24/12/2024

Có dễ loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an như Anh đề xuất?

Có dễ loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an như Anh đề xuất?

Nước Anh đã kêu gọi “trục xuất” Nga ra khỏi Hội đồng Bảo an, trong bối cảnh cơ quan này bị chỉ trích vì không thể hiện được vai trò như nhiều người mong đợi trong cuộc xung đột Ukraine. Liệu thực tế có dễ như lời kêu gọi?

 

 

Có dễ loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an như Anh đề xuất? - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi phát biểu trong cuộc họp khẩn của HĐBA ngày 4-3, sau khi xảy ra giao tranh ở Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia của Ukraine – Ảnh: REUTERS

Câu hỏi về vai trò của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) một lần nữa nổi lên khi cơ quan này chuẩn bị cho hai phiên họp về viện trợ nhân đạo cho Ukraine ngày 7-3.

Trước đó HĐBA đã có 5 cuộc họp kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine (ngày 24-2) với đầy những tranh cãi, cáo buộc và lên án qua lại.

Những người bên ngoài tòa nhà hình cuốn sách ở thành phố New York (Mỹ) đang hoài nghi và thất vọng trước những gì HĐBA đã thể hiện trong hơn 2 tuần qua trước vấn đề Ukraine.

Song bên trong trụ sở của LHQ, một số người trong cuộc vẫn tin rằng điều mà họ đang làm không phải là vô ích. Nói như đại sứ Liên minh châu Âu tại LHQ, Olof Skoog, kể cả khi biết trước kết quả sẽ không đi đến đâu, việc nói ra tình hình cũng là một việc có giá trị.

“Gây áp lực” là điều mà đại diện một số nước HĐBA đã nói với AFP khi được hỏi về mục tiêu của các cuộc họp. Một số nước đã “tranh nhau” để triệu tập các phiên họp về Ukraine, theo AFP.

Mỹ và Albania đã cùng nhau triệu tập cuộc họp đầu tiên về cuộc xung đột. Pháp và Mexico cũng đang thúc đẩy một nghị quyết liên quan Ukraine ở HĐBA.

Với tư cách là 1 trong 5 nước thường trực HĐBA, Nga có quyền phủ quyết bất cứ tuyên bố hay nghị quyết nào được đưa ra bỏ phiếu. Điều này đã từng xảy ra hôm 26-2 khi Mỹ trình dự thảo nghị quyết lên án Nga tấn công Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây nói rằng việc trục xuất Nga khỏi HĐBA là một trong những “lựa chọn”. Nhưng trên thực tế, một nhà ngoại giao tiết lộ đây sẽ không bao giờ là chuyện có thể xảy ra.

Theo Hiến chương LHQ, không thể phế truất 1 trong 5 thành viên thường trực HĐBA hay nói cách khác, đặc quyền phủ quyết của các nước này được duy trì vĩnh viễn.

Điều 27 quy định một thành viên HĐBA sẽ không bỏ phiếu khi là đương sự trong một vấn đề tranh cãi có bỏ phiếu. Trong thực tế, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, theo AFP.

Nga chưa bao giờ bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu liên quan Syria và đã thực hiện quyền phủ quyết khoảng 15 lần trong 10 năm qua. Tương tự như vậy, Mỹ hoặc Anh đã phủ quyết với các vấn đề liên quan Iraq, Pháp đối với Mali hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đối với Yemen.

Năm 1974, các nước thúc giục HĐBA loại Nam Phi khỏi LHQ. Nghị quyết về việc này tại HĐBA nhận được 10 phiếu thuận nhưng 3 nước thường trực là Anh, Pháp và Mỹ đã phủ quyết nên Nam Phi không bị khai trừ, theo AFP.

Điều 6 của Hiến chương LHQ nói rằng khi một thành viên “liên tục vi phạm các nguyên tắc” của văn kiện, thành viên đó “có thể bị Đại hội đồng khai trừ khỏi tổ chức theo khuyến nghị của HĐBA”.

Vấn đề nằm ở chính chỗ này: nước Nga sẽ không bao giờ đề nghị tự trục xuất mình trước Đại hội đồng 193 thành viên và sẽ ngăn chặn bất kỳ đề xuất nào từ nước khác tại HĐBA.

LHQ vẫn đang cố gắng giảm thiểu tối đa hậu quả cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài Đại hội đồng và HĐBA, tổ chức này đang triển khai các cơ quan khác vào cuộc song song với các vận động hậu trường của Tổng thư ký Antonio Guterres.

Cơ quan về vấn đề nhân đạo của LHQ OCHA, cơ quan tị nạn UNHCR và Chương trình Lương thực thế giới đã tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Hội đồng Nhân quyền gần đây đã có phiên bỏ phiếu lịch sử, ủng hộ việc thành lập một ủy ban quốc tế điều tra về các vụ lạm dụng và vi phạm nhân quyền ở Ukraine.

BẢO DUY
TTO