24/11/2024

Áp dụng mô hình phi NATO cho Ukraine: Lối thoát cho xung đột?

Áp dụng mô hình phi NATO cho Ukraine: Lối thoát cho xung đột?

Trước vòng đàm phán lần 3 với phía Nga dự kiến vào ngày 7-3, một thành viên của phái đoàn Ukraine đã gửi đi một tín hiệu được cho là có thể giúp xuống thang xung đột Nga – Ukraine hiện nay.

 

 

Áp dụng mô hình phi NATO cho Ukraine: Lối thoát cho xung đột? - Ảnh 1.

Người dân Ukraine đứng chờ tại một trạm tàu hỏa sau khi băng qua biên giới Ukraine vào Ba Lan ngày 7-3 – Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn Đài Fox News (Mỹ), nhà đàm phán David Arakhamia của Ukraine cho biết Kiev sẽ không nhượng bộ vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong đàm phán với Nga, nhưng sẵn sàng thảo luận “mô hình phi NATO” cho tương lai của nước này. “Phản ứng mà chúng tôi nhận được từ các nước NATO là họ không sẵn sàng thảo luận về việc đưa chúng tôi vào NATO, chứ không phải trong khoảng thời gian 5 hoặc 10 năm tới” – ông Arakhamia nói.

NATO – trung tâm cuộc mâu thuẫn

Cuộc xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga đã đi qua một chặng đường dài hơn 12 ngày (tính tới ngày 8-3) với nhiều tổn thất cho cả hai bên, cả về nhân mạng lẫn kinh tế.

Cho đến nay, cuộc chiến đã khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ đất nước Ukraine sang các nước láng giềng như Ba Lan, Romania và Moldova. Người đứng đầu Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc đã gọi cuộc di cư là “cuộc khủng hoảng người tị nạn bộc phát nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai”. Ngoài ra, tình hình kinh tế thế giới cũng đang đứng trước cơn chao đảo khi giá dầu đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy cuộc xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra nhưng chính bên thứ ba, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mới chính là trung tâm của cuộc mâu thuẫn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn coi tổ chức này là mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga. Ukraine được Nga coi là khu vực đệm an ninh giữa Nga và NATO, và việc Ukraine được đồng ý cho gia nhập NATO sẽ là lằn ranh đỏ đối với nước Nga.

Ông Putin trước đây đã yêu cầu phương Tây chính thức xác nhận rằng Ukraine sẽ không gia nhập liên minh quân sự NATO, tuy nhiên yêu cầu này đã bị phương Tây từ chối.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz giữa tháng 2, ông Putin cho biết Nga đã được các cường quốc phương Tây thông báo rằng Ukraine sẽ không tham gia NATO trong tương lai gần. Nhưng nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi cần giải quyết vấn đề này ngay bây giờ… [và] chúng tôi rất hy vọng mối quan tâm của chúng tôi sẽ được các đối tác lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc”.

Nước Nga muốn phương Tây giải quyết dứt điểm rằng con đường vào NATO của Ukraine là không bao giờ xảy ra. Bằng việc phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin chứng tỏ rằng ông hết sức nghiêm túc với quan điểm của mình. Vào lúc này, NATO cũng hiểu rằng nước Nga không nói đùa.

Giải pháp khả dĩ

Một giải pháp khả dĩ vào lúc này là thỏa thuận mô hình phi NATO lâu dài cho Ukraine.

Đây có thể được coi là cách mà hai bên có thể “xuống thang” trong cuộc xung đột hiện nay, mà không mất quá nhiều vị thế của mình.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron hôm 6-3, Tổng thống Putin nói sẽ đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine thông qua “đàm phán hoặc chiến tranh”. Do đó, một giải pháp chấp nhận được cho hai bên trong đàm phán sẽ là tiền đề cho một cuộc ngừng bắn sâu rộng cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Mô hình phi NATO lâu dài cho Ukraine không phải là một giải pháp không thể chấp nhận được. Thứ nhất, không phải tất cả 30 quốc gia thành viên NATO đều đồng ý kết nạp Ukraine. Đức và Pháp là hai quốc gia lớn trong khối e ngại các hệ quả tiêu cực cho an ninh khu vực khi mở rộng thành viên tới sát biên giới Nga. Sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, vấn đề Ukraine gia nhập NATO có thể đạt được sự đồng thuận từ cả 30 quốc gia thành viên là hầu như không thể xảy ra.

Thứ hai, Mỹ cũng cần tập trung mối quan tâm của mình vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với đối thủ chiến lược là Trung Quốc, hơn là can dự vào vấn đề gây phức tạp với Nga.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng muốn giải quyết vấn đề Nga – Ukraine sớm để họ có thể tập trung vào việc giải quyết vấn đề lạm phát kinh tế trong nước do hệ quả của cuộc xung đột. Chưa kể Ukraine vẫn còn chưa đáp ứng một trong ba tiêu chí chính để gia nhập NATO, bao gồm thể hiện cam kết về dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ nhà nước pháp quyền.

Một kịch bản lâu dài khác cho Ukraine là họ có thể từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO nhưng chính quyền thân phương Tây của Ukraine có thể suy nghĩ về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là điều chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Obama khuyến khích Ukraine thực hiện thay vì cố gắng vào NATO cho bằng được.

Thật ra không phải quốc gia châu Âu nào cũng muốn gia nhập NATO. Ukraine có thể nhìn sang Ireland, Thụy Điển, Áo, Thụy Sĩ hay Phần Lan như ví dụ các quốc gia đang cố gắng tránh khỏi các can dự quân sự tập thể.

Kịch bản kế tiếp là sự tham gia của Nga, khối NATO và cả Trung Quốc vào việc giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Sự cam kết chính thức từ các cường quốc được hy vọng là chìa khóa cho hòa bình ở Ukraine. Hôm 7-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chính thức xác nhận nước này muốn làm trung gian hòa giải xung đột Nga – Ukraine.

Mặc dù để chấm dứt sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Nga và phương Tây vốn tồn tại từ thời chiến tranh lạnh là không dễ dàng, nhưng trước hết hai bên cần phải tìm điểm chung để có thể đem hòa bình trở lại khu vực châu Âu.

Ukraine – Nga đàm phán vòng ba

Vòng đàm phán thứ ba giữa Ukraine và Nga bắt đầu lúc gần 22h giờ Việt Nam ngày 7-3 tại Belarus, theo kênh truyền hình RT.

Phát biểu trước đó, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết nội dung đàm phán lần này không thay đổi so với hai vòng đàm phán trước. Hai bên sẽ đàm phán về 3 vấn đề: tình hình chính trị ở Ukraine, các vấn đề nhân đạo và bố trí các lực lượng quân sự, trong đó quan trọng nhất là mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường.

Phát biểu trước khi đàm phán, ông Mykhailo Podolyak, một nhà đàm phán thuộc phái đoàn Ukraine, kêu gọi Nga dừng các cuộc tấn công trong ngày 7-3.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng ngừng hành động quân sự nếu Kiev đáp ứng các điều kiện như dừng hành động quân sự, công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận độc lập của hai vùng Donetsk và Lugansk.

Theo Hãng tin Reuters, ngoại trưởng Ukraine và Nga đã đồng ý gặp mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-3.

ANH THƯ

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TTO