24/12/2024

Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo

Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo

Hơn một tháng kể từ khi áp dụng nghị định 15 của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, nhiều doanh nghiệp vừa làm vừa lo vì chưa được hướng dẫn cụ thể, trong khi việc giảm thuế này đang gặp nhiều vướng mắc.

 

 

Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo - Ảnh 1.

Nhiều người dân cho biết chưa được giảm giá do giảm thuế VAT khi mua hàng ở khu vực chợ dân sinh, ngược lại giá cả còn tăng do “giá xăng tăng” – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dù Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn, giải thích vướng mắc về giảm thuế VAT cho doanh nghiệp (DN) và người dân nhưng đến nay hướng dẫn vẫn chưa được ban hành.

Các DN cho biết chỉ còn cách tự xác định nhưng vừa làm vừa run vì khả năng bị phạt rất cao, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này.

Vẫn áp VAT 10% vì… lúng túng?

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, chủ một DN nhỏ trong lĩnh vực thương mại thiết bị công nghiệp cho hay do đặc thù là mua hàng theo yêu cầu của nhà máy nên sản phẩm thuộc nhiều nhóm hàng.

Trước đây, DN chỉ cần tìm hàng, báo giá, giao hàng, xuất hóa đơn… Thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì hầu như toàn bộ sản phẩm đều là VAT 10%.

Nhưng từ khi nghị định 15 ra đời, DN phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành gì có được giảm thuế hay không, vừa phải trao đổi bên mua vừa thống nhất bên bán.

Có trường hợp cùng một loại hàng hóa nhưng nhà cung cấp mỗi nơi áp dụng một mức thuế VAT. Thông thường, công nợ tính từ ngày xuất hóa đơn, nhưng DN vẫn chưa biết xuất ra sao dẫn đến khó khăn trong xoay vòng vốn.

Chưa kể, trước đây chỉ cần xuất một hóa đơn cho một đơn hàng giờ phải tách ra theo thuế suất. “VAT là thuế mà DN thu hộ cho Nhà nước chứ chúng tôi không được nhận mà bây giờ phải tốn nhiều thời gian xử lý hơn cả việc kinh doanh. Nếu sai sót, sau này DN lại bị phạt bị truy thu. Thiết nghĩ chính sách nhà nước đưa ra nên đơn giản dễ hiểu áp dụng được cho toàn dân”, vị này nói.

Một DN khác cho rằng thay vì giảm toàn bộ sản phẩm từ 10% còn 8%, cơ quan thuế đẻ ra một danh mục loại trừ không được giảm dẫn đến vướng mắc.

“Hầu hết các DN nhỏ chỉ có dưới 10 nhân sự nên không có nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của cơ quan thuế. Trong khi đó, DN liên hệ đến cơ quan thuế quản lý để được giải đáp vướng mắc lại được yêu cầu làm công văn họ sẽ trả lời nhưng biết đến bao giờ?”, vị này bức xúc.

Có DN đính kèm văn bản của nhà cung cấp sản phẩm gửi cho DN, trong đó khẳng định rằng dù không mong muốn nhưng buộc phải áp dụng trở lại thuế suất 10% với các mặt hàng trước đó đã áp dụng mức thuế VAT 8% với lý do việc áp dụng nghị định 15 “còn nhiều vướng mắc, lúng túng, nhiều cách hiểu và chưa thể xác định một cách chắc chắn hàng hóa nào được giảm thuế”, chưa kể là đã có văn bản hỏi nhưng chưa được trả lời…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, kế toán của một số DN thừa nhận có tâm lý sợ sai, có nguy cơ mất tiền còn bị phạt.

Đặc biệt, điều mà DN lo lắng là hậu kiểm sau này, bởi rất dễ xảy ra trường hợp DN xác định lĩnh vực đang kinh doanh được giảm thuế VAT theo nghị định 15 nhưng cơ quan thuế xác định ngược lại.

Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo - Ảnh 2.

Hơn một tháng kể từ khi áp dụng nghị định 15 về giảm thuế VAT nhưng nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần khẩn trương hướng dẫn

Sau hơn một tháng áp dụng chính sách giảm thuế, theo TS Nguyễn Ngọc Tú (ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội), vướng mắc lớn nhất đối với DN là việc xác định thuế suất hàng hóa. Ví dụ đối với dịch vụ ăn uống, có cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn với thuế VAT là 8%.

Nhưng cũng có nhà hàng cho biết vì khách có dùng cả rượu và bia – mặt hàng không được giảm thuế VAT. Do vậy, kế toán đã phải tách hóa đơn riêng cho rượu bia với thuế VAT là 10%, còn đồ ăn là thuế 8%. Vậy xuất hóa đơn thế nào và thuế suất bao nhiêu là đúng?

Do đó, ông Tú đề nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể và thống nhất việc giảm thuế theo nhóm ngành hay mặt hàng để DN thực hiện.

DN kinh doanh bia rượu thì thuế suất mặt hàng này 10%. Nhưng đối với nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thuế suất của dịch vụ này là 8% hay 10% hay phải tách hóa đơn những mặt hàng được giảm thuế riêng?

“Giảm thuế VAT chỉ trong 10 tháng nữa thôi nên Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn ngay trong đầu tháng 3 này. Nguyên tắc hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất và tạo thuận lợi cho người thực thi.

Đừng chi li quá như việc phải tách chai bia ra khỏi bàn ăn để tính thuế 10% khiến chính sách rối rắm, gây khó cho người thực hiện. Vì mục tiêu giảm thuế VAT là kích cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh”, ông Tú khuyến cáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng cục thuế ở một tỉnh miền Bắc cho rằng phải có phần mềm để DN chỉ cần gõ mặt hàng, dịch vụ vào sẽ biết ngay có được giảm thuế hay không.

Phần mềm này do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính, ngành thuế và hướng dẫn DN, hộ kinh doanh tra cứu và áp dụng.

Các siêu thị, đơn vị kinh doanh hàng trăm mặt hàng cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc xuất hóa đơn.

Theo quy định của nghị định 15, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế VAT 8%. Trường hợp không lập hóa đơn riêng sẽ không được giảm thuế VAT. Như vậy, cơ sở kinh doanh phải tách hóa đơn cho những mặt hàng, dịch vụ được giảm thuế.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các siêu thị phải cần thời gian ít nhất nửa tháng xây dựng, thiết kế lại phần mềm chứ không thể nhanh được.

Do đó, theo các chuyên gia, không nên xử phạt DN do lỗi khách quan, không cố ý vi phạm. “Do thời gian bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ mùng 1 Tết Nguyên đán, chưa kể việc giảm thuế cũng chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng khiến DN bối rối trong khâu thực thi”, một chuyên gia nói.

Nhiều nguy cơ bị phạt oan

Chị M.N.H., phụ trách tài chính một chuỗi siêu thị ở Hà Nội, cho biết ngày 9-2 mới có thể áp dụng giảm thuế VAT được vì nghị định 15 ban hành ngày 28-1, tức 28 Tết và có hiệu lực ngày 1-2, tức mùng 1 Tết Nhâm Dần. Lúc đó kế toán và bộ phận công nghệ thông tin của DN đang nghỉ Tết. Đến mùng 4 Tết, siêu thị mới mở cửa khai xuân.

“Nếu hoàn thành việc rà soát tất cả hơn 800 mặt hàng, xem xét mặt hàng nào được giảm thuế và điều chỉnh thuế suất, tính giá bán sau khi giảm lên hệ thống phần mềm bán hàng để hỗ trợ xuất hóa đơn, chúng tôi phải tạm ngưng bán hàng ít nhất 3 – 5 ngày. Nên việc chậm áp dụng nghị định 15 là bất khả kháng, không còn cách nào khác”, chị H. chia sẻ.

Nhiều đơn vị kinh doanh cho hay cũng đang lo ngại sẽ bị cơ quan thuế xử phạt vì chưa xác định chính xác mặt hàng có được giảm thuế hay không. Nhưng để tạo thuận lợi cho người mua, DN đã xuất hóa đơn VAT là 8% và chấp nhận bù chênh lệch tiền thuế nếu như mặt hàng đó có thuế suất là 10%.

Tuy nhiên, trong công văn gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế khẳng định sẽ xử phạt nghiêm nếu không thực hiện đúng nghị định 15. Do đó, nhiều DN lo lắng sẽ bị xử phạt oan.

Nộp ngân sách phần thuế VAT chậm giảm?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đẩu, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, cho rằng không nên xử phạt siêu thị, DN kinh doanh thương mại chưa thể hoàn thiện phần mềm bán hàng để hỗ trợ xuất hóa đơn từ ngày 1-2 như nghị định 15.

Cục Thuế Bình Định cũng có thông báo những DN kinh doanh thương mại có văn bản trình bày lý do bất khả kháng dẫn đến việc chậm áp dụng từ ngày 1-2.

Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Tú đề xuất: với những đơn vị kinh doanh chưa kịp giảm thuế VAT cho hàng hóa, dịch vụ mà đến nay không thể xuất hóa đơn để hoàn trả tiền thuế cho người mua, cơ quan thuế nên yêu cầu phải nộp ngân sách theo mức thuế 10%.

“Bởi chính sách giảm thuế VAT là Nhà nước chia sẻ với người mua hàng, sử dụng dịch vụ. Nên khi khách hàng không nhận được, khoản hỗ trợ này phải được nộp vào ngân sách nhà nước”, ông Tú nói.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG
TTO