23/11/2024

Túi tiền của người dân toàn cầu bị đe doạ

Túi tiền của người dân toàn cầu bị đe doạ

Hôm qua (23.2), sau những diễn biến liên tục và căng thẳng liên quan khủng hoảng Ukraine, giá dầu có giảm chút ít. Theo Bloomberg, giá dầu Brent giảm 0,21% còn 96,64 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 0,29% còn 91,64 USD/thùng.

 

 

Tuy nhiên, việc giá dầu đứng yên không đủ để trấn an giới quan sát, khi phương Tây có thể tăng cường lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến việc giá dầu thế giới tăng cao bởi nguồn cung bị hạn chế.

Túi tiền của người dân toàn cầu bị đe dọa - ảnh 1
Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn của thế giới  REUTERS

Năm 2014, căng thẳng tương tự xảy ra khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, thì giá dầu đã tăng vượt mức 100 USD. Lần này, khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số nước (hay còn gọi là nhóm OPEC+) liên tục theo đuổi chiến lược cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giữ giá cao suốt những năm gần đây. Chính vì thế, dự báo về giá dầu trở nên ảm đạm hơn. Reuters ngày 23.2 dẫn dự báo của Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) lo ngại giá dầu sẽ cán mức 125 USD/thùng vào quý 2/2022, rồi từng bước tăng lên mức 150 USD/thùng vào năm 2023, tức ngang ngửa hoặc vượt qua mức kỷ lục 147 USD/thùng vào tháng 7.2008.

Chính vì thế, mọi kỳ vọng giờ đây đặt vào tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Tiến trình đàm phán này đang có những khởi sắc trong những ngày gần đây. Các năm qua, do lệnh cấm vận, nên Iran cũng gặp không ít khó khăn, cần tăng sản lượng cung ứng dầu mỏ để thu tiền về, giúp phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tác động vào một số thành viên của OPEC để tăng sản lượng khai thác. Reuters dẫn nhận xét của các chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Citi (Mỹ) kỳ vọng các động thái vừa nêu có thể giúp thị trường có thêm 0,5 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 4, rồi đạt mức bổ sung thêm 1,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm. Kèm theo đó là có khoảng 2,8 triệu thùng/ngày được bổ sung từ Canada, Iraq, Venezuela và Mỹ. Nếu kỳ vọng vừa nêu đạt được, giá dầu có thể giảm xuống còn 65 USD/thùng.

Tất nhiên, những con số lạc quan vừa nêu để hạ giá dầu chỉ là kỳ vọng. Bởi các tiến trình đàm phán vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trong khi đó, không chỉ đứng trước nguy cơ giá dầu tăng cao, dân chúng toàn cầu còn có thể bị ảnh hưởng dây chuyền vì vật giá leo thang do khủng hoảng ở Ukraine. Theo tờ The New York Times, Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Nga cùng với Ukraine đang chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nguồn ngũ cốc của 2 nước này chiếm gần 70% trong lượng nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine còn được mệnh danh là “ổ bánh mì của châu Âu” khi cung cấp một lượng lớn lúa mì và bắp cho các nước trong khu vực này. Cho nên, nếu khủng hoảng Ukraine ngày càng leo thang khiến việc giao thương bị hạn chế, thì giá cả lúa mì và ngô sẽ tăng cao, dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền đối với thị trường thực phẩm toàn cầu, khiến lạm phát có thể tăng nhanh ở nhiều nước. Trong khi đó, nhiều nước vốn đang có mức lạm phát cao do bị ảnh hưởng bởi việc đại dịch khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó. Đặc biệt đáng chú ý, theo CNBC, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 đã có mức lạm phát đến 47,5%.

Từ những thực tế trên, khủng hoảng ở Ukraine đang khiến người dân khắp thế giới đứng trước nguy cơ túi tiền bị vơi đi.

 

HOÀNG ĐÌNH

TNO