23/12/2024

COVID-19 thế giới 24-2: WHO đào tạo nước nghèo sản xuất vắc xin

COVID-19 thế giới 24-2: WHO đào tạo nước nghèo sản xuất vắc xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một trung tâm ở Hàn Quốc để đào tạo các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sản xuất vắc xin và liệu pháp điều trị COVID-19.

 

 

COVID-19 thế giới 24-2: WHO đào tạo nước nghèo sản xuất vắc xin - Ảnh 1.

Điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc – Ảnh: REUTERS

Vào năm ngoái, WHO đã thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ ở Cape Town, Nam Phi, để đào tạo các nước có thu nhập thấp và trung bình phát triển vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA.

Trung tâm thứ hai được lập ở Hàn Quốc sẽ đào tạo lực lượng lao động cho tất cả các quốc gia có nhu cầu sản xuất các sản phẩm như vắc xin, insulin, kháng thể đơn dòng.

“Hiện nay, các cơ sở đào tạo về sản xuất sinh học chủ yếu được đặt ở các nước có thu nhập cao, khiến chúng nằm ngoài tầm với của nhiều nước có thu nhập thấp”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo ngày 23-2.

Cơ sở ở Hàn Quốc đã tiến hành đào tạo cho các công ty có trụ sở tại nước này và sắp tới sẽ tiếp nhận học viên từ các quốc gia khác.

WHO cũng cho biết thêm, 5 quốc gia gồm Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia sẽ nhận được hỗ trợ từ trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA của họ ở Nam Phi.

Theo WHO, các nước này đã được kiểm tra bởi một nhóm chuyên gia và được chứng minh là có khả năng chuyển sang giai đoạn sản xuất tương đối nhanh chóng.

Tuần trước, 6 nước gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Phi nhận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA ở quy mô và tiêu chuẩn quốc tế.

CDC Mỹ tăng thời gian giữa các mũi tiêm

COVID-19 thế giới 24-2: WHO đào tạo nước nghèo sản xuất vắc xin - Ảnh 2.

Trạm xét nghiệm lưu động ở New York, Mỹ – Ảnh: AP

Theo Hãng tin AP, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã lặng lẽ thay đổi khuyến nghị về khoảng cách giữa các mũi tiêm.

Theo đó, người tiêm liều 2 vắc xin Pfizer hoặc Moderna nên cân nhắc đợi đến 8 tuần sau liều đầu tiên, thay vì 3 hoặc 4 tuần như được khuyến nghị trước đó.

CDC dựa trên nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian chờ dài hơn có thể tăng khả năng bảo vệ trước COVID-19 ở người từ 12 đến 64 tuổi – đặc biệt là nam giới từ 12 đến 39 tuổi.

CDC cũng cho biết khoảng cách giữa các mũi tiêm dài hơn có thể giúp giảm tác dụng phụ hiếm gặp ở vắc xin, như một số nam giới trẻ tuổi bị viêm cơ tim sau khi tiêm.

Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến nghị người suy yếu miễn dịch, người từ 65 tuổi trở lên và bất kỳ ai cần được nhanh chóng bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19 cần tiêm sớm.

MINH KHÔI
TTO