Xuất khẩu thanh long khó trăm bề
Xuất khẩu thanh long khó trăm bề
Với chi phí đầu tư khá lớn, người trồng thanh long tại Bình Thuận chỉ hòa vốn nếu bán được thanh long trái vụ với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán thực tế hiện nay chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, thậm chí không tìm được người mua.
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, từ nay đến cuối mùa trái vụ (tháng 6-2022), Bình Thuận có khoảng 300.000 tấn thanh long chờ tiêu thụ. Nếu các cửa khẩu vẫn bị tắc, giá bán thanh long tại vườn không được cải thiện, nông dân Bình Thuận sẽ thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và hậu quả về lâu dài càng nặng nề hơn.
Bà Lê Thị Thu Hằng – chủ vựa thanh long Thu Hằng – cho biết sau khi các cơ quan chức năng thông báo cửa khẩu thông quan trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ thu mua, kích giá lên để nông dân bù đắp thiệt hại.
“Nhưng đóng gói xong, chở đến gần cửa khẩu thì chúng tôi như bị tát vào mặt khi nhận thông báo cửa khẩu đóng trở lại, thử hỏi sao trở tay kịp. Phần lớn chỉ còn cách đổ bỏ”, bà Hằng than.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận – chủ vựa thanh long Kiên Sinh – cho biết vừa đưa lên cửa khẩu 23 container hàng nhưng phải quay đầu và mỗi container phải mất khoảng 15 triệu đồng tiền phí đậu bãi.
“Quay về trong nước bán chỉ mong có được chi phí cho tài xế, tiền bao bì nhưng cũng không đủ”, ông Luận nói và cho biết dù đang bị thua lỗ nhưng doanh nghiệp lại phải chịu nhiều chi phí phát sinh vô lý.
Chẳng hạn khi xe container hàng đến gần cửa khẩu, muốn vào bãi đậu chờ thủ tục thông quan, doanh nghiệp phải thay đầu kéo của chủ bãi với lý do… phòng dịch, rồi chi phí kéo container chưa đầy 1km tốn hết 3,8 triệu đồng.
Với quá nhiều chi phí bị đội lên, nhiều doanh nghiệp cho rằng ngay cả khi được nông dân cho không trái thanh long để đóng hàng thì doanh nghiệp cũng sẽ bị lỗ.
Việc chậm cấp mã số kho, mã vùng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trăm bề do phía Trung Quốc làm rất căng.
“Do thủ tục xin cấp mã cũng phức tạp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dùng chung một mã. Chỉ cần một thùng thanh long nghi có COVID-19 là cả một container, thậm chí hàng trăm container trên một chuyến tàu biển bị trả lại một cách oan uổng”, một doanh nghiệp cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho rằng chuyện cấp mã kho, mã vùng thuộc thẩm quyền của Cục Trồng trọt, còn địa phương chỉ tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp, thẩm tra rồi chuyển lên.
“Hồ sơ cũng làm đúng theo mẫu của cấp trên, không thể khác hơn được”, vị này nói và đề nghị Hiệp hội Thanh long tỉnh tổng hợp lại những chuyện tương tự để sớm đề xuất tháo gỡ.
Trong khi đó muốn xuất khẩu thanh long bằng đường chính ngạch cũng gặp nhiều trở ngại do phí vận chuyển bằng đường biển quá cao, thậm chí cao gấp 4 lần so với đường bộ.
“Hơn nữa thời gian vận chuyển đến nơi tiêu thụ rất lâu, có khi phải mất 60 ngày mới đến nơi. Trong khi đó, đặc trưng của trái thanh long là nước, để quá 20 ngày là hư ngay”, ông Trần Ngọc Hiệp, chủ vựa thanh long Hoàng Hậu, cho biết.
Chế biến chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ
Bình Thuận hiện có 13 cơ sở chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long…
Tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 37.800 tấn/năm, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng. Trong khi đó khoảng 200 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu chỉ có sức chứa kho lạnh khoảng 16.000 tấn.