23/12/2024

Phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT

Phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT

Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và EU ngày 27.2 thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT vì hành động quân sự của Moscow tại Ukraine.

 

 

 

“Việc này sẽ đảm bảo các ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và gây thiệt hại khả năng hoạt động toàn cầu của họ”, CNN trích từ tuyên bố chung của các bên.

Nhà Trắng còn tuyên bố sẽ có những biện pháp nhằm ngăn Ngân hàng trung ương Nga triển khai nguồn dự trữ quốc tế theo cách gây tổn hại đến sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, đồng thời hạn chế việc bán “hộ chiếu vàng” giúp giới giàu có Nga né tránh tác động của lệnh cấm vận.

Hiện chưa rõ ngân hàng nào của Nga nằm trong danh sách bị ngắt kết nối khỏi SWIFT.

SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ.

SWIFT do Ngân hàng quốc gia Bỉ giám sát cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu và nhiều ngân hàng trung ương khác. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch chính trên toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các chuyên gia giải thích rằng hệ thống này không chuyển tiền mà là truyền thông tin về giao dịch. Năm 2021, SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, gồm tin nhắn giao dịch tiền tệ, thương mại… để phục vụ việc thanh toán. Khoảng 1/2 số lượng thanh toán giá trị cao xuyên quốc gia đều đi qua SWIFT.

Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ gây thiệt hại đến nền kinh tế nước này ngay lập tức và về lâu dài, cắt Nga khỏi những giao dịch tài chính quốc tế và được xem là “lựa chọn hạt nhân tài chính”.

Năm 2012, Iran bị ngắt kết nối với SWIFT vì chương trình hạt nhân và khi đó, nước này mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% mậu dịch với nước ngoài. Năm 2019, Thủ tướng Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev nói rằng việc SWIFT ngắt kết nối với Nga tương tự như lời tuyên bố chiến tranh.

Tuy nhiên, loại Nga khỏi SWIFT sẽ gây thiệt hại lớn không chỉ cho nước này mà còn cho các nền kinh tế lớn tại châu Âu và tác động lên việc xuất khẩu năng lượng của lục địa già. Theo CNN, việc đó sẽ khiến các giao dịch tài chính quốc tế khó khăn hơn, tạo ra cú sốc cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài, đặc biệt là những người mua dầu và khí đốt vốn được thanh toán bằng đồng USD.

Đức gần đây tỏ ra dè dặt về biện pháp này và nhấn mạnh những liên lụy nặng nề, gồm những nguy cơ tiềm tàng cho việc mua khí đốt từ Nga. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Piotr Muller của văn phòng thủ tướng Ba Lan cho biết trong 24 giờ qua, đã có sự xoay chuyển thái độ của nhiều chính phủ trước đây hoài nghi về phương án này.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cùng Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda ngày 26.2 đã đích thân đến Berlin để thuyết phục Thủ tướng Olaf Scholz loại Nga khỏi SWIFT. Một số quan chức châu Âu cho rằng biện pháp này cần được thực hiện sớm vì các lệnh cấm vận trước đó cần thời gian mới tạo được sức ảnh hưởng, theo Bloomberg.

Một số chuyên gia cho rằng nếu bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ trước khi SWIFT ra đời như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng. Nga cũng có thể tham gia các nền tảng khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.

 

VI TRÂN

TNO