22/01/2025

Xoay xở dạy học khi bùng phát F0

Xoay xở dạy học khi bùng phát F0

Học sinh và giáo viên là F0 tăng mỗi ngày là lý do khiến hàng loạt trường học ở Hà Nội hoặc phải đóng cửa hoặc cố cầm cự trong những ngày qua.

 

 

Cấp độ dịch tăng, trường học bị ảnh hưởng

Sau 2 tuần liên tiếp không có vùng cam (cấp độ 3, nguy cơ cao), tuần này Hà Nội đã ghi nhận 74 phường, xã ở cấp độ 3. Những địa bàn vùng cam trải rộng ở 23/30 quận, huyện của TP. Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra thông báo các trường trên địa bàn vùng cam thì cho HS tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy, học trực tuyến từ ngày 28.2. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm trường học sẽ phải đóng cửa.

Xoay xở dạy học khi bùng phát F0 - ảnh 1
Học sinh Hà Nội trở lại trường học trong thời điểm số ca F0 tăng mạnh  NGỌC THẮNG

Hà Nội cũng đã cho học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành dừng đến trường từ 28.2. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng HS từ 5 – 11 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin dẫn đến việc cha mẹ lo lắng khi con đến trường. Đến hết ngày 25.2, số lớp từ 1 – 6 ở 18 huyện, thị phải ngừng dạy trực tiếp, chuyển sang trực tuyến là 5.199/11.501, chiếm tỷ lệ 45,2%; số lớp đang dạy trực tiếp là 6.302/11.501, tỷ lệ HS tham gia học trực tiếp đạt 48,91%.

Bên cạnh đó, một số trường tuy không ở địa bàn có cấp độ dịch căng thẳng nhưng số HS và giáo viên (GV) là F0 tăng nên buộc phải chuyển sang học trực tuyến.

Duy trì hay đóng cửa ?

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cho biết đến thời điểm này số GV THCS của quận mắc Covid-19 đã chiếm hơn một nửa, bao gồm cả số đã âm tính trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn 65/380 GV THCS đang điều trị. Nguyên tắc là các thầy cô F0 được nghỉ ngơi điều trị nhưng do thiếu GV nên một số trường cũng động viên những trường hợp không có triệu chứng hoặc đủ sức khỏe thì tham gia các giờ dạy trực tuyến để việc học của HS không bị gián đoạn.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này các trường THCS trên địa bàn quận vẫn duy trì dạy học trực tiếp cho HS khối 7 – 12 với tỷ lệ khác nhau ở từng trường, chưa có trường nào phải nghỉ do HS và GV mắc Covid-19 quá nhiều; chỉ có 1 trường chuyển sang dạy học trực tuyến do đóng trên địa bàn dịch ở cấp độ 3.

Trên thực tế cũng có một số trường tỏ ra linh hoạt khi cho từng lớp khảo sát ý kiến phụ huynh và quyết định hình thức dạy học trong một vài tuần khi tình hình dịch căng thẳng.

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có gần 40/76 lớp từ lớp 7 – 12 có F0 và chuyển sang học trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường cho hay lẽ ra không phải tất cả các lớp có F0 đều dừng đến trường, nhưng phụ huynh các lớp đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho cả lớp học trực tuyến và được nhà trường chấp thuận.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết việc tổ chức dạy và học khi cả HS và GV là F0 ngày càng tăng như hiện nay là rất vất vả. Trường có khoảng 20/40 lớp có tỷ lệ HS ở nhà nhiều hơn đến trường. Ban giám hiệu trường quy định lớp nào có trên 50% HS là F0 và F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Theo bà Nhiếp, duy trì dạy trực tiếp khi chỉ vài em đến lớp là cách làm máy móc, không hiệu quả. Chưa kể nhiều trường không còn đủ GV đứng lớp.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Q.Ba Đình), cho hay trường có khoảng 1/3 GV và HS là F0. Tuy nhiên, nếu số F0 ở GV tăng lên 50% thì phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn vì có duy trì dạy trực tiếp cũng không khả thi và hiệu quả. Sở GD-ĐT nên giao quyền chủ động cho các trường dựa vào tình hình thực tế.

Phát biểu tại cuộc họp mới đây về dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Một số địa phương đưa ra khẩu hiệu chỉ có 1 HS đến lớp vẫn mở cửa lớp. Có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng có hiệu quả, đó là sự khẳng định cho một thái độ. Có một vài em gia đình không thể trông nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác”. Ông Sơn cũng khẳng định khó có thể có một phương án toàn diện đáp ứng mọi điều kiện, do đó trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương nhưng việc đưa HS trở lại trường học là kiên định, nhất quán.

 

TUỆ NGUYỄN

TNO