23/12/2024

Giá xăng thành phẩm thế giới tăng đến 20%, giá trong nước tăng 14% là ‘chịu đựng được’

Giá xăng thành phẩm thế giới tăng đến 20%, giá trong nước tăng 14% là ‘chịu đựng được’

Giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59 – 14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ “chịu đựng được”, thấp hơn các nước trong khu vực.

 

Giá xăng thành phẩm thế giới tăng đến 20%, giá trong nước tăng 14% là chịu đựng được - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp về công tác điều hành giá – Ảnh: VGP

Đó là đánh giá được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì ngày 25-2 nhằm đánh giá về công tác điều hành giá 2 tháng, xác định nhiệm vụ, giải pháp trong công tác điều hành 10 tháng còn lại của năm 2022.

Khó nhất là vấn đề giá xăng dầu

Nhấn mạnh “khó nhất là vấn đề giá xăng dầu“, các ý kiến đề xuất một số giải pháp về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục ở mức cao. Đồng thời quản lý thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng; kết nối cung cầu, lưu thông, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá…

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao do các nước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng.

Ông dẫn chứng, ngày 24-2 giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng; từ ngày 11-1 đến 21-2, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 – 20,88%.

Tuy vậy, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ “chịu đựng được”, thấp hơn các nước trong khu vực. Song thực tế giá thấp lại đặt ra lo ngại về buôn lậu, thẩm lậu qua biên giới nên cần phải tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Với một số cơ sở kinh doanh “găm hàng”, dù không phổ biến, không phải do thiếu nguồn cung, mà là do nhận thức của người kinh doanh. Cùng với việc tuyên truyền thì phát hiện hành vi sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.

Một số mặt hàng khác cũng được quan tâm thảo luận để có giải pháp bình ổn giá. Đơn cử, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit xét nghiệm COVID-19 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, trong khi đây là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit xét nghiệm COVID-19.

Đánh giá về các yếu tố vĩ mô sẽ tác động đến lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng hiện ngân hàng trung ương của các nước có động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó. Dự báo, lạm phát tăng khoảng 4%, các thị trường mới nổi tăng gần 6%.

Áp lực lạm phát rất lớn, cần chủ động kịch bản điều hành

Việt Nam là nền kinh tế mở, nên chịu tác động rất mạnh, áp lực lớn đối với công tác điều hành giá. Trong khi đó, dự báo tháng 2 lạm phát sẽ tăng cao, dự kiến 2 tháng đầu năm CPI bình quân tăng khoảng 1,6-1,7%, nên cần có giải pháp điều hành phù hợp.

Với áp lực lạm phát tăng cao trong 10 tháng cuối năm, Phó thủ tướng yêu cầu cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Hiện Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá, nhưng chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng).

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Ông Khái đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, “lường trước tình huống xấu hơn” để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Về các giải pháp trọng tâm, ông đề nghị có các biện pháp giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung.

Theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung – cầu, không thể để thiếu. Có biện pháp nhập khẩu hợp lý, tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể.

Tăng cường kiểm soát, giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Với một số dịch vụ công Nhà nước định giá theo lộ trình thị trường, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị các yếu tố.

N.AN
TTO