25/12/2024

Đề xuất F1 đi làm trực tiếp: Khối sản xuất hoan nghênh nhiệt liệt

Đề xuất F1 đi làm trực tiếp: Khối sản xuất hoan nghênh nhiệt liệt

Với đề xuất của Bộ Y tế cho F1 đi làm việc trực tiếp, nhiều chuyên gia y tế, nhà quản lý, chuyên gia lao động đã ủng hộ. Thậm chí, một số người cho rằng không nên bố trí phân xưởng làm việc cho riêng đối tượng F1.

 

 

Đề xuất F1 đi làm trực tiếp: Khối sản xuất hoan nghênh nhiệt liệt - Ảnh 1.

Công nhân công ty may tại Hà Nội tuân thủ 5K khi làm việc – Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Y tế Bắc Giang cho hay tỉnh chủ trương cho người lao động là F1 đi làm để giảm thiểu khó khăn do thiếu nhân lực cho công ty, doanh nghiệp. Những ai có biểu hiện sốt, ho, mất khứu giác, mất vị giác sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19.

“Thực tế, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp rất lớn nên nếu cứ F1 mà cách ly tại nhà sẽ thiếu hụt lao động cục bộ. Khi F1 đi làm, các doanh nghiệp chủ động yêu cầu người lao động tuân thủ 5K, bố trí riêng khu vực làm việc. Trường hợp bất đắc dĩ thì có thể làm chung vì nếu bố trí cứng nhắc sẽ rất khó, việc này phụ thuộc loại hình sản xuất của doanh nghiệp”, vị này cho hay.

Theo đại diện Sở Y tế Bắc Giang, tỉnh đã thành lập Trung tâm y tế khu công nghiệp thuộc Sở Y tế với mục đích phòng dịch từ xa, từ sớm, đảm bảo ứng phó và khoanh vùng dịch tại chỗ.

“Việc F1 đi làm sẽ giảm bớt khó khăn cho cả cơ quan nhà nước, vì nếu cứ F1 mà cách ly 5 ngày thì không có người làm. Nếu không cho lao động là F1 đi làm thì họ vẫn tiếp xúc người dân trong cộng đồng”, vị này nêu quan điểm.

Chuyên gia này cho rằng cần nghiên cứu thêm việc F0 nên đi làm hay không. Trước mắt, F0 cách ly 7 ngày tại nhà sau test âm tính thì đi làm bình thường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Dân, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Hà Nội, cho biết ngành lao động TP ủng hộ đề xuất F1 đi làm.

“Sự thiếu hụt lao động tại Hà Nội không nóng như các tỉnh phía Nam hay một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, số F0 trong các đơn vị, doanh nghiệp khá lớn. Nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

F1 không triệu chứng thì nên cho đi làm. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thiếu hụt nhiều lao động. Trong bối cảnh F0 nhiều mà không có phương án phù hợp thì dứt khoát thiếu lao động”, ông Dân bày tỏ.

Theo ông Dân, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn doanh nghiệp sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất quyết định cụ thể phù hợp.

Tương tự, ông Lê Quang Long – trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội – cho rằng F1 đi làm sẽ giải quyết việc thiếu hụt nhân lực ngay từ cơ quan hành chính, văn phòng chứ chưa nói tới khối sản xuất.

Theo vị này, chủ trương của Bộ Y tế phù hợp với mong muốn của các doanh nghiệp, giúp người lao động là F1 đi làm với tâm lý thoải mái hơn, giải quyết thiếu hụt lao động hiện nay. Bởi, nhiều người F1 đi làm không đúng quy định, chẳng may có vấn đề xảy ra thì phải chịu trách nhiệm.

“Nếu như yêu cầu F1 làm phân xưởng riêng thì không hợp lý. Vì không phải ai cũng có tay nghề giống nhau, chuyên môn khác biệt. Ngoài ra, ngành y tế cần nghiên cứu, cân nhắc nên cho F0 đi làm hay không, nếu nghỉ thì nghỉ bao nhiêu ngày hợp lý”, ông Long nêu quan điểm.

Đại diện Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Thái Bình cho biết đơn vị đang chờ chỉ đạo về đề xuất mới của Bộ Y tế và sẽ họp bàn thêm.

Còn ở Hưng Yên, số lượng người lao động tại các khu công nghiệp đạt 90% trong tổng số khoảng 70.000 người, nên Ban quản lý các khu công nghiệp sẽ căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của ngành y tế để ban hành phương án có lợi nhất cho doanh nghiệp, người lao động.

HÀ QUÂN
TTO