25/12/2024

Đan Mạch trưng cầu ý dân gia nhập hiệp ước quốc phòng của EU

Đan Mạch trưng cầu ý dân gia nhập hiệp ước quốc phòng của EU

Cuộc xung đột tại Ukraine đang đẩy các quốc gia trung lập ở Bắc Âu đến việc chọn đứng về một bên hoặc có các động thái giảm bớt lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Đan Mạch là quốc gia mới nhất cho xu hướng này.

 

Đan Mạch trưng cầu ý dân gia nhập hiệp ước quốc phòng của EU - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu của Đan Mạch huấn luyện tại một thao trường ở nước này ngày 1-3 – Ảnh: REUTERS

Đan Mạch sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 6 tới về việc có nên gia nhập Chính sách quốc phòng và an ninh chung (CSDP) của Liên minh châu Âu (EU) hay không, theo Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 6-3.

Cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức vào ngày 1-6 tới. Một cuộc thăm dò gần đây của Đài TV2 cho thấy 49% cử tri ủng hộ tham gia CSDP và 27% phản đối.

CSDP cho phép EU đóng vai trò hàng đầu trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và củng cố an ninh quốc tế. Đây là một phần không thể thiếu trong cách tiếp cận toàn diện của EU đối với việc quản lý khủng hoảng, dựa trên các tài sản dân sự và quân sự.

Việc gia nhập CSDP sẽ mở đường cho Đan Mạch tham gia các hoạt động quân sự chung của EU và hợp tác, nâng cao năng lực quốc phòng. Đan Mạch đã từ chối tham gia CSDP trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1992.

Trong thông báo ngày 6-3, Thủ tướng Frederiksen cũng cho biết Đan Mạch sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của mình và hướng tới mục tiêu không lệ thuộc khí đốt tự nhiên của Nga.

Quốc gia đồng sáng lập NATO sẽ tăng dần chi tiêu quân sự từ 1,3% GDP như hiện nay lên mục tiêu 2% vào năm 2033, nghĩa là chi tiêu hằng năm cho quốc phòng sẽ cao hơn 18 tỉ krone (khoảng 2,65 tỉ USD).

Các đảng chính trị ở Đan Mạch cũng đồng ý chi 7 tỉ krone trong vòng 2 năm tới để thúc đẩy các sáng kiến quốc phòng, ngoại giao và nhân đạo.

Thủ tướng Frederiksen, trong một cuộc họp báo ở Copenhagen, nhấn mạnh đây là “khoản đầu tư lớn nhất cho quốc phòng của Đan Mạch trong thời gian gần đây”.

Bà Frederiksen lập luận việc Nga đưa quân vào Ukraine đã báo hiệu cho một kỷ nguyên mới ở châu Âu khi nó thách thức tất cả các giá trị của EU như dân chủ, nhân quyền, hòa bình và tự do.

Theo Hãng tin Bloomberg, việc Đan Mạch xem xét gia nhập CSDP là điều không có gì bất ngờ nếu xét tới các diễn biến trong thời gian qua.

Các nước như Thụy Điển và Phần Lan đã đánh giá lại quan điểm không liên kết quân sự sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Thụy Điển cam kết gởi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ sắt, 5.000 áo giáp cùng 135.000 khẩu phần ăn dã chiến. Phần Lan cũng thông báo gởi 2.500 súng trường tấn công, 150.000 hộp đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần chiến đấu cho Ukraine.

Theo Bloomberg, cuộc xung đột cũng thúc đẩy người dân ở hai nước kêu gọi các nhà lãnh đạo xem xét gia nhập NATO.

Các quốc gia châu Âu khác, trong lúc đang đại tu hệ thống phòng thủ, cũng gởi vũ khí đến Ukraine. Theo ước tính, đã có khoảng 20 nước là thành viên NATO hoặc EU gởi hỗ trợ đến Ukraine.

BẢO DUY
TTO