25/12/2024

Thầy trò hào hứng làm thí nghiệm… trực tuyến

Thầy trò hào hứng làm thí nghiệm… trực tuyến

Không kêu khó kêu khổ, ngược lại các thầy cô hào hứng chia sẻ những kinh nghiệm dạy học trực tuyến, kể cả dạy các môn thí nghiệm và các môn trải nghiệm.

 

 

Thầy trò hào hứng làm thí nghiệm... trực tuyến - Ảnh 1.

Một buổi dạy trực tuyến của giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Đây là trường có nhiều sáng kiến trong tổ chức dạy học, nên hai năm qua học sinh không phải nghỉ học buổi nào – Ảnh: V.H.

Hội thảo về dạy học trực tuyến thu hút gần 800 giáo viên, cán bộ quản lý của nhiều trường học ở Hà Nội và một số tỉnh như Hà Giang, Đắk Lắk, Hà Nam… tham dự diễn ra vào sáng 6-3.

Chủ trì hội thảo này là Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Đây là ngôi trường đã không nghỉ một buổi học nào vì COVID-19, với những nỗ lực tìm giải pháp vượt lên khó khăn trong hai năm qua.

Không chờ mở cửa trường

Môn vật lý, hóa học và sinh học không thể thiếu được phần thực hành, thí nghiệm. Nhưng dịch COVID-19 khiến các trường học đóng cửa. “Không thể dạy thực hành, thí nghiệm” là suy nghĩ ban đầu của nhiều giáo viên. Nhiều nhà trường đã dồn các tiết thực hành, thí nghiệm lại để chờ “mở cửa trường”. Các bài dạy trực tuyến gần như chỉ thuần túy lý thuyết.

Tại hội thảo, thầy giáo Nguyễn Minh Đức, giáo viên vật lý Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ những bước chuẩn bị và thực hiện một tiết dạy thực hành online để minh chứng cho việc giáo viên có thể dạy trực tuyến mà không phải ngồi chờ mở cửa trường học.

Theo thầy Đức, cả trực tuyến và trực tiếp, giáo viên đều phải có hướng dẫn tỉ mỉ để học sinh chuẩn bị vật liệu, dụng cụ. Với hình thức trực tuyến, giáo viên cung cấp nội dung phải chuẩn bị, video clip hướng dẫn cách làm.

Giáo viên nhận các video clip quay quá trình thực hành của học sinh kèm theo phần học sinh vẽ đồ thị, biểu đồ sau khi thực hành, phân tích và đưa ra kết luận. “Học sinh rất hứng thú. Khi sử dụng phần mềm, các em thậm chí còn tìm ra những tính năng mà thầy chưa biết để khai thác” – thầy Đức nói.

Tuy nhiên, các thầy cô giáo cũng cho biết với hình thức dạy học trực tuyến thì những bài thực hành, thí nghiệm sẽ phải tính toán, lựa chọn áp dụng những bài dễ làm, cách học sinh dễ thực hiện và đảm bảo an toàn khi làm tại nhà.

Với các hoạt động trải nghiệm và hoạt động giáo dục, cô Nguyễn Thùy Dương chia sẻ những sáng kiến của Trường Nguyễn Tất Thành. Theo đó, bên cạnh những sáng tạo trong các tiết chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt tập thể, các lễ hội online, các chương trình từ thiện… còn có các hoạt động “vượt ra ngoài không gian lớp học”, “vượt ra ngoài không gian trường học” rất cảm động, ấn tượng.

Đó là những chương trình như “học sinh lớp lớn hỗ trợ, dạy kèm cho học sinh lớp bé” ở trong trường hoặc học sinh Trường Nguyễn Tất Thành hỗ trợ học sinh khó khăn ở Trường THCS thị trấn Vị Xuyên (Hà Giang) học trực tuyến.

Hành trình thay đổi để thích ứng

Cô giáo trẻ Võ Mai Linh, giáo viên dạy văn Trường Nguyễn Tất Thành, nhớ lại thời điểm đúng hai năm về trước khi được yêu cầu “dạy học trực tuyến” thì rất hoang mang. Khi biết có phần mềm Liveworksheets (phiếu bài tập trực tuyến), cô đã khai thác nó cho nhiều hoạt động học tập, phù hợp với môn học như hoạt động khởi động, tổ chức trò chơi, yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi ngắn, thậm chí có thể tích hợp dạy đọc hiểu cho học sinh.

Phần mềm cũng có chế độ chấm tự động phiếu học tập và có thể giúp cô trò tương tác. Nhìn lại hành trình đã qua, cô Linh và nhiều đồng nghiệp đều không thể nghĩ mình “tiến bộ” như thế khi khởi đầu là rất nhiều bỡ ngỡ, lo âu.

Hội thảo không dành thời gian để “kêu khổ” mà là nơi các giáo viên của nhiều môn học chia sẻ cách mình đã làm, phần mềm mình đã sử dụng thế nào. Thầy Trần Thanh Quang (Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành) và cô Mai Hà (Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) đều là giáo viên dạy lịch sử – một môn học vốn bị xem là khô khan, dễ “buồn ngủ” với học sinh cả khi học trực tiếp.

Nhưng với việc ứng dụng những phần mềm khác nhau, đi kèm đó là sự linh hoạt trong áp dụng các phương pháp và các yêu cầu học tập, các thầy cô đã chứng minh giờ lịch sử trực tuyến không nhàm chán.

“Tôi yêu cầu học sinh xem trước phim Sao tháng Tám, đó là một phim đề cập nhiều về cuộc sống của người dân năm 1945 với những dấu ấn lịch sử giai đoạn đó. Các em đã trả bài cho tôi bằng những sản phẩm rất sáng tạo, thú vị” – cô Mai Hà cho biết.

Cô minh chứng bằng việc giới thiệu một sản phẩm mà nhóm học sinh đã làm về năm 1945 để tận mắt chứng kiến cảnh người dân trải qua nạn đói khủng khiếp bằng cách ghép hình học sinh với các hình ảnh cắt từ phim.

Cũng tại hội thảo, nhiều giáo viên mong muốn tạo lập kho dữ liệu dùng chung để giáo viên nhiều trường, nhiều địa phương có thể tham khảo, chia sẻ, ứng dụng. Đặc biệt là việc khai thác các phần mềm dạy học. Nguồn dữ liệu này không chỉ sử dụng trong giai đoạn dạy học trực tuyến để chống dịch mà hỗ trợ lâu dài.

Làm chủ và không lạm dụng

Cô Mai Hà cho rằng khi giáo viên làm chủ được công nghệ là lúc biết khi nào thì mình cần sử dụng công cụ, sử dụng thế nào. “Nếu lạm dụng sẽ không hiệu quả, chỉ làm học sinh bị loạn và mất thời gian nhiều cho việc thao tác” – cô Hà nói.

Cô Hà cũng cho rằng người thầy cần tỉnh táo và hướng dẫn tỉ mỉ, định hướng tư duy cho học sinh. Cô Hà kể môn lịch sử có những điều nhạy cảm. Trong khi trên mạng xã hội có rất nhiều thứ không lành mạnh, nên khi cho học sinh tìm kiếm tư liệu trên mạng thì thầy cô phải kiểm tra kỹ và tư vấn, điều chỉnh kịp thời.

Quá trình đầy vất vả và cảm xúc

Cô Nguyễn Phương, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết nếu đầu năm 2020 giáo viên mới chỉ biết loay hoay làm thế nào để đưa bài giảng của mình lên dạy trực tuyến thì sau hai năm giáo viên đã khai thác, sử dụng hàng chục phần mềm khác nhau phục vụ việc dạy học, tương tác, giao việc, kiểm tra đánh giá học sinh…

“Ai cũng có những lần đầu tiên. Tôi cũng như vậy, phải học từ cách cài đặt rồi sử dụng được, sử dụng thế nào cho hiệu quả. Khi đã có nhiều công cụ thì điều phải tư duy là lựa chọn công cụ nào phù hợp với bài học, môn học, đối tượng học sinh”… Theo các thầy cô, đó là một quá trình đầy vất vả nhưng cũng đầy cảm xúc. Nhất là khi học sinh làm được và làm tốt hơn cả hình dung của thầy cô.

VĨNH HÀ
TTO