24/12/2024

Xoá ùn tắc nông sản bằng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc

Xoá ùn tắc nông sản bằng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc

Trước đánh giá nền sản xuất nông nghiệp ‘mù mờ’, buôn chuyến nhiều hơn của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều đại biểu nhận định cần đẩy nhanh chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

 

 

Xóa ùn tắc nông sản bằng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” – Ảnh: VGP

Chiều 4-3, tại tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, bà Đoàn Thu Hà – phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – cho hay từ sau Tết Nguyên đán, việc ùn ứ nông sản đã xuất hiện trở lại.

Đến sáng nay 4-3, lượng xe chờ thông quan là 1.400 xe, gồm 800 xe chở nông sản nên đang tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi qua Lạng Sơn đến 15-3.

Tuy nhiên, dự báo lượng xe sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới vì đang vào chính vụ thu hoạch, tiêu thụ nội địa chưa nhiều, nên vẫn chuyển lên cửa khẩu khiến tình hình ùn ứ vẫn tiếp diễn.

Tỉnh đã thiết lập vùng xanh ở khu biên giới, nhưng do tiêu chí, điều kiện y tế hai nước khác nhau, ảnh hưởng hiệu suất thông quan, nên bà Hà đề nghị cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, tăng chế biến để giảm thiệt hại.

Bên cạnh các yếu tố khách quan như Trung Quốc áp dụng các chính sách quản lý chặt chẽ dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng “nền kinh tế nông nghiệp rất mù mờ, không đi vào quỹ đạo”.

“Gần như ta đi buôn chuyến nhiều hơn, chưa có bài toán kết nối cung cầu, thả nổi trên nền kinh tế thị trường. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi của thị trường” – ông Hoan nói và cho rằng phải có lộ trình và hành động rõ ràng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần thời gian dài mới thay đổi được cách thức kinh doanh từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Do mỗi hình thức có nhu cầu khách hàng riêng, trong khi để tiếp cận thị trường chính ngạch rất khó khăn nên cần phải có biện pháp hỗ trợ tích cực doanh nghiệp.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch. Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Thực tế, hiện nay thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, khi đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

Ông Phan Văn Chinh – cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương – cho hay việc xuất khẩu qua trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) vẫn được duy trì do nhu cầu từ cả hai phía cũng như chính sách hoàn thuế của nước bạn.

Do đó, để nâng cấp từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, cần phải có sản phẩm phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, quy định của thị trường, đàm phán với nước bạn để công nhận về sản phẩm. Gắn với cách thức tổ chức xuất khẩu thêm qua đường sắt để giảm bớt cho đường bộ, đường thủy, tận dụng hiệu quả các FTA.

Tuy nhiên, trước hết để giải quyết bài toán ùn tắc xuất khẩu qua tiểu ngạch, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay đã đề xuất với các tỉnh biên giới nhằm xây dựng các khu trung chuyển đa năng để nhà nhập khẩu tuyển chọn, sơ chế, đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch sau đó xuất khẩu qua nước bạn nhằm chủ động hơn. Bộ trưởng nói sẽ xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm tuần sau bộ sẽ chủ trì họp với các bên liên quan để xây dựng phương án chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc, từ đó tổ chức sản xuất, tổ chức giao thương hàng hóa, củng cố các liên quan sản xuất xuất khẩu… nhằm nâng cao hiệu quả hơn.

Đồng thời, ông khẳng định sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của ta để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.

N.AN
TTO