23/01/2025

Việt Nam trở thành ‘cứ điểm’ sản xuất của thế giới

Việt Nam trở thành ‘cứ điểm’ sản xuất của thế giới

Giày dép chiếm 10% sản lượng toàn thế giới; dệt may, đồ gỗ vươn lên vị trí số 2 trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu. Từ tiêu, điều, gạo cho đến điện thoại, laptop của Việt Nam đang có mặt ở hàng trăm quốc gia…

 

 

Xuất khẩu quần áo, giày dép, đồ gỗ vượt đối thủ

Dù là ngày cuối tuần, xưởng may của Công ty TNHH may mặc Dony vẫn chạy 100% công suất cho kịp đơn hàng áo thể thao của một thương hiệu nổi tiếng, xuất đi Mỹ. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty, cho biết lượng đơn hàng nhiều và kéo dài hết năm. Có được thành tựu này là vì trong 3 năm qua, công ty chuyên may cho khách hàng khó tính đến từ Nhật. Từ “bệ phóng” đó, những khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu sau khi xem xét kỹ tay nghề, nhà xưởng của công ty đã đặt bút ký hợp đồng dài hạn đến hết năm nay. “Chúng tôi vẫn tuyển công nhân ngay từ sau tết nhưng rất khó để đủ số lượng mong muốn. Thế nên, chúng tôi chọn giải pháp tăng ca, công nhân cũng có thêm thu nhập. Năm nay, may mắn chúng tôi ký hợp đồng cho thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng xuất đi Mỹ với số lượng 1,2 triệu sản phẩm. Song song đó, có một thương hiệu thể thao lớn của Đức mới ký sau tết, lô hàng đầu tiên đã xuất đi, nhận được phản hồi của khách hàng rất tốt khiến tinh thần công nhân, lãnh đạo công ty phấn chấn hẳn”, ông Phạm Quang Anh khoe.

Bức tranh thu hút FDI của VN trong năm 2022 có những gam màu sáng – tối lẫn lộn, trong đó gam màu sáng sẽ tăng hơn nếu chúng ta khắc phục được một số giải pháp trong ngắn hạn. Chẳng hạn phải thực hiện mở cửa hoàn toàn…

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông

Ngành dệt may của VN vốn đã nằm trong Top 3 xuất khẩu (XK) thế giới nhiều năm trước, đến năm 2021 vượt qua Bangladesh lên vị trí thứ hai. Báo cáo thống kê thương mại thế giới năm 2021 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ rõ, XK hàng may mặc của VN trong năm 2020 giảm 7% trong khi Bangladesh đối mặt với mức giảm 15% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy phải đóng cửa. Tương tự, theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 do Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha vừa công bố, lần đầu tiên VN chiếm trên 10% thị phần giày toàn cầu trong năm 2020, vươn lên đứng thứ hai thế giới về XK sản phẩm này.

Việt Nam trở thành 'cứ điểm' sản xuất của thế giới - ảnh 1
VN đang là “cứ điểm” sản xuất điện thoại di động cho toàn cầu  DIỆU LINH

Trước đó, câu chuyện của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao Nike cũng cho thấy lượng sản xuất da giày tại VN đang tăng mạnh và chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng, trong khi tỷ lệ này của hãng tại Trung Quốc đã rớt xuống còn 21% từ mức 35% vào năm 2006. Như vậy, VN đã chính thức vượt xa Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất chính cho thương hiệu này. Ngay cả đối thủ của Nike là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở VN.

Việt Nam trở thành 'cứ điểm' sản xuất của thế giới - ảnh 2
Xuất khẩu da giày của VN đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới  NGỌC DƯƠNG

Hay nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của VN cuối năm 2020 cũng vượt mặt Ba Lan, Đức và Ý để vươn lên vị trí là nước XK thứ hai thế giới. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, ngoại trừ Trung Quốc giữ vị trí đầu bảng và cách xa các nước còn lại thì 3 vị trí tiếp theo là không quá cách xa nhau. Vì vậy, mục tiêu của ngành gỗ VN là phải vượt lên hơn nữa và duy trì vị trí thứ 2. Hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để XK nhóm hàng này tăng cao. Ví dụ, sản phẩm gỗ của VN hiện dẫn đầu thị phần tại Mỹ và cơ hội gia tăng ở thị trường này rất lớn khi nhu cầu tiếp tục đi lên. Nhất là sản phẩm gỗ của VN cũng chỉ mới chiếm khoảng 15% lượng hàng tiêu thụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đồng thời, lực lượng lao động của VN vẫn trong độ tuổi “vàng” vốn thích hợp cho ngành chế biến gỗ; nguồn nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được 65 – 70% và không gian mở rộng quy mô ở nhiều tỉnh thành đang lớn…

Việt Nam trở thành 'cứ điểm' sản xuất của thế giới - ảnh 3
Điện thoại di động “Made in Vietnam” đang bán khắp toàn cầu  M.P

Điện thoại di động, laptop xuất khẩu toàn cầu

Mấy năm gần đây, VN cũng nổi lên như một “cứ điểm” sản xuất toàn cầu cho các sản phẩm công nghệ là điện thoại di động, máy tính xách tay (laptop). Hiện tại, hơn 50% sản lượng điện thoại của Samsung trên thế giới đã được sản xuất tại VN. Song song đó, xu hướng chuyển đổi sang sản xuất laptop, điện tử tại khu vực Đông Nam Á nói chung và VN nói riêng đã gia tăng mạnh. Cuối năm 2020, tờ Nikkei Asia đã đưa ra nhận định đến năm 2030, một nửa số laptop bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Báo này kể ra hàng loạt dự án máy tính sản xuất tại VN như Công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại VN; một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics cũng đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại VN như Pegatron vốn chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple…

Việt Nam trở thành 'cứ điểm' sản xuất của thế giới - ảnh 4

Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, nhận định thời gian gần đây, các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại VN liên tục mở rộng sản xuất cả về quy mô lẫn gia tăng chuỗi cung ứng của chính họ. Từ đó, đã kéo theo hàng loạt nhà sản xuất nước ngoài gia nhập thị trường nội địa. Không chỉ điện thoại mà nhiều sản phẩm điện tử cũng được lắp ráp tại VN. Đồng thời với chương trình hỗ trợ của nhà nước và các tập đoàn lớn như Samsung về đào tạo, tư vấn… thì tỷ lệ các doanh nghiệp trong nước về sản xuất và cung ứng phụ tùng, linh kiện chi tiết cũng đang từng bước gia tăng.

“Với sự tham gia dây chuyền sản xuất của nhiều sản phẩm của Samsung, Apple thì VN thời gian tới sẽ thu hút được hàng loạt dự án công nghệ khác. Những điều đó cộng với tình hình kinh tế – xã hội luôn ổn định sẽ khiến VN tiếp tục trở thành điểm thu hút hấp dẫn hơn cho nhiều ngành sản xuất, nhất là laptop, công nghệ điện tử…”, ông Đỗ Khoa Tân chia sẻ thêm.

Cơ hội đón luồng vốn toàn cầu đang dịch chuyển

Theo các chuyên gia, VN đang từng bước trở thành “cứ điểm” sản xuất của nhiều ngành hàng trên thế giới, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng muốn đặt chân vào VN. Giữa tháng 2 vừa qua, các nhà đầu tư Ấn Độ đã quyết định ký kết hợp tác đầu tư với đối tác duy nhất tại VN là Tập đoàn Đại An để phát triển dự án Công viên dược tại tỉnh Hải Dương. Tham vọng nhà đầu tư đưa ra với dự án này là không chỉ nhằm thu hút những nhà đầu tư Ấn Độ mà còn có cả những nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, tiến đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trong ngành dược. Trong vòng 2 tháng đầu năm nay, đã có 183 dự án nước ngoài đăng ký đầu tư mới vào VN với số vốn 631,8 triệu USD. Trong đó một số dự án đầu tư tăng vốn như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics VN (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên; dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông) tăng thêm 306 triệu USD tại Bắc Ninh; dự án của Goertek tăng 260 triệu USD…

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, nhận định sau hơn 2 năm đại dịch bùng phát, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến lược “zero Covid” nên lợi thế trong thu hút FDI của công xưởng thế giới này đã có dấu hiệu sụt giảm. VN không phải là lựa chọn duy nhất trong làn sóng dịch chuyển đó nhưng với vị trí địa lý thuận lợi, cạnh Trung Quốc, di chuyển dễ dàng và quan trọng nhất có hệ thống cảng biển quốc tế, VN là một trong các lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, châu Âu đang đối diện khủng hoảng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá cả tăng cao, bất lợi lớn cho việc đầu tư và dự báo sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn FDI vào khu vực này. Trong bối cảnh đó, VN vẫn luôn được đánh giá là ổn định về chính trị – xã hội, kinh tế tăng trưởng và chính sách phòng chống Covid-19 nay đã cởi mở không khác gì các nước phát triển. Thế nên, chúng ta có lợi thế trong việc đón luồng vốn này. Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định như tình trạng dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành; thiếu công nhân… “Như vậy, bức tranh thu hút FDI của VN trong năm 2022 có những gam màu sáng – tối lẫn lộn, trong đó gam màu sáng sẽ tăng hơn nếu chúng ta khắc phục được một số giải pháp trong ngắn hạn. Chẳng hạn phải thực hiện mở cửa hoàn toàn, trường học, trường mẫu giáo… phải cho mở để giải phóng lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu cho các ngành đang có xuất khẩu tốt như dệt may, da giày, điện tử…”, ông Tùng khuyến nghị.

XK thủy sản năm 2021 tiếp tục tăng trưởng khi đạt trị giá gần 9 tỉ USD và duy trì vị thế thứ ba trên thế giới. Trong đó, một số mặt hàng có vị trí cao hơn như cá tra dẫn đầu; tôm từ vị trí thứ 5 XK trên thế giới vươn lên thứ ba… Riêng nông sản thì vị thế của VN đã được khẳng định từ nhiều năm qua. Cụ thể như hạt tiêu VN đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng chiếm khoảng 60% thị phần, duy trì vị trí dẫn đầu về XK trong gần 20 năm qua. Đặc biệt, nhờ diện tích gieo trồng loại cây này tăng mạnh, VN đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có diện tích và sản lượng thu hoạch tiêu lớn nhất thế giới. Hay ngành điều VN vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản lượng điều nhân XK.

 

 MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO