Vì sao thế hệ Gen Z thích học ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn?
Vì sao thế hệ Gen Z thích học ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn?
Dù dịch Covid-19 tác động lớn đến dịch vụ du lịch, khách sạn nhưng ngành này vẫn thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2021, tỷ lệ đăng ký NV1/ chỉ tiêu cho thấy, những ngành “hot” nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất là: an ninh Quốc phòng (566,82%); báo chí và thông tin (311,65%); nghệ thuật 210,7%); Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%); Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Ngành dịch vụ du lịch, khách sạn vẫn thu hút sự quan tâm của thí sinh C.T.V |
Như vậy, dù có những biến động vì dịch Covid-19, ngành dịch vụ du lịch, khách sạn vẫn thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng-khách sạn thay đổi ra sao?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 1.3, các chuyên gia cung cấp cho thí sinh những thông tin cụ thể và hết sức cần thiết, về ngành học này khi cuộc sống dần trở lại bình thường.
Ngành du lịch xếp thứ 4 trong những ngành “hot” nhất
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân |
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết: “2021 là năm thứ 2 của đại dịch, các trường bị nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, một điều bất ngờ là nhóm ngành du lịch xếp thứ 4 trong những ngành “hot” nhất. Điều này hết sức bình thường vì đại dịch xuất hiện bất ngờ, dẫn đến không may cho những bạn tốt nghiệp trong năm 2020 – 2021, vì các ngành đều ngưng lại”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hải, đến nay cả thế giới đang bắt đầu cuộc sống bình thường mới và với dự báo cũng như các chính sách chiến lược hiện nay thì các em nên yên tâm khi chọn ngành nghề cho 3 – 4 năm sau.
“Sự phân cấp về ngành nghề trong du lịch là rất lớn, có những dịch vụ chất lượng cao cũng trong du lịch. Với mỗi lĩnh vực như vậy thì yêu cầu về thái độ, kinh nghiệm và kiến thức cũng rất quan trọng và khác nhau, vì thế mà các em khi lựa chọn ngành nghề cũng nên cân nhắc, chẳng hạn khách sạn, lữ hành…thì sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau. Khi cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn thì nhu cầu du lịch sẽ ngày càng được quan tâm, sẽ là điều kiện để ngành này phát triển”, ông Hải lưu ý.
Theo ông Hải, trong giai đoạn dịch, nhiều ngành phải tạm dừng, thiệt hại của ngành du lịch là rất lớn. “Cơ hội cho anh này lại là thách thức cho anh kia như ngành y dược hay công nghệ thông tin thì phát triển. Tuy nhiên, khi trở lại trạng thái bình thường mới như hiện nay thì chắc chắn du lịch sẽ phát triển trở lại”, ông Hải nói.
Tiến sĩ Hải dự báo xu hướng du lịch sẽ quay trở lại theo từng bước, lộ trình như du lịch an toàn, du lịch khách nội địa hay các nhóm nhỏ gia đình… với những thay đổi như vậy thì ngành du lịch sẽ phát triển và đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các em bây giờ đăng ký học và 3 – 4 năm sau ra trường. Ông Hải nói thêm nhân lực du lịch phải ngày càng tăng lên chứ không thể thay thế bằng máy móc và ngành này khó thay thế bằng máy móc nên người làm du lịch cũng cần nhiều kỹ năng.
“Thí sinh cần lưu ý vấn đề về ngôn ngữ. Học ngành du lịch thì phải giỏi ít nhất một ngôn ngữ khác, giao tiếp một cách thành thạo với ngôn ngữ đó. Thì dù việc làm có thể nhiều như thế nào, nhân lực đang thiếu như thế nào nhưng nếu không giỏi được ít nhất 1 ngôn ngữ nào khác thì cũng khó mà có được việc làm. Ngoại giao, ngoại ngữ và ngoại hình (ở một số vị trí đặc thù trong ngành nghề này), nếu thỏa mãn được 3 điều này thì sinh viên ra trường không phải lo lắng về vấn đề tìm việc làm“, ông Hải lưu ý.
Vì sao thế hệ Gen Z thích ngành học này?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn |
“Tại sao các bạn Gen Z (năm sinh từ 1997 – 2012) thích ngành học này? Bởi ngành học này giúp các bạn có nhiều trải nghiệm, nhưng đòi hỏi nhiều kỹ năng: phục vụ, yêu thích công việc, giao tiếp, xử lý tình huống… Vào thời điểm năm 2020 – 2021, chúng tôi dự đoán trong khoảng 1 năm, tình hình dịch Covid-19 sẽ ổn nhưng thực tế là mất tròn 3 năm, làm ảnh hưởng đến sinh viên năm 4 sắp ra trường. Bên cạnh đó, đại dịch là thử thách sự kiên nhẫn, chịu đựng của các bạn, nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng ngành du lịch dịch vụ ảnh hưởng nhiều hơn. Các bạn cần tính toán kỹ trước khi học ngành này”, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ.
“Ngành dịch vụ du lịch nhà hàng – khách sạn là ngành kinh tế không khói, có nhiều lợi nhuận nên sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng có thể khởi nghiệp với du lịch bằng homestay, dịch vụ lạ. Trước người ta đi khách sạn 3, 4, 5 sao, bây giờ thì thích homestay gần núi, biển. Bây giờ thích đi dã ngoại gắn với thiên nhiên…”, ông Tư nói.
Dù vậy, ông Tư lưu ý thí sinh cần nhớ nguyên tắc đầu tiên khi học ngành này là phải chấp nhận những hy sinh so với các ngành nghề khác. “Nếu bạn không chịu khó, ngày lễ tết muốn nghỉ thì không được bởi vì ngành dịch vụ thì ngày lễ tết làm gấp đôi, gấp 3 lần. Để thích ứng, thì các bạn cần suy tính, bản tính con người mình, đam mê khát vọng của mình. Thí sinh không nhất thiết phải chọn những ngành mà nhiều người chọn, mà nên cân nhắc trên chính khát vọng, đam mê của mình”, ông Tư nói.
Ông Tư chia sẻ thêm: “Đợt bùng phát dịch vừa qua có thể được xem như là một đợt thanh lọc và chỉ những người đam mê thật sự mới có thể kiên trì theo đuổi nghề nghiệp, trong khi cũng có nhiều người bỏ ngang… Tuy nhiên, các bạn hãy tin rằng, sau đại dịch, người ta đi du lịch nhiều hơn, như sau Tết Nguyên đán vừa qua”.
Cần thích ứng với sự thay đổi, dịch chuyển nguồn nhân lực
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin-truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM |
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin-truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng hiện nay nếu như lên Google gõ cụm từ về các nhóm ngành du lịch dịch vụ thì câu mà các bạn thấy tìm kiếm nhiều nhất chính là làm thế nào để đáp ứng nguồn nhân lực sau đại dịch. Điều này cho thấy tình hình và sự dịch chuyển nguồn nhân lực, các nhóm ngành đào tạo hiện nay…
“Trước đây các bạn đi du lịch không cần đắn đo gì nhiều, cứ thích là đi, nhưng bây giờ cân nhắc nhiều thứ. Do đó, đây cũng là vấn đề các bạn cần cân nhắc. Khi lựa chọn ngành nghề này thì các bạn cũng cần những kỹ năng, cần kiến thức để thích ứng với sự thay đổi. Bây giờ là du lịch an toàn, du lịch gần gũi. Sự linh động của người làm du lịch cũng cần thiết, nên các trường cũng sẽ linh động để thay đổi cách đào tạo để các bạn thấy được ngành nghề này không đứng yên một chỗ và sinh viên cần tố chất linh động, thích ứng khi ra trường đi làm. Các bạn là những người trẻ, thích ứng khá nhanh, nên các bạn sẽ làm tốt được việc này để thích ứng và phát triển”, thạc sĩ Bích nói.
Cơ hội phát triển ngành du lịch
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành |
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Ở góc nhìn của tôi, rõ ràng chúng ta có thể định lượng những thiệt hại của ngành du lịch vì đại dịch, 1,1 nghìn tỉ USD thiệt hại khắp toàn cầu vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sự lựa chọn của thí sinh không bị ảnh hưởng. Sự lựa chọn ngành nghề được khẳng định xuất phát từ bản lĩnh của người trẻ. Riêng ngành du lịch dịch vụ của ĐH Nguyễn Tất Thành hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2020, 2021, theo tiến sĩ Lưu.
Bên cạnh đó, ông Lưu dẫn lại các số liệu cho thấy, trong năm 2019, lĩnh vực du lịch đóng góp 9,2% GDP ở Việt Nam và mới đây chính phủ có cơ chế đào tạo đặc thù cho ngành này, ưu tiên phát triển du lịch, kỳ vọng đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp 15-17% GDP. “Chúng tôi cũng muốn khẳng định, sự lựa chọn hôm nay là cơ hội việc làm từ ngày mai. Vừa rồi, chúng ta kiểm soát dịch tốt, môi trường bình thường mới đang trước mắt chúng ta, cơ hội phát triển ngành du lịch tới thời vàng son trong quá khứ”, ông Lưu chia sẻ.
Cơ hội việc làm
Thí sinh đặt câu hỏi về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành du lịch, dịch vụ, thạc sĩ Cao Quảng Tư đáp: “Ngành học nào cũng luôn có cơ hội cho các bạn. Cơ hội trong tay các bạn, các bạn có thể biến nguy thành cơ như thế nào. Chẳng hạn, thời gian qua, chúng ta thấy ngành phát triển dụng cụ vật tư y tế rất phát triển. Trong dịch, chúng ta nghe thấy khái niệm du lịch số, du lịch tại gia, kết nối bằng phương tiện truyền thông, giúp người ta khám phá địa danh nào đó dù chỉ đang ở nhà, kết nối qua thiết bị công nghệ. Đây cũng là cơ hội của công nghệ. Vì thế, gần đây, nhiều bạn chuyển qua làm du lịch số, đưa video clip lên YouTube và có thu nhập”.
Bên cạnh đó, ông Tư lưu ý người làm trong ngành du lịch phải có trình độ ngoại ngữ tốt, có thể vừa dẫn đoàn khách nội địa, dẫn khách quốc tế. “Nhưng cũng có một số lưu ý: nếu bạn say xe thì khó mà làm được. Khi bạn học quản trị nhà hàng, khách sạn, bạn đam mê ẩm thực, muốn bày biện món ăn, tuy nhiên trước khi bày được thì bạn phải đứng trong bếp mà nấu được”, ông Tư nói.
Rồi ông Tư chia sẻ thêm: “Đi vào bếp của nhà hàng 5 sao, cái chảo nặng đến vài ký, bạn hất chảo đó trong cả tiếng đồng hồ thì vất vả vô cùng. Rồi lễ tân cũng đòi hỏi ngoại ngữ phải rất giỏi. Đối với ngành này, bạn cần vượt qua một số khó khăn, nhưng bạn cần biến nguy cơ thành cơ hội. Có thể lúc này bạn chưa làm được du lịch trực tiếp, nhưng tạm thời làm nghề tay trái, miễn là liên quan đến việc bạn học. Quan trọng là bản lĩnh bạn cần có. Công việc cho ngành du lịch nội địa không hiếm, đợt nghỉ lễ 30.4 – 1.5 sắp tới, con số người ta đi du lịch nội địa rất lớn, nếu dịch bệnh ổn định. Nghề này các bạn làm không chỉ 1 năm, 2 năm mà làm cả đời, hãy biết trong sự nghiệp có nốt thăng, nốt trầm”.
Những lưu ý về xét tuyển
Tiến sĩ Lưu cho hay: “Rõ ràng thương hiệu đào tạo của mỗi trường nói chung cho ngành dịch vụ, du lịch là cơ hội việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp… Bản thân các trường cần dựa trên nhu cầu việc làm trong thực tế để tuyển sinh. Thế mạnh của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là kết nối với doanh nghiệp, phối hợp từ khi xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, khi đi làm… Mỗi ngành nghề chúng ta theo, chúng ta cần nghiên cứu học hỏi ra sao, gắn kết với doanh nghiệp như thế nào… Các em nên chú ý học ngoại ngữ, phát triển kỹ năng, cần suy nghĩ nhiều hơn, trước khi học bất cứ ngành gì”.
Theo ông Lưu, năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục tuyển sinh chương trình Du lịch số và đây là năm 2 trường tuyển sinh ngành này. Phương thức tuyển sinh năm nay: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, dựa vào điểm học bạ 5 học kỳ hoặc 3 học kỳ, hoặc điểm trung bình lớp 12; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực; hoặc ưu tiên xét thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh có thể gửi hồ sơ trực tuyến, trực tiếp, các em nên gọi điện tới đường dây nóng của nhà trường, truy cập website của nhà trường để được biết thêm thông tin.
Về phía Trường ĐH Duy Tân Trong, tiến sĩ Hải cho biết hiện trường có 4 mã ngành trong nhóm lĩnh vực này, tất cả phương thức đều có mã. “Có một số ngành đào tạo chuyên ngành thì các em nên lưu ý phương thức xét tuyển phù hợp. Còn tất cả các phương thức xét tuyển riêng của các trường thì đều có mã ngành cho các chuyên ngành. Ngành du lịch dù cho các em chọn khối khoa học tự nhiên hay xã hội đều có các tổ hợp môn để chọn. Đối với khối ngành này thì nhà trường luôn đặt chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, gần 500 chỉ tiêu cho tất cả phương thức của khối ngành này”, ông Hải nói.
Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết: “Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có các nhóm ngành quản trị nhà hàng khách sạn; quản trị du lịch. Chúng tôi đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dựa vào điểm học bạ và có 100 suất học bổng với 30% học phí cho những bạn nộp hồ sơ sớm nhất”.
NỮ VƯƠNG – THUÝ HẰNG
TNO