Cơ hội cho gạo Việt
Cơ hội cho gạo Việt
Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đây có thể xem là cơ hội của ngành nông nghiệp VN. Thế nhưng, theo các chuyên gia, VN nên tiếp tục xu hướng tăng chất thay vì chạy theo sản lượng.
Trong tháng 2, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số FFPI tháng 2 tăng chủ yếu là do các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật tăng giá. Giá ngũ cốc và thịt cũng tăng chỉ có giá đường giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Giá gạo tăng 3,1% hàng tháng do nhu cầu tiêu thụ của các nước châu Á tăng và lượng thu hoạch thấp hơn dự báo trước đó.
Thị trường lúa gạo duy trì mức giá cao, nhưng nông dân vẫn không có lãi T.L |
Không nên chạy theo số lượng
Bản tin cập nhật giá cả của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết: Giá gạo xuất khẩu của VN loại 5% tấm ngày 3.3 là 403 USD/tấn tăng khoảng 10 USD so với hồi đầu năm. Đây là mức giá cao nhất so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan (398 USD/tấn) và Ấn Độ (343 USD/tấn). Tuy nhiên, con số này bị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chê rằng quá lạc hậu so với giá xuất thực tế. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), bức xúc: “Tôi không biết VFA lấy đâu ra con số đó. Công bố như vậy thì chết cả doanh nghiệp (DN) và nông dân vì bây giờ giá thành làm ra gạo đã hơn con số đó rồi. Giá xuất hiện tại đang dao động từ 435 – 440 USD/tấn, ổn định từ sau tết đến nay chứ chưa có biến động nhiều vì thị trường còn trầm lắng”. Ở địa bàn Tiền Giang, theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, hiện bán ra chậm vì các đơn hàng cũ xuất sang các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi, Malaysia… đã đi hết rồi và họ cũng chờ được cấp hạn ngạch mới, khoảng tháng 4 khả năng sẽ có đơn hàng mới.
Về dài hạn, các DN và chuyên gia cùng đồng tình thế giới đang có nhiều bất ổn và dịch bệnh nên an ninh lương thực càng được chú trọng, do đó việc thu mua và giá cả sẽ trong xu hướng tăng. Thế nhưng, vấn đề quan trọng của ngành lúa gạo là chất lượng chứ không phải sản lượng.
TS Trần Hữu Hiệp, Trường ĐH FPT Cần Thơ, phân tích: Những cơ hội thị trường thì những nước cung cấp lương thực lớn cho thế giới như Thái Lan hay Ấn Độ họ cũng thấy. Thế nên, vấn đề là cách chúng ta tận dụng cơ hội đó như thế nào cho hiệu quả nhất. Trước giờ chúng ta có tâm lý thấy có thị trường thì chạy đi nuôi, trồng. Cách làm này hiệu quả không cao và còn có nhiều hệ lụy. Câu chuyện thanh long hiện nay là một ví dụ. Do đó, từ hạt gạo tới con tôm, cá, rau quả VN tận dụng cơ hội tốt nhất bằng cách bám cho thật chắc phân khúc thị trường của mình. Tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp VN, thận trọng: Năm nay những nước trồng và tiêu thụ nhiều gạo nhất thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc cũng trúng mùa sản lượng cao. Thế nên với các loại nông sản nói chung, chúng ta cần căn cứ vào giá bán ra mà không nên tập trung vào sản lượng.
Chi phí đè lợi nhuận của nông dân
Người nông dân trồng lúa xuất khẩu cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tại ĐBSCL, hiện đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, giá lúa thường tại ruộng đang dao động từ 5.500 – 5.600 đồng/kg, lúa tại kho từ 6.500 – 6.900 đồng/kg. Năm nay lúa trúng mùa, giá đang tăng nhẹ và duy trì ở mức khá. Thế nhưng, các DN xuất khẩu gạo VN lại lo nông dân bỏ lúa vì trúng mùa trúng giá mà lợi nhuận không có. Ông Bình giải thích gần đây xăng dầu tăng giá mạnh, giá vật tư nông nghiệp cũng tăng nên không tăng giá thu mua sẽ không mua được hàng. Thế nhưng, dù DN có tăng giá mua thì theo ông Đôn, “nông dân vẫn không có lời. Lý do phân bón, vật tư nông nghiệp… tăng giá gần gấp đôi. Nông dân làm ra bao nhiêu vật tư ăn hết. Kiểu này riết chắc không ai làm lúa nữa”.
Vì thế, an ninh lương thực không chỉ là lúa gạo hay lúa mì nằm trong kho mà còn nằm trong “sức dân”, đặc biệt là nông dân. “Phải kiềm chế lạm phát và bảo đảm sinh kế cho người dân, được hưởng lợi từ chính công sức lao động trên mảnh vườn thửa ruộng của mình. Đó mới là chiến lược an ninh lương thực bền vững”, ông Hiệp nói.
Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Hồi tháng 2, giá thức ăn chăn nuôi mới tăng thêm 300 đồng/kg, đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay và là lần thứ 11 kể từ năm 2021. Trước đó cám cho heo thịt chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nay đã tới gần 15.000 đồng/kg. Với giá thức ăn và giá thịt hiện tại, người nuôi heo và nuôi gà lỗ bình quân 300.000 – 400.000 đồng/tạ heo thịt. Giá nguyên liệu tăng là xu hướng chung của thế giới, nhưng người chăn nuôi đã gánh lỗ 2 năm nay rồi mà chưa có giải pháp nào. Trong khi trước đó, giá heo tăng thì bị “điều hành” đưa xuống. Điều này làm thị trường méo mó và không công bằng với người chăn nuôi.
CHÍ NHÂN
TNO