23/11/2024

Các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu lần lượt rút khỏi Nga

Các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu lần lượt rút khỏi Nga

Tập đoàn Shell của Anh là ông lớn về năng lượng mới nhất rút khỏi những dự án hợp tác tại Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

 

 

 

Tập đoàn Shell ngày 28.2 thông báo kế hoạch rút khỏi dự án hợp tác với tập đoàn Gazprom của Nga và các công ty liên quan.

Trong số đó, Shell hiện nắm 27,5% cổ phần tại nhà máy khí hóa lỏng Sakhalin 2. Gazprom nắm 50% và điều hành dự án này, theo AFP.

Các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu lần lượt rút khỏi Nga - ảnh 1
Shell rút khỏi Nga sau BP và Equinor thông báo kế hoạch tương tự  REUTERS

Shell cũng giữ 50% cổ phần trong dự án Phát triển dầu khí Salym ở miền tây Siberia và dự án thăm dò Gydan tại bán đảo Gydan, tây bắc Siberia.

Ngoài ra, Shell cũng rút lui khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Shell là một trong 5 công ty năng lượng cam kết cung cấp khoản tài chính lên đến 10% cho chi phí của Nord Stream 2.

Trong thông báo, Tổng giám đốc điều hành Ben van Beurden nói bị sốc và lấy làm tiếc vì thiệt hại nhân mạng tại Ukraine.

Ông cho hay sẽ thảo luận với chính phủ các nước về việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu và các thị trường khác, tuân thủ với các lệnh cấm vận liên quan.

Ông Beurden thừa nhận việc rút khỏi các dự án tại Nga sẽ ảnh hưởng đến giá trị sổ sách của tập đoàn, dẫn đến những thiệt hại. Theo thông báo, tính đến cuối năm 2021, Shell có khoảng 3 tỉ tài sản dài hạn trong các dự án tại Nga.

Quyết định của Shell được đưa ra một ngày sau khi tập đoàn đối thủ BP thông báo bán 19,75% cổ phần trong tập đoàn Rosneft của Nga. Tổng giám đốc điều hành Bernard Looney của BP cũng rời bỏ vị trí trong hội đồng quản trị của Rosneft với hiệu lực ngay lập tức. Cổ phiếu của BP sau đó bị sụt giá, khiến giá trị tập đoàn bị giảm hàng tỉ USD.

Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh Kwasi Kwarteng đã hoan nghênh quyết định của các tập đoàn nói trên.

Tập đoàn Equinor của Na Uy ngày 28.2 cũng thông báo sẽ rút khỏi các dự án hợp tác tại Nga. Tài sản lâu dài của Equinor tại Nga tính đến cuối năm 2021 trị giá 1,2 tỉ USD. Quỹ nhà nước Na Uy cũng thông báo rút tài sản tại Nga, ước tính khoảng 2,8 tỉ USD.

Ngoài ra, các công ty lớn của phương Tây như ngân hàng HSBC (Anh), hãng cho thuê máy bay AerCap (Ireland) cũng thông báo kế hoạch rút khỏi Nga khi chính phủ các nước phương Tây gia tăng cấm vận lên Moscow.

 

VI TRÂN

TNO