24/12/2024

Tranh Đông Dương đấu giá ‘nhầm’ lý lịch

Tranh Đông Dương đấu giá ‘nhầm’ lý lịch

Tác phẩm được nhà đấu giá Aguttes công bố có tác giả là danh họa Trần Bình Lộc. Tuy nhiên, chữ ký trên tranh lại là Trần Tấn Lộc.

 

 

10 năm nhầm tên

Những thông tin được công bố trên Facebook của nhà nghiên cứu Kevin Vương đã làm xôn xao cộng đồng những người yêu tranh Đông Dương. Dựa trên hình ảnh công bố cho phiên đấu giá sắp tới 14.3 của nhà đấu giá Aguttes, ông Vương cho rằng tác phẩm đã bị… nhầm tác giả. Cụ thể thông tin được Aguttes đưa ra cho rằng tác phẩm Cô gái chải đầu (1932) là của tác giả Trần Bình Lộc (1914 – 1941), cựu thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, chữ ký trên tranh, theo ông Kevin Vương, lại là của họa sĩ Trần Tấn Lộc. Ông Lộc, theo tìm hiểu của ông Vương, là một họa sĩ có tiếng ở Hà thành. Ông Trần Tấn Lộc còn từng mở phòng vẽ Tấn Lộc chuyên về quảng cáo cũng rất nổi tiếng

“Việc giữ nguyên mức giá của Trần Bình Lộc lại càng là biểu hiện của một động cơ tài chính mập mờ, không tôn trọng thị trường”

– Ông Ace Lê, Nhà phê bình mỹ thuật

Nhà phê bình mỹ thuật Ace Lê, hiện đang làm việc tại Singapore, ngay sau đó đã cùng nhóm bạn bè làm nghiên cứu tìm hiểu tiếp về Cô gái chải đầu. Ông Ace Lê cho biết, nhà Aguttes khẳng định tác phẩm này của Trần Bình Lộc do trước đó nhiều nhà đấu khác cũng công bố như vậy. Đó là thông tin từ lô đấu ngày 9.12.2020 tại nhà Thierry de Maigret, lô đấu ngày 3.11.2020 tại nhà Asium, lô đấu ngày 24.1.2017 tại nhà Lynda Trouvé và lô đấu ngày 4.10.2010 theo thông tin Mutual Art. “Qua quan sát mắt thường, ta có thể thấy cả 4 lô đấu này đều có chữ ký “Tr Tan Loc”, không thể nhầm sang Trần Bình Lộc được. Hơn nữa, bức tranh đấu năm 2010 vẽ năm 1929, nếu là của Trần Bình Lộc (1914-1941) thật, thì lẽ nào cụ vẽ bức này lúc 15 tuổi, trước khi vào học Trường Mỹ thuật Đông Dương?”, ông Ace Lê đặt câu hỏi.

Tranh Đông Dương đấu giá 'nhầm' lý lịch - ảnh 1
Bìa catalogue phiên đấu 14.3.2022 của nhà Aguttes   TL CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU ACE LÊ

Ông Ace Lê cũng có tư vấn của dịch giả Hán Nôm Châu Hải Đường. Ông Châu Hải Đường cho biết lạc khoản chữ Nôm trên bức Cô gái chải đầu là “Trần Tấn Lộc họa”, nghĩa là Trần Tấn Lộc vẽ. Từ dấu triện đóng trên tranh còn đọc được “Văn Thái Hà Nội” – đây là họa quán Văn Thái nơi cụ Trần Tấn Lộc từng làm việc tại Hà Nội…

Tranh Đông Dương đấu giá 'nhầm' lý lịch - ảnh 2
Catalogue bản mềm đã sửa tên họa sĩ Trần Bình Lộc thành Trần Tấn Lộc, nhưng năm sinh, năm mất và giá ước tính vẫn như trước   TL CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU ACE LÊ

Từ đó ông Ace Lê và những bạn bè nghiên cứu của mình cho rằng loạt tranh được một loạt nhà đấu giá cho là của Trần Bình Lộc suốt một thập kỷ qua, thực chất là của họa sĩ Trần Tấn Lộc. Nhóm cũng đưa ra một số yêu cầu. “Thứ nhất, các nhà đấu giá ở trên có động thái đính chính lại tác giả tranh, nhằm trả lại công bằng cho họa sĩ Trần Tấn Lộc. Thứ hai, về mặt lâu dài, các nhà đấu giá nên tìm đến tư vấn chuyên môn của các chuyên gia văn hóa, lịch sử mỹ thuật người Việt, nhất là những trường hợp liên quan đến chữ Nôm. Chuyên gia từ Trung Quốc sẽ không đọc được chữ Nôm”, ông Ace Lê, đại diện nhóm, cho biết. Những thông tin này được ông Ace Lê đưa ra vào ngày 28.2.

Nhầm “tăng giá”, sửa thông tin vẫn tiếp tục sai

Nhà nghiên cứu Kevin Vương cho biết, họa sĩ Trần Tấn Lộc chuyên vẽ quảng cáo, minh họa thì nói đúng ra tranh của ông cũng rất hiếm. Tuy nhiên, tranh của ông chưa được cộng đồng sưu tập biết đến nên giá khó cao. Chưa kể, do ông Trần Tấn Lộc không học Trường Mỹ thuật Đông Dương, nên giá tranh sẽ không cao như Trần Bình Lộc đã nổi danh bấy lâu nay. “Tranh của Trần Bình Lộc đã xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế, do ông mất khi còn rất trẻ nên tranh khá hiếm, giá lên cao. Đó là do thị trường định giá như vậy. Còn đối với người nghiên cứu và yêu mỹ thuật đơn thuần thì tranh của các ông đều giá trị và thẩm mỹ cao”, ông Kevin Vương cho biết.

Cập nhật thông tin vào 5.3, ông Ace Lê cho biết hiện sàn đấu giá Aguttes đã đưa ra một số động thái. Theo ông, nhà đấu giá này đã sửa tác giả bức Cô gái chải đầu (1932) trong catalogue thành Trần Tấn Lộc, nhưng năm sinh và năm mất vẫn là của Trần Bình Lộc (1914 – 1941). Nhà đấu giá vẫn giữ nguyên khung giá đã đưa ra lúc đầu là 80.000 – 120.000 euro. Ông Ace Lê đánh giá: “Việc Aguttes cố tình khẳng định đây là Trần Bình Lộc và đưa lên bìa, với định giá 80.000 – 120.000 euro là một lỗi sai có chủ đích. Việc giữ nguyên mức giá của Trần Bình Lộc lại càng là biểu hiện của một động cơ tài chính mập mờ, không tôn trọng thị trường”.

Ông Ace Lê cũng chia sẻ về sự cầu thị của nhà đấu giá Asium, sau khi biết mình đăng tải thông tin về tranh Trần Tấn Lộc thành Trần Bình Lộc công khai nhận lỗi sai và sửa ngay trong vòng 24 tiếng kể từ khi được thông báo. Ông còn cho biết có ít nhất 5 khách hàng người Việt đã rút ý định đấu giá tác phẩm này vì không tôn trọng cung cách làm việc, và không đồng ý với khung định giá của nhà Aguttes.

Sau tất cả, ông Ace Lê và nhóm nghiên cứu yêu cầu nhà đấu giá Aguttes đính chính thông tin họa sĩ Trần Tấn Lộc một cách chính xác, trên mọi kênh truyền thông về phiên đấu ngày 14.3.2022, bao gồm: website, catalogue trực tuyến, thông cáo, trang mạng xã hội của Aguttes, các cổng thông tin đấu giá. Nhóm cũng yêu cầu nhà đấu giá phải thu hồi lại những ấn phẩm in thông tin sai lệch về tác phẩm Cô gái chải đầu hiện đang gây hiểu lầm cho thị trường.

TRINH NGUYỄN

TNO