Giá cả tăng mạnh, thuế thu nhập cá nhân cần thay đổi
Giá cả tăng mạnh, thuế thu nhập cá nhân cần thay đổi
Nhiều ý kiến đề nghị phải nâng mức giảm trừ, hạ mức thuế để giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngay trong năm nay cho người làm công ăn lương.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp sáu lần trong hai tháng qua đã đẩy giá mớ rau, quả trứng, cân thịt tăng cao. Hơn nữa, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến thu nhập và đời sống của người nộp thuế bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà nước cần có chính sách chia sẻ.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 25% và giờ đang áp dụng mức 20%, trong khi đó mức thuế TNCN đối với các bậc thuế vẫn giữ với mức cao nhất lên tới 35%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Nhìn giá cả mà choáng
Đó là cảm xúc của nhiều người trong suốt thời gian qua khi chứng kiến giá cả thực phẩm, dịch vụ, giá xăng tăng dựng đứng mỗi ngày. Nhiều người buồn vì chỉ có lương là giảm và thuế là đứng yên.
Chị Minh Thu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay nhiều hàng hóa đã âm thầm tăng giá mạnh trong thời gian qua khiến bà nội trợ như chị choáng váng: 1 ký cam cách đây 1-2 tháng chỉ khoảng 20.000 đồng thì nay tăng vọt lên 30.000 đồng. Các món gia vị như chanh, gừng đều tăng thêm 5.000 đồng/kg.
Rau cũng tăng mạnh, như bông cải tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/ký. Rau cải cũng tăng giá. Chị thắc mắc thì người bán nói do xăng tăng nên giá vận chuyển tăng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng đi lên.
Nhẩm tính lại, chị Minh Thu thấy các chi phí cho cuộc sống bình thường của gia đình đều tăng trong vòng một năm qua. Mỗi lít xăng RON 95 cách nay một năm chỉ 17.270 đồng thì nay đã vọt lên 26.834 đồng; trước đổ 80.000 đồng là đầy bình xăng, giờ muốn đầy bình phải mất 125.000 đồng. Trước 500.000 đồng đi chợ phải hai ngày mới hết, giờ quay đi quay lại hết veo.
Trong khi đó, thu nhập của chị trong hai năm qua sụt giảm khá nhiều do công ty gặp khó khăn vì dịch COVID-19 và đến nay do thu nhập chưa phục hồi nên hằng tháng hầu như không có dư đồng nào.
Cũng như chị Thu, chị Bích Thủy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói hai năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch, trong khi các doanh nghiệp được giảm thuế thì người làm công ăn lương như chị vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ.
“Lẽ ra ngành thuế nên có chính sách hỗ trợ người làm công ăn lương như chúng tôi để nuôi dưỡng nguồn thu, chứ đằng này chúng tôi cảm thấy “nghẹt thở”. Đã thế mức giảm trừ cho người lao động lẫn người phụ thuộc không thể nào đảm bảo cuộc sống trong bối cảnh hiện nay”, chị Bích Thủy bức xúc nói.
Là phó phòng ở một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, chị Phạm Thu Thảo (quận Đống Đa) kể thu nhập năm 2021 sụt giảm khoảng 30% so với trước đây do dịch COVID-19. Năm 2022 và những năm tới, thu nhập tiếp tục bị cắt 15%. Chi phí sinh hoạt tăng lên. Cả nhà mắc COVID-19, các chi phí điều trị cũng rất tốn kém, nào tiền mua kit xét nghiệm, thuốc trị cảm cúm, ngậm ho… Thế nhưng cuối tháng nhận lương, thu nhập của chị vẫn bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
“Nhiều người cứ nói thu nhập đến mức được nộp thuế là hạnh phúc rồi. Tuy nhiên, tôi thật sự cảm thấy khá áp lực và không hề vui hay hạnh phúc gì, bởi vì thời gian phải làm mỗi ngày thường 12 – 13 tiếng thay vì 8 tiếng. Ốm mà hai vợ chồng cũng phải cố để lo cho các con và bố mẹ già” – chị Thảo chia sẻ.
Giảm trừ gia cảnh cần tăng theo lương tối thiểu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho rằng trong suốt hai năm qua dù dịch COVID-19 tác động nặng nề, nhưng Bộ Tài chính chưa đề xuất chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương với lý do “nếu giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công trong sáu tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao, không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch…”.
Theo ông Nghĩa, lý giải này hoàn toàn không thuyết phục, vì việc nâng mức giảm trừ từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng từ tháng 6-2020 chỉ nhằm giải quyết câu chuyện của quá khứ là CPI đã tăng vượt 20%, chứ không phải hỗ trợ cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Thực tế từ năm 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều, và mức 11 triệu đồng/tháng không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
“Do vậy, theo tôi, để bớt thiệt thòi cho người làm công ăn lương, nên sửa Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng, để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng. Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ cho các chi phí cuộc sống… Chưa kể bất công ở chỗ hiện người nước ngoài được trừ học phí cho con trong khi người trong nước lại không”, ông Nghĩa nói thêm.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nếu làm phép so sánh nhỏ sẽ thấy cùng một mức thu nhập nhưng với một cá nhân làm công ăn lương sẽ phải nộp thuế cao hơn nhiều (vì biểu thuế lũy tiến bậc cao nhất lên đến 35%) so với những cá nhân có thu nhập từ Google, YouTube… do họ chỉ phải nộp thuế 2% trên doanh thu.
Cần sửa ngay luật
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, kiến nghị cần giảm bậc và giảm mức thuế của các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần. Trong những năm qua, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 25% và giờ đang áp dụng mức 20%, trong khi mức thuế thu nhập cá nhân đối với các bậc thuế vẫn giữ với mức cao nhất lên tới 35%. Như vậy, thay vì 7 bậc, biểu thuế lũy tiến cần giảm còn 3 bậc với các mức thuế 5, 15 và 20% thôi.
Ông Thịnh cũng góp ý cần nâng ngưỡng chịu thuế lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc vì mức áp dụng hiện nay đã lỗi thời.
“Do đó, ngay trong năm nay, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Điều này là cần thiết và nên làm vì nó giúp khoan thư sức dân, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Điều vô lý…
Năm qua, dù dịch COVID-19 khiến thu nhập của người nộp thuế bị sụt giảm mạnh nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt tới 123.000 tỉ đồng, tăng hơn so với số thu năm 2020. Trong khi đó, Nhà nước chưa có bất kỳ chính sách hỗ trợ như gia hạn, miễn giảm thuế với đối tượng làm công ăn lương. Đây là điều vô lý.
Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng làm sao lo đủ cho một đứa con đang tuổi ăn học hay chi trả thuốc men, chăm sóc bố mẹ già ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều đã tăng.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn:
“Nhất cử tam tứ tiện” sao không làm?
Bối cảnh hiện nay mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2009, vậy thì sao phải cột cứng mức giảm trừ gia cảnh ở 11 triệu đồng/tháng mà không cho tính đúng tính đủ mức chi phí từ ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh… miễn là có hóa đơn chứng từ.
Giờ đã áp dụng hóa đơn điện tử, do vậy việc này không khó mà còn khuyến khích người dân lấy hóa đơn mọi lúc mọi nơi. Từ đó doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh cũng hết đường né thuế vì bao nhiêu doanh thu sẽ bị bộc lộ hết. “Nhất cử tam tứ tiện” như vậy sao ngành thuế không mạnh dạn đổi mới để Nhà nước và người dân cùng có lợi?