23/01/2025

Khi ‘sóng F0’ xô đến lớp

Khi ‘sóng F0’ xô đến lớp

Một năm học lạ lùng, thầy trò biết nhau qua màn hình, chào nhau sau khẩu trang. Thầy cô, học trò và phụ huynh cùng nhau lướt qua cơn sóng F0. Chưa bao giờ sự học và sức khoẻ của học trò được chăm sóc kỹ như lúc này.

 

Khi sóng F0 xô đến lớp - Ảnh 1.

Cô giáo mắc COVID-19 nên em D.K. (học sinh lớp 5, quận 3, TP.HCM) ở nhà học trực tuyến sáng 2-3 – Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày cuối tuần, hai phụ huynh gửi vào nhóm Zalo của lớp, anh báo tin con có triệu chứng, nhà có F0, hiện đang âm tính nhưng bạn nào có tiếp xúc gần cần theo dõi sức khỏe.

Nhiều phụ huynh nhắn tin thăm hỏi, có người mang thuốc và nước súc miệng đến tặng bạn của con, người có điều kiện tặng bạn của con những bộ xét nghiệm nhà mình đang có nhiều để phụ huynh trong lớp đỡ đôn đáo chạy tìm mua.

Trẻ tiểu học chưa tiêm, nhiều nhà còn có em nhỏ tuổi mẫu giáo, không lo sao được! Đó là chuyện của tuần trước.

Sang tuần mới có ít nhất bốn bạn “hai vạch” đã được thông báo. Có bạn F1 (ngồi gần, ngủ cạnh, chơi chung) xin nghỉ ở nhà cũng thông báo ngay khi con có triệu chứng.

Cô giáo khuyến khích phụ huynh thông tin sớm nhất mọi bất ổn vì sức khỏe cả lớp và gia đình. Có phụ huynh nhà bán thuốc tây hỗ trợ bạn thuốc, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.

Mọi giải pháp mở ra, hết sức linh hoạt. Cô bảo mẫu sát khuẩn lau dọn liên tục, giữ sạch nhất có thể không gian của trẻ mỗi ngày, phun sát khuẩn vào tận hộc bàn sau giờ học (ở các lớp có học sinh nóng sốt).

Thầy cô tiểu học vừa dạy trực tiếp vừa dạy online buổi tối hoặc gửi học trò lớp mình vào phòng học online của thầy cô các lớp phải học trực tuyến. Bài tập thầy cô chấm trực tiếp và cả online.

Chưa bao giờ sự học và sức khỏe của trẻ được chăm lo nhiều đến vậy! Và vì thế, thầy cô tất bật giữa bao nhiêu việc phát sinh.

Có những phụ huynh tiểu học nhất quyết “tôi dạy con tôi được” nên vẫn chưa cho con đến lớp và cô chủ nhiệm phải chịu khó hằng ngày gửi bài học, bài tập cho tất cả những học trò không đến lớp.

Vừa dạy trò ở lớp vừa tranh thủ trao đổi với phụ huynh qua nhóm Zalo. Có khi cô giáo còn tình nguyện đến nhà kèm riêng cho những trò mất bài do nghỉ bệnh.

Hẳn nhiên, không có giải pháp nào có thể hài lòng tất cả nhu cầu và sự lựa chọn của phụ huynh, chưa kể rất nhiều học trò có hoàn cảnh đặc biệt.

Tình hình F0 từng lớp được cập nhật liên tục, đón các bạn F0 tuần trước trở lại lớp đồng thời lo sức khỏe cho những bạn đang có triệu chứng hôm nay. Thầy cô trung học, tiết 1 dạy trực tiếp trên lớp, tiết 2 có thể chuyển qua dạy online với lớp khác… cũng là chuyện hằng ngày.

Tất cả vì mong muốn tạo cho con trẻ môi trường học tập an toàn hơn và hiệu quả hơn trong điều kiện hiện tại.

Phòng y tế nhà trường chưa bao giờ bận rộn như bây giờ, thầy cô đứng lớp (và cả các cô bảo mẫu) đều phải thành thạo hơn trong hoạt động phòng dịch và xử lý mọi tình huống liên quan dịch bệnh hằng ngày, từ lớp học đến nơi ăn chốn ngủ.

Mỗi ngày lại thêm những bài học cho trẻ, từ chuyện vệ sinh phòng bệnh đến phương pháp học tập trong những ngày đặc biệt này.

Không thể tránh được những sơ suất, không thống nhất xử lý phòng dịch ở mỗi lớp, mỗi trường bởi đâu ai biết F0 nơi nào mà né.

Đi qua những ngày chưa từng có này cũng là một trải nghiệm với học trò. Và để con trẻ đến trường học tốt và khỏe mạnh lướt qua “những con sóng F0” rất cần sự bình tâm, chia sẻ và cùng hỗ trợ nhau của phụ huynh từng lớp.

Thầy cô cũng đuối

Cách đây mấy hôm, con tôi chưa đầy 2 tuổi bị sốt nên đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Kết quả khám sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2. Rất nhiều trẻ em đến khám tại đây cho kết quả dương tính, gia đình được yêu cầu phân luồng đi khám bệnh ở nơi dành cho các ca nghi nhiễm.

Trước đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, khám dịch vụ sau giờ hành chính rất nhanh, nay khu khám dịch vụ quá đông. Gia đình tôi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt. Các bác sĩ khám rất kỹ, lưu ý cụ thể, điều dưỡng dặn dò chi tiết nên rất lâu.

Tôi là giáo viên một trường THCS, những ngày này ngoài dạy học còn lo thêm việc theo sát tình hình sức khỏe của học sinh, theo dõi diễn biến các ca dương tính và các bạn tiếp xúc gần. Mỗi lớp hiện nay ít cũng một vài ca, nhiều thì từ 5 – 7 ca dương tính gần như cùng thời điểm.

Giáo viên vừa lo cho học sinh không bị lây nhiễm để theo học bài đầy đủ, vừa đảm bảo an toàn trước sự lo lắng của phụ huynh, vừa giữ mình không bị lây nhiễm. Các trường học đang gặp khó khi thầy cô cũng dương tính khá nhiều, phải điều chuyển giáo viên trợ giúp lẫn nhau.

Một trường hợp gây khó khăn cho nhà trường hiện nay, mà các cơ sở y tế chưa tính tới, đó là các bạn học sinh có ba mẹ đi làm xa, xảy ra sự cố như ho, sốt, khó thở ở mức độ cao… cần ba mẹ có mặt kịp thời xử lý đưa về nhà hoặc đưa đi bệnh viện, phụ huynh không đến nhanh được. Các trạm y tế cũng ít người và các anh chị ở trạm rất bận rộn nhiều việc khác nhau.

Những ngày này, mong phụ huynh hãy cảm thông cho giáo viên. Họ đang chèo chống xử lý mọi tình huống, lo cho cả gia đình và lo cho mấy mươi đứa con ở trường chứ không riêng việc dạy học như bình thường nữa.

MINH QUÂN (TP Thủ Đức, TP.HCM)

PHƯƠNG NGA
TTO