23/12/2024

Vẫn bất an với nguồn cung xăng dầu

Vẫn bất an với nguồn cung xăng dầu

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng Bộ Công thương cần nhìn thẳng vào thực tế thị trường và công tác điều hành để có giải pháp tổng thể hơn…

 

 

Vẫn bất an với nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đầu mối cho biết việc nhập khẩu xăng dầu vẫn đang gặp khó, giá tăng cao nhưng không phải lúc nào cũng có hàng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Công thương khẳng định nguồn hàng xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, các thương nhân đầu mối cũng cung ứng đủ nguồn cho hệ thống trực thuộc, nhưng việc mua hàng từ nguồn nhập khẩu vẫn khó khăn đang tạo sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại cuộc họp về tình hình thị trường xăng dầu do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 22-2, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu đề nghị Bộ Công thương phải thể hiện hơn nữa vai trò trong điều tiết cung cầu thị trường, điều tiết nguồn hàng, trong đó ưu tiên nguồn hàng cho khu vực phía Nam do tốc độ phục hồi kinh tế tăng nhanh hơn nên nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang tăng cao…

Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công thương cho hay đến ngày 20-2 lượng tồn kho xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối là khoảng 1,2 triệu m3, dự kiến lượng nhập khẩu từ nay đến hết tháng 2 là 650.000m3. Với nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 1,8 – 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, theo Bộ Công thương, nguồn cung nêu trên hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2.

Sang tháng 3-2022, theo Bộ Công thương, dù lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường nhưng tồn kho từ tháng 2-2022 chuyển sang vẫn bảo đảm. Hơn nữa, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15-3 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất, các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu nếu Nghi Sơn không đảm bảo đủ lượng cung ứng theo kế hoạch.

Cũng theo vị này, do Nghi Sơn cắt giảm sản xuất, chỉ chạy mức 55 – 60% công suất, nên việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước vào tháng 2 bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%. Dự kiến tháng 3-2022, nhà máy này cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000m3 nhưng dự kiến giao hàng là 540.000m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dù báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5-2022 nhưng đến nay Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo cung ứng xăng dầu trên thị trường, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng.

Các doanh nghiệp phải có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ, gắn với việc tăng cường thanh kiểm tra.

“Cùng với việc chủ động nguồn cung và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều hành giá bám sát diễn biến giá thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung cầu thị trường trong thời gian tới sẽ cơ bản ổn định” – vị này khẳng định.

Giá xăng dầu tăng cao, khó nhập

Một thương nhân đầu mối tại TP.HCM trực tiếp tham gia cuộc họp với Bộ Công thương khẳng định tình hình cung ứng xăng dầu vẫn “thực sự căng thẳng”. Sau kỳ điều chỉnh ngày 21-2, nguồn cung vẫn chưa có nhiều cải thiện do tất cả các nguồn trong nước, nhập khẩu vẫn không có hàng để cung cấp cho thị trường.

Việc đấu thầu, mua từ nguồn nước ngoài đều hạn chế khi nhu cầu thế giới tăng vọt. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho việc thanh tra mà Bộ Công thương đã công bố nên “càng kinh doanh càng nản”.

“Chúng tôi tham gia đấu thầu, cao giá gấp ba lần bình thường cũng không mua được. Những doanh nghiệp có thị phần lớn chỉ đủ nhập cho hệ thống, thị trường quốc tế không đủ lượng hàng để cung ứng cho nhu cầu mua hàng. Vì vậy, hàng nhập về đến đâu là hết tới đó, chia cho các đầu mối và tổng đại lý, đại lý. Rất khó để khẳng định rằng tình trạng đứt nguồn cung cục bộ có thể chấm dứt được trong vài ba ngày tới dù giá đã tăng mạnh” – vị này cho hay.

Một thương nhân đầu mối khác cho hay dù kỳ điều hành ngày 21-2 giá xăng dầu đã tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/lít, nhưng trước đà tăng phi mã của giá thế giới, hàng nhập về để bán cho thị trường trong 10 ngày tới đã lỗ. Theo tính toán, mỗi lít xăng lỗ tới 1.200 – 1.300 đồng nên kinh doanh càng khó khăn.

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, mọi hoạt động kinh tế – xã hội đã ở trạng thái “bình thường mới” nên nhu cầu xăng dầu đang tăng rất mạnh, trong khi một số cửa hàng đóng cửa, dẫn đến dồn gánh nặng cho những hệ thống đang có hàng, càng gây áp lực căng thẳng về nguồn cung.

Một đại lý xăng dầu tại Hà Nội cho hay mức chiết khấu tại các kho cho doanh nghiệp đã có cải thiện sau kỳ điều chỉnh mới đây, từ 100 đồng lên mức 350 – 400 đồng/lít với xăng E5RON92, xăng RON95-III từ mức 40 đồng lên 200 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh chiết khấu từ 100 – 120 đồng/lít lên mức 350 – 400 đồng/lít.

Tuy nhiên, không chỉ hạn chế nguồn cung xăng bán ra cho các đại lý, ngay cả mặt hàng dầu cũng bị hạn chế bán ra. “Doanh nghiệp đầu mối vẫn phải lấy hàng theo tiến độ nhỏ giọt từng ngày, dù nguồn hàng không đứt và vẫn đủ cung ứng cho thị trường nhưng tình hình chưa mấy cải thiện, hàng chưa dồi dào như trước”, vị này thông tin.

Các cửa hàng xăng dầu đóng cửa chủ yếu tại phía Nam

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường công bố ngày 22-2 cho hay đã tổng kiểm tra, giám sát với gần 16.000 lượt cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cho thấy tình trạng đóng cửa, dừng hoạt động bán hàng chủ yếu diễn ra ở khu vực miền Nam nhiều hơn miền Bắc và miền Trung.

Tại khu vực miền Nam, có 6.534 cửa hàng bán lẻ thì có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng và 215 cửa hàng dừng hoạt động vì nhiều nguyên nhân khác. Riêng tại TP.HCM (với 548 cửa hàng) có 5 cửa hàng tạm ngừng hoạt động, 22 cửa hàng thiếu xăng RON95 song vẫn mở bán.

Tại các tỉnh khác, lực lượng chức năng phát hiện rải rác có một số cửa hàng đóng cửa không bán hàng, trong đó xử phạt hành chính từ mức 15 – 30 triệu đồng với lý do nghỉ nhưng không thông báo với cơ quan chức năng.

Cần ưu tiên cho khu vực đang phục hồi kinh tế

Với những địa bàn thiếu hàng cục bộ như Cần Thơ, An Giang, Long An và Hậu Giang, Bộ Công thương cho biết đã liên hệ doanh nghiệp sản xuất, thương nhân đầu mối để điều nguồn hàng bổ sung kịp thời. Tuy vậy, các doanh nghiệp đầu mối cho rằng Bộ Công thương cần nhìn thẳng vào thực tế thị trường và công tác điều hành để có giải pháp tổng thể hơn.

Đặc biệt, Bộ Công thương cần thể hiện hơn nữa vai trò trong điều tiết cung cầu thị trường, điều tiết nguồn hàng.

Thay vì xử lý cục bộ có thể điều tiết nguồn hàng nhập về, cần ưu tiên nhiều hơn cho các vùng có nhu cầu cao như miền Nam do tốc độ phục hồi kinh tế tăng nhanh hơn, nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao, trong khi miền Bắc và miền Trung thì nhu cầu sử dụng đang ở mức thấp do thời tiết lạnh và dịch bệnh bùng phát.

NGỌC AN
TTO