23/12/2024

F0 tăng nhanh, trường học bối rối

F0 tăng nhanh, trường học bối rối

Ghi nhận đến hôm qua 23-2, số học sinh, giáo viên thành F0, F1 ở nhiều tỉnh thành tăng nhanh khiến nhiều trường học bối rối, sau hai tuần học sinh trở lại trường học trực tiếp.

 

F0 tăng nhanh, trường học bối rối - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM tuân thủ 5K trước khi vào lớp chiều 23-2 – Ảnh: TỰ TRUNG

Trong khi các trường cần một quy định cụ thể về việc tổ chức lớp học thì phụ huynh, học sinh cũng đã vào cuộc, san sẻ khó khăn của nhà trường.

Trong tình huống hiện nay mà giao cho giáo viên xác định F1 thì khổ cho họ. Trường hợp lớp con tôi, phụ huynh, giáo viên quay cuồng với việc xác định ai là F1 cả tối, nhưng vẫn có những ý kiến phản ứng khiến cô giáo rất mệt mỏi.

Một phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội)

F0, F1 tăng từng ngày

Tại Hà Nội, tính đến 23-2 đã có những trường, số giáo viên, học sinh là F0, F1 chiếm 40-50%. Ví dụ Trường THPT Yên Hòa có số học sinh là F0 và F1 trên 800. Hàng chục lớp đã phải chuyển sang học trực tuyến do số “có F” vượt quá 50%.

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có gần 40/76 lớp có học sinh là F0. Nhiều trường khu vực nội thành như THPT Chu Văn An, THCS Chu Văn An, THCS Giảng Võ… đều cho biết số học sinh F0 tăng lên từng ngày. Hàng chục F0 kéo theo hàng trăm F1.

Khu vực ngoại thành Hà Nội, tuy vẫn được xem là “vùng xanh”, học sinh trở lại trường sớm hơn nhưng số ca F0, F1 ở một số trường cũng cao. Trường tiểu học Kim Nỗ (huyện Đông Anh) có 200 học sinh là F0, hơn 400 học sinh F1, gần 1/3 số giáo viên, nhân viên lần lượt thành F0.

Trường THCS Đông La (Hoài Đức), theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – hiệu trưởng nhà trường, dù đã cố gắng để thực hiện 5K, phân luồng, giãn cách nhưng cả 26 lớp của trường đều có F0, có lớp tăng 3 ca/ngày. Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai) cũng có 1/3 số lớp có F0.

Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh có 270 học sinh và một số giáo viên là F0. Theo bà Văn Thùy Dương – phó hiệu trưởng, hiện có những lớp chỉ còn không đến 10 học sinh đủ điều kiện đến trường học trực tiếp.

Tại Hải Phòng, tính từ sau đợt nghỉ Tết đến nay có trên 22.000 giáo viên, học sinh là F0, gấp đôi số liệu sau Tết một tuần. Đáng chú ý là trên 6.000 học sinh trong số nhiễm COVID-19 chưa tiêm vắc xin.

Tại TP.HCM, chỉ sau 2 tuần học sinh đi học trở lại, ghi nhận có 7.500 F0 tại 201 trường học, trong đó có 6.800 là học sinh, 700 là giáo viên.

Thầy Lê Thanh Sơn, hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao (quận 8), cho biết hiện đã có 16/47 lớp có học sinh là F0 nhưng trong 20 trường hợp học sinh là F0 của trường chỉ có 2 trường hợp phát hiện tại trường. Số còn lại do cha mẹ phát hiện báo cho nhà trường.

Tương tự, số học sinh là F0 của Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Tân Phú cũng chủ yếu do phụ huynh báo cho nhà trường và phát hiện ở nhà.

Lãnh đạo nhiều nhà trường ở TP.HCM cho biết các ca học sinh F0 đều ở dạng nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp nào diễn tiến nặng. Tuy vậy, việc F0 xuất hiện rải rác ở nhiều lớp học khiến việc khoanh vùng, xử lý khó khăn hơn.

F0 tăng nhanh, trường học bối rối - Ảnh 3.

Giờ ăn trưa của các bé lớp bán trú Trường mầm non Vàng Anh (quận 5, TP.HCM) trưa 22-2 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Gặp khó khi thiếu quy định thống nhất

Dù Bộ Y tế vừa có hướng dẫn xử lý F0, F1 tại trường học nhưng còn tùy thuộc vào các địa phương. Ví dụ Thanh Hóa quy định lớp mầm non có 10 F0 thì sẽ ngừng đến trường, lớp học các cấp khác có 1/3 số học sinh trở lên là F0 thì lớp sẽ chuyển sang học trực tuyến.

Trong khi đó, “nếu Hà Nội cũng có quy định thống nhất như Thanh Hóa thì tốt, đằng này mỗi trường một cách nên rất bối rối” – hiệu trưởng một trường THCS khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) nói.

Theo hiệu trưởng này, khi tuân thủ chủ trương “đi học” của cấp trên thì phụ huynh phản ứng. Có trường hợp lớp chỉ còn vài học sinh đủ điều kiện đi học, nếu chuyển sang trực tuyến sẽ đỡ vất vả cho giáo viên, yên tâm cho học sinh nhưng vì không có quy định với các tình huống cụ thể nên rất khó quyết.

Tại Hà Nội, một số trường chọn con số 50% học sinh trong lớp là F0 và F1 thì lớp chuyển sang dạy học trực tuyến 100% nhưng có nơi chỉ 8-10 học sinh F0/lớp thì phụ huynh cũng phản ứng dữ dội và tự cho con nghỉ học. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, Hải Phòng lại có những trường quá cực đoan khi lớp chỉ có một vài học sinh đến lớp cũng vẫn duy trì dạy học trực tiếp.

Một khó khăn nữa của các trường hiện nay là xác định F1 của từng lớp để quyết định học trực tuyến hay vẫn phải “nửa này, nửa kia”. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định F1 trong thời gian qua không được xác định rõ, nhiều tình huống thực tế cũng khó xác định.

Nhiều trường lại giao “việc khó” này cho giáo viên. Thế rồi giáo viên chịu áp lực khi phụ huynh nói con mình có tên trong danh sách F1, giáo viên nói không và kiên quyết không cấp tài khoản để học trực tuyến.

Sau việc xác định F0, F1 rồi lại có một loạt việc phải quyết định đang được giao cho các nhà trường như khi nào thì các học sinh này được quay lại trường, 1 hay 3 ngày, điều kiện là âm tính bằng test nhanh hay PCR?

“Các trường đương nhiên phải có “kịch bản” ứng phó. Nhưng để kịch bản bao quát được tất cả các tình huống thì có nhiều vấn đề cụ thể rất cần được quy định rõ ràng. Có quy định thống nhất sẽ dễ làm, hạn chế việc tranh cãi, phản ứng của phụ huynh, của giáo viên” – hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội bày tỏ.

Học sinh, phụ huynh chung tay cùng nhà trường

Trước tình hình trên, việc nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, khích lệ những sáng kiến đồng hành, hỗ trợ là việc nhiều trường hiện nay đang cố gắng thực hiện.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), nhiều phụ huynh đã rất chủ động trong việc test nhanh và báo cho nhà trường. Ban phụ huynh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xác định nhanh các trường hợp tiếp xúc gần với F0 để kịp thời khoanh vùng, chuyển các học sinh này sang học trực tuyến.

Cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết ngoài tăng cường trao đổi với phụ huynh học sinh, trường còn thực hiện “app lớp học xanh” và mã QR để học sinh khai báo y tế trước khi đến trường. Đầu tuần này, trường thành lập đội ngũ COVID-19 tự quản ở trong học sinh để các em phối hợp với nhà trường trong phòng chống dịch.

“Mỗi lớp như vậy sẽ có 3 học sinh trong tổ tự quản COVID-19, các em có nhiệm vụ nhắc nhở các bạn đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn cũng như lưu ý tình hình sức khỏe của các bạn trong lớp để báo với giáo viên chủ nhiệm. Điều này khiến các em học sinh càng ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và người khác khỏi lây nhiễm chéo”, cô Trang cho biết. Tuy vậy, theo cô Trang, đây là các biện pháp tăng cường của nhà trường trong bối cảnh học sinh đi học trở lại và có phát hiện thêm nhiều F0.

“Tôi cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh tốt phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, chẳng hạn giữ liên lạc qua các group lớp. Tương tác hằng ngày khiến phụ huynh và học sinh nhớ, sẽ không lơ là phòng chống dịch”, cô Trang cho biết.

Trường THCS Nguyễn Du cũng đa dạng hóa hình thức dạy học cho học sinh theo phương án luân phiên trực tuyến, trực tiếp, trong đó ưu tiên cho khối lớp 9 học trực tiếp, những lớp khác có thể tùy chọn theo nguyện vọng phụ huynh và diễn tiến tình hình dịch bệnh tại lớp.

Tương tự, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết trường đang sử dụng “app lớp học xanh” để học sinh, phụ huynh tầm soát dịch bệnh từ xa và báo cho giáo viên chủ nhiệm. Học sinh là F0 sẽ thể hiện là màu đỏ, F1 là màu xanh.

“Đó là cách làm của trường chúng tôi để F0 không xuất hiện trong nhà trường vì nói gì thì nói, F0 xuất hiện trong nhà trường thì sẽ có nhiều nguy cơ”, thầy Phú nói.

Tại Hà Nội, một số trường cũng thành lập tổ đồng hành COVID-19 do phụ huynh tình nguyện tham gia. Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) có tổ thầy thuốc đồng hành, bao gồm phụ huynh là các bác sĩ, nhân viên y tế.

Với chuyên môn của mình, phụ huynh tư vấn, chia sẻ cùng nhau. Đặc biệt là trấn an tâm lý cho các phụ huynh khác để bình tĩnh, cùng nhà trường xử lý các tình huống phát sinh dịch.

Thiếu giáo viên vì nhiều hình thức dạy học

Giáo viên phải vừa dạy lớp trực tuyến vừa dạy lớp trực tiếp, đồng thời phải dạy kiểu “2 trong 1” khiến mỗi giáo viên phải làm việc nhiều hơn, không có giờ nghỉ giải lao, thực sự rất vất vả.

Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng Trường Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), cho rằng điều lo lắng hiện nay là giáo viên là F0 nhiều lên, trong khi việc song song áp dụng nhiều hình thức dạy học, rất khó điều chỉnh, bố trí giáo viên thay thế khi có giáo viên phải nghỉ.

Trên thực tế đã có những giáo viên F0 vẫn phải dạy học. Nhà trường phải điều phối để giảm giờ dạy cho giáo viên F0, san sẻ cho người khác. Nhưng như vậy sẽ có những giáo viên chịu quá tải. Và tình trạng giáo viên F0 tiếp tục gia tăng thì sẽ rất khó khăn.

Tại TP.HCM, tình trạng thiếu giáo viên do nhiều người là F0 cũng xảy ra. Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết quận cũng lưu ý các trường tăng cường bảo vệ đội ngũ giáo viên khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh.

“Giáo viên là F0 sẽ khiến cả lớp phải nghỉ học vì ngoài tiếp xúc gần, họ còn có thể dạy nhiều lớp” – ông Tuyên nói.

Da Nang test F1 khoanh vung hoac ca lop

Hiện tại, học sinh các cấp tại Đà Nẵng ở các vùng dịch cấp độ 1-2-3 đã đến trường học trực tiếp – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

* Tại Đà Nẵng, đa số các trường nhắc nhở phụ huynh theo dõi và tự test nhanh tại nhà cho học sinh. Thầy Hồ Ngọc Hưng – hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) – cho biết khi xuất hiện F0 trong trường học, nhà trường sẽ ngay lập tức khoanh vùng và test nhanh các trường hợp F1 có tiếp xúc gần.

Thầy Đoàn Văn Viết Dũng – hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) – cho biết trường chỉ xét nghiệm cho các trường hợp nghi nhiễm. Các F1 sẽ cho về nhà theo dõi, lớp vẫn tiếp tục học trực tiếp và sẽ được chuyển sang học phòng khác để sát khuẩn phòng học cũ. Chi phí xét nghiệm tại các trường do các trường tự chủ.

* Đến nay Kiên Giang ghi nhận 892 F0 trong trường học gồm 198 cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên và 694 học sinh. Ông Trần Quang Bảo – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này – cho biết nhằm tranh thủ “giờ vàng”, sở khuyến cáo phụ huynh nên tự test nhanh học sinh.

Các trường hợp là F0, F1, trường sẽ gửi tài liệu đến nhà hoặc các em sẽ học trực tuyến và sẽ phân công giáo viên nhà trường dạy bù sau khi các em này đi học trực tiếp trở lại.

* Tại An Giang, học sinh tiểu học mới học 3 buổi/tuần để theo dõi. Sở GD-ĐT đã hỗ trợ 50.000 kit xét nghiệm cho các điểm trường trên toàn tỉnh, khi phát hiện hoặc nghi ngờ F0 mới xét nghiệm. “Số F0 trong phát hiện vẫn còn trong tầm kiểm soát (13 học sinh) nên chúng tôi chưa có đề nghị gì thêm” – bà Trần Thị Ngọc Diễm, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, nói.

* Tại Vĩnh Long, đến nay ghi nhận hơn 90 học sinh và giáo viên mắc COVID-19, trong đó bao gồm các trường hợp hết bệnh và theo dõi sức khỏe tại nhà. Các trường đã phối hợp với lực lượng y tế địa phương xử lý, truy vết kịp thời các trường hợp liên quan, phun khử khuẩn trường lớp và bố trí lớp học ở vị trí mới để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa không gián đoạn việc học của học sinh.

Bà Trương Thanh Nhuận – giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long – cho rằng từng trường phải tăng cường phối hợp với lực lượng y tế địa phương hơn nữa để có các phương án cụ thể, không lúng túng dẫn đến lây lan dịch bệnh trong trường hoặc tâm lý hoang mang trong phụ huynh và học sinh.

Đ.NHẠN – B.ĐẤU – C.CÔNG – C.HẠNH

Ngưỡng an toàn trong lớp học thế nào?

cach ly

Trường THCS Võ Trường Toản, TP.HCM đã trang bị phòng cách ly y tế (ảnh chụp chiều 23-2) – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo các chuyên gia đầu ngành y tế, nếu số lượng trẻ nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, cần cân nhắc quay trở lại học trực tuyến, tuy nhiên nguy cơ trẻ nhiễm ở nhà hay trường học là như nhau.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 23-2, ông Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho hay qua tầm soát ngẫu nhiên thì biến chủng Omicron đang là biến chủng chủ đạo ở TP.HCM nhưng nguy cơ trẻ đi học trực tiếp nhiễm COVID-19 nói chung hay biến chủng Omicron nói riêng cũng tương tự như ở nhà nếu trẻ, phụ huynh, người thân không tuân thủ biện pháp 5K.

“Với tình hình hiện nay, nhà trường nên tiếp tục phối hợp phụ huynh theo dõi sức khỏe trẻ. Nếu trong một lớp học có 2/3 học sinh là F0 thì cần tạm ngưng học trực tiếp vì việc học trực tiếp lúc này không còn hiệu quả”, ông Nga nói.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM, với kết quả tầm soát ngẫu nhiên ghi nhận số ca COVID-19 phần lớn nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt trong bối cảnh học sinh các cấp học trực tiếp, TP cần thực hiện các biện pháp chống dịch tích cực hơn.

Theo ông Dũng, dù tỉ lệ người bệnh nhiễm biến chủng Omicron chuyển nặng, tử vong thấp nhưng vì lây lan rất nhanh, có thể khiến kháng thể “không kịp chống đỡ”, do đó số ca mắc mới dự kiến gia tăng trong những ngày tới.

“Nếu số ca nhiễm tăng quá cao thì sẽ gây quá tải bệnh viện. Lúc này nhân viên y tế chăm sóc không xuể, không kịp, dẫn đến bệnh nhân tử vong. Điều quan trọng là cố gắng làm tỉ lệ lây nhiễm càng thấp càng tốt”, PGS Dũng chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Dũng, nếu số lượng học sinh nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng, TP cần cân nhắc trở lại phương án học trực tuyến.

“Tôi luôn ủng hộ học sinh đi học trực tiếp nhưng nếu lớp có 10% học sinh nhiễm COVID-19 thì không thể nào duy trì học tập tốt khi bao nhiêu thời gian ở lớp đã đổ vào xét nghiệm, điều tra dịch tễ…”, ông Dũng nêu ý kiến.

XUÂN MAI

100 trẻ có triệu chứng nặng sẽ ngưng học trực tiếp

Ngành y tế TP cho hay sẽ theo dõi sát diễn biến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày (hiện là 5 ca/ngày).

VĨNH HÀ – MỸ DUNG
TTO