pháp phòng dịch đi kèm.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – cho rằng ở trẻ em, nguy cơ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng của trẻ không cao, nhất là đối với những trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin, vì vậy đã có thể xem xét cho trẻ là F1 được đến trường học trực tiếp. “Việc cách ly học sinh là F1 ở nhà rõ ràng đã gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục trong thời gian qua, chúng ta không nên quá cứng nhắc trong các quy định”, ông Dũng chia sẻ.

Với học sinh từ khối THCS trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin nếu trở thành F1, ông Dũng cho rằng vẫn nên để các em đến trường học trực tiếp nếu không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính vào lúc phát hiện ca bệnh và sau đó 3 ngày. Với các em khối tiểu học, chưa tiêm thì có thể theo dõi trẻ tại nhà 2 – 3 ngày, sau đó để trẻ đến trường.

Còn ở khối mầm non, do trẻ còn quá nhỏ cùng môi trường trực tiếp khó đảm bảo khoảng cách và tiếp xúc an toàn nên có thể giữ nguyên quy định cách ly ở nhà, nhưng nên xem xét thời gian giảm còn 3 – 5 ngày thay vì 1 tuần.

QD_HocSinh_TruongTHCSHaHuyTap

Tiết học tiếng Anh của lớp 6/7 Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 7-3, những bàn trống là của những học sinh F0, F1 phải ở nhà – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, BS CKII Nguyễn Trần Nam, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho rằng việc nghỉ học của trẻ thực chất không liên quan nhiều đến việc trẻ có bị nhiễm COVID-19 hay không bởi các em vẫn có thể bị lây nhiễm từ các thành viên trong gia đình. “Điều chúng ta nên cân nhắc hiện nay về mặt lợi và hại đó là về chất lượng giáo dục và tâm lý của trẻ, cũng như đáp ứng của gia đình về tình trạng đó. Với trẻ đã nhiễm thì cách ly điều trị tại nhà, những trẻ là F1 cứ nên để trẻ theo dõi sức khỏe và đi học bình thường”, ông Nam chia sẻ.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP nhận định với những trẻ chưa tiêm vắc xin trở thành F1 cũng có thể để trẻ đến trường, ngoại trừ một số trẻ có bệnh nền, béo phì. “Ở những trẻ đã tiêm vắc xin thì khả năng lây nhiễm vẫn có, nên không cần dựa vào việc tiêm chủng làm gián đoạn việc học của trẻ, nhất là ở khối tiểu học, việc tiếp cận giáo dục trực tiếp vô cùng quan trọng”, ông Nam lý giải.

Một bác sĩ chuyên khoa nhiễm nhi chia sẻ chúng ta không thể mong muốn ở trường học không có ca nhiễm vì thực chất F0 vẫn luôn hiện hữu ngoài cộng đồng. Mỗi ngày không ai biết được bản thân mình có là F1 hay không trong quá trình tiếp xúc, vậy tại sao cứ bắt trẻ là F1 phải ở nhà.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo để học sinh là F1 đi học cần sự theo dõi sức khỏe của cả 3 phía: nhà trường, phụ huynh và bản thân trẻ. Khi ở nhà cha, mẹ theo dõi diễn biến trẻ và dặn trẻ tuân thủ các quy tắc 5K khi đến trường. Đặc biệt, phải dạy trẻ nói ra những khó chịu trong cơ thể nếu có. Khi đến trường, thầy cô phải luôn quan sát trẻ, chăm sóc cả vấn đề tinh thần bởi khi thấy bạn nhiễm bệnh, trẻ cũng sẽ thấy hoang mang, lo sợ.

 

Đề xuất cho F1 đi làm, vậy F1 đi học có được không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-3, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết đề xuất F1 được đi làm trực tiếp đã được trình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia 2 ngày trước. Tuy nhiên sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Y tế xem xét, dự kiến đề xuất này sẽ được lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia trước khi quyết định.

Câu hỏi đặt ra là nếu F1 được đi làm trực tiếp được chấp thuận, F1 là học sinh, nhất là học sinh từ 12 tuổi trở lên (đã tiêm 2 mũi vắc xin) thì sao? Điểm lưu ý là với F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, nếu đi làm trực tiếp thì có yêu cầu nơi làm việc phải bố trí khu vực riêng, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm. Như vậy với F1 là học sinh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, nếu đi học trực tiếp có thể nhà trường cũng phải bố trí khu vực riêng như thế này.

Nhưng phải bố trí khu vực riêng liệu có gây khó khăn cho các cơ quan, công sở, nhà máy và nhà trường hay không, chuyên gia này cho rằng tỉ lệ người trên 18 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin chỉ dưới 1%, trẻ từ 12 – 17 tuổi tỉ lệ tiêm chủng đủ mũi cũng đã rất cao. Tới đây trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiêm chủng nên yêu cầu nói trên sẽ không quá khó khăn cho các đơn vị và trường học, do số lượng không nhiều.

L.ANH

CẨM NƯƠNG

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
TTO