23/01/2025

Trạm y tế linh động kê toa mua thuốc Molnupiravir

Trạm y tế linh động kê toa mua thuốc Molnupiravir

Mặc dù Sở Y tế TP.HCM nói đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế về việc mua thuốc Molnupiravir tại nhà thuốc nếu có đơn của bác sĩ và đề nghị nhà thuốc chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng hiện tại các trạm y tế vẫn linh động kê toa cho bệnh nhân có nhu cầu và nhà thuốc vẫn bán.

 

 

Vẫn kê toa cho bệnh nhân có nhu cầu, triệu chứng

Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện TP còn 36.000 liều Molnupiravir, người dân mắc Covid-19 (F0) ra trạm y tế (TYT) khai báo thì sẽ được cung cấp thuốc nếu có chỉ định. Ngày 1.3, Trưởng một TYT tại H.Bình Chánh cho PV Thanh Niên biết, hiện TYT này không còn liều Molnupiravir nào. Do đó, khi người dân có nhu cầu thì bác sĩ ở TYT vẫn kê toa cho người dân ra ngoài mua để uống nhưng với điều kiện phải test nhanh hoặc PCR dương tính và phải có triệu chứng từ nhẹ trở lên.

Trạm y tế linh động kê toa mua thuốc Molnupiravir - ảnh 1
Mua thuốc Molnupiravir tại TP.HCM  NGỌC DƯƠNG

Trưởng một TYT tại Q.7 cũng cho biết không còn Molnupiravir nên cũng kê toa cho F0 ra ngoài mua. Tuy nhiên, TP.HCM có chỉ đạo chờ hướng dẫn của Bộ Y tế nên trạm tạm thời ngưng kê toa cho F0.

Còn trưởng một TYT tại Q.3 cũng cho hay nơi này chỉ còn vài liều Molnupiravir, nhưng để cấp cho F0 thuộc nhóm nguy cơ trên 50 tuổi. Những đối tượng còn lại khi có nhu cầu sử dụng thì TYT sẽ cấp toa thuốc ra nhà thuốc mua. Đại diện các TYT nói trên cũng cho biết đang chờ phân bổ thuốc Molnupiravir về.

Trạm y tế linh động kê toa mua thuốc Molnupiravir - ảnh 2
Một người dân (ở TP.HCM) mua cả chục hộp Molnupiravir cho người thân mà không cần giấy tờ gì  D.T

Đại diện hệ thống nhà thuốc Long Châu cũng cho PV Thanh Niên biết, thực tế nhu cầu sử dụng Molnupiravir rất cao, nhưng không phải ai ra hệ thống nhà thuốc này mua cũng đều được bán. Để mua được thuốc Molnupiravir, bệnh nhân (BN) cần 1 trong 3 điều kiện: Có toa bác sĩ (ưu tiên), có quyết định cách ly hoặc giấy test nhanh (hoặc PCR) dương tính. Những F0 nào không đủ 3 điều kiện này thì hệ thống nhà thuốc linh động cho F0 tự quay clip test có kết quả 2 vạch và mang ra nhà thuốc thì vẫn được mua. Có tỉnh, sở y tế yêu cầu chỉ bán thuốc theo đơn thì hệ thống nhà thuốc này cũng chỉ bán theo đơn. Mỗi BN chỉ được mua 1 liều, nếu mua lần 2 mà gõ (kiểm tra) ra số điện thoại của BN đã mua lần trước thì hệ thống sẽ tự động chặn, không bán.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhà nước cung cấp toàn bộ thuốc. Nếu muốn là bệnh thông thường để người dân tự mua thuốc thì Bộ Y tế phải ban hành là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhưng khó có thể xuống nhóm B trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Thuốc Molnupiravir thì chỉ định điều trị cho nhóm người có triệu chứng, nếu người nào khai báo mà không có triệu chứng thì cũng chỉ hướng dẫn về theo dõi.

Trẻ em mắc Covid-19 tăng nhanh

Số trẻ em mắc Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng gia tăng, đã có trên 300 em nhập viện đang điều trị, nhưng chủ yếu triệu chứng nhẹ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, hiện BV này có 130 – 140 bệnh nhi và người nhà trong Khoa Covid-19, trong đó có 50% trẻ em là F0, số còn lại là bố mẹ đi theo (có người là F0, có người F1), nhưng đa số trẻ F0 có triệu chứng nhẹ, chỉ vài ca thở ô xy và 1 ca thở CPAP. Theo báo cáo của BV Nhi đồng 2, Khoa Covid-19 của BV này hiện có tổng cộng 184 ca, trong đó 140 ca F0 và 44 ca F1. Trong số F0 thì có 91 trẻ em (24 ca bệnh nền) và 49 là người lớn. Trong số trẻ em thì có 1 ca thở máy, 1 ca thở CPAP và 2 ca thở ô xy. Khoa Covid-19 BV Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho 68 ca, trong đó có 1 ca thở ô xy nhẹ.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, nhận định so với 3 tuần trước, số lượng trẻ mắc Covid-19 tăng nhanh; trẻ đến khám và test dương tính nhiều với các triệu chứng chính là sốt, ho, đau bụng và ói, nhưng nhập khoa điều trị 2 – 3 ngày là ổn và xuất viện. Điều đáng lưu ý là đa phần cả gia đình đều bị Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam cảnh báo đã có nhiều ca sử dụng kháng sinh và toa thuốc… trên mạng, nhiều trẻ uống kháng sinh, kháng viêm nhiều là sai hoàn toàn, làm cho tình trạng dương tính của trẻ kéo dài. Thuốc Molnupiravir chỉ sử dụng cho người lớn trên 18 tuổi và có triệu chứng, không sử dụng cho trẻ em, nhưng có trẻ đã được cho uống. Theo bác sĩ Nam, hiện nay trẻ mắc Covid-19 đa phần điều trị tại nhà, điều trị triệu chứng là chủ yếu. Nhưng với trẻ sốt trên

3 ngày, đau ngực, khó thở, SpO2 95% trở xuống, nôn ói, có bệnh lý nền không ổn định thì đi khám, điều trị tại BV.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP, tính đến hết ngày 28.2, TP.HCM có 43.419 ca F0 đang cách ly, chăm sóc và điều trị. Trong đó có 3.557 ca đang điều trị tại BV tầng 2, 3, 616 ca cách ly tập trung và 43.622 ca cách ly tại nhà. Số trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị là 302 ca (cộng dồn là 32.895 ca). Sở Y tế đã chỉ đạo các BV nhi cũng như các BV khác sẵn sàng giường bệnh, giường hồi sức cấp cứu để chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 nhập viện. Các TYT trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết hiện có 80% người đến khai báo y tế là F0 đều là khai cho trẻ em vì liên quan việc học tập của các em.

Hướng dẫn của Bộ Y tế về kê đơn Molnupiravir

Theo “Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà” ban hành tại Quyết định 261 ngày 31.1.2022 của Bộ Y tế: “Việc khám, chữa bệnh tại nhà cho các F0 được thực hiện bởi TYT lưu động hoặc đội y tế lưu động”. Các địa phương căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã để thành lập các TYT lưu động hoặc đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà. “Việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành”, Quyết định 261 nêu. Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19 tại nhà (ban hành kèm Quyết định 261) gồm 4 nhóm thuốc: hạ sốt, giảm đau; kháng vi rút (Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên) hoặc Molnupiravir 200 mg hoặc 400 mg (viên); thuốc chống viêm Corticosteroid đường uống; và thuốc chống đông máu đường uống. Hướng dẫn tại Quyết định 261 lưu ý đối với các thuốc kháng vi rút, dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những người có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh nền không ổn định… Về nguyên tắc điều trị Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT (Quyết định 437) ngày 27.2 sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn ban hành kèm Quyết định 250 ngày 28.1. Tại Quyết định 437, Bộ Y tế có sửa đổi nguyên tắc điều trị F0; các thuốc kháng vi rút trong điều trị Covid-19. Trong đó, về nguyên tắc điều trị F0, với thuốc Molnupiravir, hướng dẫn mới bổ sung thêm nội dung: không sử dụng Molnupiravir cho F0 không triệu chứng.

Liên Châu

 

DUY TÍNH

TNO