23/01/2025

Omicron có thật sự ‘trốn’ test nhanh?

Omicron có thật sự ‘trốn’ test nhanh?

Biến chủng Omicron chiếm ưu thế trong cộng đồng. Nhiều người mắc COVID-19 cho biết dù có triệu chứng rõ ràng nhưng kết quả test nhanh nhiều lần đều âm tính, còn PCR lại dương.

 

Omicron có thật sự trốn test nhanh? - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm – Ảnh: X.MAI

Mọi người truyền tai nhau: “Biến chủng Omicron “trốn” test nhanh”. Các chuyên gia, bác sĩ giải thích sao?

Test nhanh âm, RT-PCR thì dương

Theo kết quả khảo sát ngẫu nhiên các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM cho thấy hầu hết đều nhiễm biến chủng Omicron. Ở Hà Nội, biến chủng Omicron cũng đang “song hành” cùng Delta. Cùng thời điểm này, nhiều người xét nghiệm nhanh đều cho âm tính nhưng khi làm PCR lại dương tính.

Sốt liên tục 3 ngày nhưng kết quả test nhanh tại nhà của em V.K. (11 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho kết quả âm tính. Thấy K. sốt vẫn không hạ nên gia đình đưa K. đi xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy K. dương tính với COVID-19, chỉ số CT = 13.

Phụ huynh em K. cho biết thêm trong lớp con mình cũng có một số trường hợp tương tự: test nhanh nhiều lần đều âm tính nhưng kết quả PCR thì dương.

Không chỉ ở trẻ em, người lớn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Với những biểu hiện đau họng, giọng hơi khàn, sốt nhẹ, hơi đau đầu, chị M.C. (36 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) nghĩ ngay mình “dính” COVID-19 nên lập tức test nhanh kiểm tra và kết quả hiện “1 vạch” (âm tính COVID-19) vào ngày 21-2. Cùng ngày, chị M.C. đến Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM làm thêm xét nghiệm RT-PCR thì nhận kết quả dương tính COVID-19, chỉ số CT=18.

“Tôi thấy có những triệu chứng là nghĩ chắc chắn 100% dương tính rồi nhưng test nhanh không lên nên tôi làm PCR luôn. Nhà tôi có người lớn và trẻ em nên không chủ quan được”, chị M. chia sẻ và cho biết hiện sức khỏe chị ổn, chỉ hơi mệt và đang tiếp tục cách ly tại nhà.

Test nhanh vẫn có giá trị, Omicron không “trốn” test nhanh

Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – phó trưởng khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cùng với chủng Omicron đang “nổi trội” trong cộng đồng, số ca nhiễm mới cũng gia tăng, đặc biệt là trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc COVID-19 nhập viện đã cao gấp 2 – 3 lần nhưng chủ yếu là bệnh nhẹ, rất hiếm gặp trường hợp nặng, nguy kịch.

Bên cạnh đó, số ca tái nhiễm và người tiêm đủ liều vắc xin nhiễm COVID-19 trong thời gian này cũng gặp nhiều hơn. “Trước đây với biến chủng Delta thì ít hơn. Điều này tương quan với biến chủng Omicron làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin, do đó số ca nhiễm mới, tái nhiễm đều có xu hướng tăng…”, ông Nguyên chia sẻ.

Trước bối cảnh biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng, ông Nguyên cho rằng test nhanh vẫn có giá trị. Theo ông, với nhận định biến chủng mới này “trốn” test nhanh là không đúng.

Giải thích điều này, ông Nguyên đưa ra các giả thiết. Thứ nhất, nhiều người thật sự không nhiễm COVID-19 và kết quả test nhanh cũng âm tính nhưng họ cứ nghĩ bản thân mình nhiễm. Cùng với đó, thời tiết hiện nay dễ gây ra các bệnh đường hô hấp trên, đặc biệt khu vực phía Bắc.

Thứ hai, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kit xét nghiệm của nhiều hãng sản xuất, do đó độ nhạy và độ đặc hiệu của mỗi loại sẽ khác nhau. Và thứ ba, kết quả xét nghiệm nhanh cũng phụ thuộc thời điểm và quy cách lấy mẫu.

Cùng ý kiến, PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – cho hay về khoa học, biến chủng Omicron chỉ làm thay đổi về đoạn gene trên protein S, trong khi đó kit xét nghiệm nhanh tác động lên đoạn gene protein E. Do đó, biến chủng này không ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.

Đồng thời, với tốc độ lây lan của biến chủng Omicron rất nhanh, dù người bệnh đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác nhưng test nhanh vẫn âm tính vì có thể kit xét nghiệm cho kết quả chậm, theo nghiên cứu là 1 – 2 ngày. Ngoài ra, chất lượng các loại kit xét nghiệm hiện có trên thị trường không đồng đều, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả test nhanh.

“Kết quả dương tính có thể cho chậm vài ngày nhưng không thể mãi âm tính nếu kit xét nghiệm nhanh đạt chất lượng, thời điểm lấy mẫu và cách lấy mẫu đều đúng. Còn kết quả xét nghiệm nhanh vẫn sai là do chất lượng kit xét nghiệm”, ông Dũng nói.

Các bác sĩ cho biết thêm thời điểm biến chủng Omicron chưa xuất hiện ở nước ta vẫn ghi nhận nhiều trường hợp test nhanh nhiều lần âm tính, khi thực hiện RT-PCR thì dương tính. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ hay yếu tố dịch tễ nên dùng kit xét nghiệm chất lượng và lấy mẫu đúng cách. Nếu vẫn cần kết quả khẳng định thì mới thực hiện RT-PCR.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà sao cho đúng?

Ngày 28-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục có hướng dẫn tự lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 tại nhà. Theo HCDC, trong tiến trình lấy mẫu, khâu lấy mẫu bệnh phẩm quan trọng nhất, nếu lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác.

sk bo kit test 01032022 1(Read-Only)

Trong cùng ngày, kết quả xét nghiệm nhanh của chị M.C. âm tính nhưng RT-PCR lại dương tính – Ảnh: chị M.C. cung cấp

Đối với các kit xét nghiệm yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu: cầm ngay phía sau khấc của que tỵ hầu, sau đó ngước cổ ra sau 70 độ. Lưu ý tập trung thở bằng miệng, sau đó nhẹ nhàng đưa que tỵ hầu vào đến khi nào ngón tay cầm que tỵ hầu chạm mũi là đạt yêu cầu. Miết nhẹ que tỵ hầu khoảng 8 – 15 giây rồi rút nhanh que tỵ hầu ra.

Đối với kit xét nghiệm lấy mẫu dịch mũi: cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 5 – 8 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Những sai lầm cần tránh khi dùng kit

Theo các chuyên gia y tế, sau khi tiếp xúc F0 việc xét nghiệm ngay sẽ không có giá trị, gây tốn kém kinh phí vì khi đó tải lượng virus còn rất thấp. Người dân nên thực hiện xét nghiệm sau 3 – 4 ngày tiếp xúc. Với các trường hợp khác chỉ cần xét nghiệm khi có các biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau họng…

PGS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho biết hiệu quả sàng lọc của các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên phụ thuộc vào tình huống sử dụng và hướng dẫn của nhà sản xuất. “Các sinh phẩm này thường sử dụng tốt nhất khi tải lượng virus cao nhất từ 5 – 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng hoặc những người không triệu chứng nhưng tiếp xúc với ca nhiễm COVID-19 ở phạm vi tiếp xúc rất gần”, ông Phu chia sẻ.

PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – lưu ý người dân khi mua các loại kit xét nghiệm nhanh cần kiểm tra kỹ các hộp, bao bì, hướng dẫn sử dụng để tránh các sản phẩm hư hại gặp phải trong quá trình vận chuyển. “Không nên sử dụng khi thấy bất kỳ thành phần nào của bộ xét nghiệm chưa được đóng gói cẩn thận hoặc bị rách, ướt. Nên đợi thời gian sau 15 – 30 phút để đọc kết quả chính xác nhất, đọc kết quả quá sớm có thể tạo ra kết quả âm tính giả”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, dung dịch thử sẽ không hoạt động tốt ở nhiệt độ lạnh, tất cả thành phần bộ sinh phẩm được để ở nhiệt độ phòng 15-30oC trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút. Bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Vì vậy, người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc.

Hiện nay, với biến chủng Omicron hầu như người mắc đều có tải lượng virus thấp và không xuất hiện triệu chứng bệnh, trong khi cơ chế của test nhanh chỉ có thể phát hiện bệnh khi nồng độ virus trong cơ thể người bệnh cao.

Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), hiệu quả của các xét nghiệm kháng nguyên biến thể Omicron cho thấy các xét nghiệm kháng nguyên vẫn phát hiện ra biến thể Omicron nhưng có thể làm giảm độ nhạy.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân luôn theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu nghi ngờ bản thân có khả năng mắc COVID-19 với các triệu chứng bệnh hoặc qua yếu tố dịch tễ nhưng xét nghiệm nhanh âm tính, có thể thực hiện lại xét nghiệm nhanh lần 2 cách một khoảng thời gian hoặc xét nghiệm PCR để xác định chính xác.

XUÂN MAI
TTO