23/01/2025

Bối cảnh mới cho đàm phán Nga – Ukraine

Bối cảnh mới cho đàm phán Nga – Ukraine

Trước cuộc đàm phán vòng 2 giữa Nga và Ukraine, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện từ cả trên thực địa lẫn bên ngoài Ukraine: quân đội Nga kiểm soát thêm một số thành phố trong khi phương Tây dính líu nhiều hơn vào xung đột.

 

 

Bối cảnh mới cho đàm phán Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Nguồn: New York Times, Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) – Việt hóa: Duy Linh – Đồ họa: TUẤN ANH

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ngày 2 và 3-3, ngoại trưởng Mỹ và Pháp kêu gọi giải pháp ngoại giao nhưng theo hướng Nga phải là bên nhượng bộ trước. Vòng đàm phán thứ hai vốn dự kiến vào ngày 2-3 đã bị trì hoãn.

Nga kiểm soát thêm đất

Thành phố Kherson nằm ở phía nam Ukraine và gần bán đảo Crimea đã nằm trong sự kiểm soát của quân đội Nga ngày 2-3 (giờ địa phương). Theo truyền thông Nga và phương Tây, thông tin Kherson thất thủ được cả giới chức Nga lẫn Ukraine xác nhận trong rạng sáng 3-3.

Như vậy, hiện Nga đã thiết lập được một vùng đệm ở phía bắc bán đảo Crimea, nơi tập trung các căn cứ hải quân và không quân quan trọng của nước này.

Cùng với Kiev ở phía bắc, Kharkov ở miền đông, thành phố Mariupol đang là một trong những nơi chứng kiến giao tranh và giằng co giữa lực lượng Nga và Ukraine. Nếu kiểm soát được Mariupol, Nga và lực lượng ly khai Ukraine sẽ kiểm soát dải đất nối liền lãnh thổ chính của Nga với bán đảo Crimea.

Quân đội Nga đã nhiều lần nhấn mạnh không chiếm đóng các thành phố Ukraine và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu chính, như Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, là bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa từ phương Tây.

Ở chiều ngược lại, một số chính trị gia phương Tây – trong đó có Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian – cho rằng Nga đang áp dụng chiến thuật bao vây để làm giảm ý chí chiến đấu và sức kháng cự của Ukraine. Ông Le Drian cũng cho rằng có lý do để lo ngại cho những ngày tới nếu Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Phương Tây gửi thêm vũ khí

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục động viên binh sĩ sau tin thất thủ Kherson. Trong thông điệp ngày 3-3 trên Telegram, ông Zelensky tiết lộ có đến “16.000 tình nguyện viên quốc tế” sắp sửa đến Ukraine và nước này đang nhận được nhiều vũ khí hơn từ phương Tây.

Lãnh đạo Ukraine khẳng định việc Nga thay đổi chiến thuật và pháo kích vào các thành phố chứng tỏ Ukraine đã thành công trong việc làm thất bại chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh của Nga. “Chúng ta sẽ xây lại từng ngôi nhà, từng con phố và từng thành phố”, Tổng thống Zelensky động viên người dân và tuyên bố sẽ yêu cầu Nga chi trả cho mọi chi phí tái thiết đất nước.

Các nước châu Âu đã có một số động thái ủng hộ Kiev. Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên thông qua nghị quyết cung cấp vũ khí cho một quốc gia đang trong xung đột. Sau khi đã gửi hơn 1.500 súng chống tăng và súng phòng không vác vai, ngày 3-3 Đức gửi thêm hơn 2.700 khẩu súng Strela cho Ukraine.

Tây Ban Nha thông báo gửi 1.370 súng chống tăng, 700.000 súng trường và súng máy hạng nhẹ cho Ukraine. Mỹ cũng nói sẽ tiếp tục gửi vũ khí phòng thủ quan trọng cho Kiev và kêu gọi Nga rút quân trước, thể hiện thiện chí theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga và nước ngoài ngày 3-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định giải pháp cho cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ có và những yêu cầu của Nga đều đã được nói rõ trong cuộc đàm phán đầu tiên với Ukraine hôm 28-2.

Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng việc phái đoàn Ukraine trì hoãn đàm phán vòng 2, vốn dự kiến diễn ra ngày 2-3, là do có sự can thiệp từ Mỹ.

Nga và Ukraine đàm phán vòng 2

Theo Hãng tin Reuters lúc 21h58 ngày 3-3, cố vấn của tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán thứ 2 của Nga và Ukraine bắt đầu.

Davyd Arakhamia, nhà đàm phán của Ukraine, cho biết nghị trình của Ukraine là đồng ý với một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường rời khỏi các cộng đồng tiền tuyến.

Trước khi khởi hành đến địa điểm đàm phán tại Belarus, ông xác nhận mục tiêu tối thiểu là đồng thuận về vấn đề hành lang nhân đạo, còn đạt được các mục tiêu khác là tùy điều kiện.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, phía Nga yêu cầu Ukraine phải phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, công nhận hai vùng ly khai ở miền đông là Donetsk và Lugansk cũng như từ bỏ yêu cầu Nga trả lại bán đảo Crimea, cam kết không gia nhập các khối chống Nga, cụ thể là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Nga cho rằng yêu cầu của mình là “tối thiểu”.

HỒNG VÂN

DUY LINH
TTO