24/01/2025

Đại sứ Úc: Việt Nam là đối tác chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đại sứ Úc: Việt Nam là đối tác chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Úc đang đạt đỉnh sau 49 năm thiết lập, và Việt Nam là đối tác chiến lược ngày càng quan trọng hơn của Úc về khía cạnh kinh tế, chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

 

 

Đại sứ Úc: Việt Nam là đối tác chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - ảnh 1
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam  NGỌC DƯƠNG

Chia sẻ với Thanh Niên trong chuyến thăm TP.Hồ Chí Minh, bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam, đã đưa ra nhận định tổng quan về quan hệ Úc-Việt trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Sát cánh vượt qua dịch bệnh

Đại sứ Mudie bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam khoảng sáu tháng trước khi dịch Covid-19 ập đến. Vì thế, bà đã chứng kiến một Việt Nam với nền kinh tế vô cùng năng động và phát triển mạnh mẽ, từ đó so sánh được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế Việt Nam trong vài năm xảy ra dịch.

“Tôi đã thấy được hai mặt khác nhau của câu chuyện kinh tế ở Việt Nam”, theo bà Mudie, nhất là đại dịch gây tổn thất cho ngành du lịch quốc tế, ảnh hưởng đến từ các biện pháp đóng cửa biên giới và tác động đối với chuỗi cung ứng.

Theo sau nỗ lực của Việt Nam nhằm phủ rộng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc, với đa số người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhà ngoại giao Úc nhận định vô cùng tích cực về triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Theo bà, năng lượng và động lực cho phát triển kinh tế đã quay lại.

Và Úc là một trong những đối tác sát cánh, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng quốc gia. “Tôi đặc biệt tự hào vì Úc cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin cho Việt Nam, trong đó 2,2 triệu liều cuối cùng đã đến nơi vào tuần trước. Và vì thế giờ đây chúng tôi đã hoàn thành lời hứa với Việt Nam”, bà Mudie chia sẻ. Bên cạnh đó, Úc cũng hỗ trợ 60 triệu AUD cho việc triển khai tiêm chủng ở Việt Nam, cung cấp sự ủng hộ về kỹ thuật cho mảng y tế, cũng như các thiết bị dây chuyền lạnh và vật tư tiêm chủng.

Sau thời gian đồng hành với Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn của dịch bệnh, Úc tiếp tục cam kết ủng hộ nỗ lực khôi phục kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp. Đại sứ Úc đã đưa ra minh chứng cho thấy tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn.

Đại sứ Úc: Việt Nam là đối tác chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - ảnh 2
Đại sứ Robyn Mudie và Trưởng Đại diện UNICEF Rana Flowers bên lô vắc xin Pfizer do Úc tài trợ  UNICEF

“Trên thực tế, hoạt động thương mại và đầu tư song phương vẫn duy trì khá mạnh mẽ xuyên suốt thời gian dịch bệnh. Chúng tôi chứng kiến kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Úc tăng 33% trong 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Chúng tôi nhận thấy sự quay lại tức thời của hoạt động thương mại và đầu tư từ năm ngoái, bất chấp dịch vẫn diễn tiến vào thời gian đó. Và chúng tôi tiếp tục cam kết đồng hành với Việt Nam để đẩy tiến độ hồi phục kinh tế tăng tốc càng nhanh càng tốt”, bà nhấn mạnh.

Đối tác chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

“Tôi cho rằng quan hệ Việt Nam-Úc đang đạt đỉnh sau 49 năm kết nối ngoại giao. Năm sau là kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ, và Việt Nam là đối tác chiến lược ngày càng quan trọng hơn của Úc về khía cạnh kinh tế, chính trị ở tầm khu vực”, bà Đại sứ cho biết.

Một trong những lý do đó là Việt Nam đang đóng vai trò trung tâm trong việc đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì thế, bà Mudie khẳng định cam kết của Úc cùng sát cánh nhằm ủng hộ vai trò kinh tế và tiến đến tạo nền tảng cho vai trò chiến lược của Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng việc duy trì hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng cần phải dựa trên nền tảng luật lệ quốc tế chặt chẽ. Và cùng với Việt Nam, chúng tôi thúc đẩy khái niệm luật lệ dựa trên luật quốc tế”, theo nữ Đại sứ.

Quan hệ Việt Nam-Úc cũng nhanh chóng mở rộng sang toàn bộ các khía cạnh của quan hệ song phương, từ giáo dục, nông nghiệp đến quốc phòng. Đây là những nền tảng quan trọng trong quá trình hợp tác sâu rộng giữa hai nước.

Năm 2018, Việt Nam-Úc ký kết nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược, tập trung vào 3 cột trụ chính. Bà Mudie cho hay đó là tăng cường hợp tác kinh tế và phát triển; hợp tác quân sự và an ninh; và xây dựng quan hệ đối tác về tri thức và đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác ở 3 cột trụ trên. Cuối năm ngoái, Chính phủ hai nước Việt Nam và Úc công bố Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế song phương. Theo bà Mudie, đến thời điểm này, chiến lược trên là sự phản ánh mạnh mẽ nhất về niềm tin hai nước Việt Nam – Úc vào tương lai kinh tế song phương.

“Đây là chiến lược nền tảng nhằm đạt mục tiêu hai nước tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau”, theo nữ Đại sứ Úc. Bà cho biết chiến lược đóng vai trò như một phương tiện, bao gồm nhiều sáng kiến thiết thực, cho phép doanh nghiệp Úc và Việt Nam làm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác.

“Chúng tôi xác định những lĩnh vực có thể hợp tác, chẳng hạn như dịch vụ sản xuất, bao gồm dịch vụ tài chính, kinh doanh nông nghiệp, giáo dục và hơn thế nữa”, bà Mudie cho hay. Hiện chiến lược đang trong quá trình triển khai và hai nước kỳ vọng sẽ sớm thu hoạch kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Úc cam kết hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nhất là giúp Việt Nam thực thi cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo bà Đại sứ, Úc cũng ủng hộ và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam để đạt được mục tiêu trên.

Đại sứ Úc: Việt Nam là đối tác chiến lược tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - ảnh 3
Bà đại sứ khẳng định Úc tiếp tục cam kết hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam  NGỌC DƯƠNG

Nhà ngoại giao Úc cũng đánh giá cao Việt Nam tiếp tục góp phần vào hoạt động gìn giữ hòa bình trên trường quốc tế, và Canberra sẵn sàng hỗ trợ đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đến Nam Sudan. Bà cho hay chuyến bay thứ tư sẽ khởi hành trong vài tháng tới theo yêu cầu của phía Việt Nam. “Trên thực tế, Việt Nam đang làm rất tốt với sự đóng góp của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, mà theo tôi thực sự mạnh hơn nhiều quốc gia khác”, bà cho biết.

Về vấn đề Biển Đông, Úc có lợi ích chung với Việt Nam trong việc gìn giữ sự ổn định và hòa bình tại đây. “Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy và bảo vệ những nguyên tắc (dựa trên luật quốc tế), và trở thành đối tác gần gũi trong việc thúc đẩy tính ưu việt của luật quốc tế nhằm giải quyết tranh chấp tại đây”, bà Mudie nhấn mạnh.

Khi được hỏi về lịch trình các chuyến thăm Việt Nam sắp tới của tàu quân sự Úc, nữ Đại sứ nói rằng hiện vẫn chưa thể cung cấp thông tin này, nhưng chắc chắn sẽ có những chuyến thăm cảng Việt Nam trong tương lai.

Tháng 9.2021, Úc tổng cộng gửi 3 tàu quân sự đến Việt Nam. Dù mọi thứ diễn ra trực tuyến theo quy định phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Mudie cho hay đây vẫn là chuyến thăm vô cùng hiệu quả, với các cuộc hội thảo, diễn tập trên biển. “Đây là minh chứng cho thấy mức độ sâu sắc trong quan hệ song phương ở lĩnh vực quốc phòng”, bà khẳng định.

Du học sinh Việt Nam quay lại Úc

“Tôi rất vui mừng vì cuối cùng sinh viên quốc tế có thể quay trở lại Úc. Chúng tôi nhận thấy số lượng du học sinh Việt Nam trở lại Úc tăng dần”, theo nữ đại sứ. Từ cuối năm ngoái đến nay, bà cho hay đã có hơn 3.200 du học sinh trở lại Úc. Bà dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng vì chính phủ đã đưa ra một số biện pháp tạm thời để khuyến khích sinh viên quốc tế quay trở lại học tập.

Cụ thể, chính phủ Úc đã tạm thời dỡ bỏ quy định hạn chế số giờ làm thêm đối với du học sinh. Nhờ vậy, sinh viên có thể đến Úc học tập và làm việc kiếm thêm thu nhập mà không bị hạn chế về thời gian.

Bên cạnh đó, bất kỳ ai đã nộp đơn xin thị thực trong khoảng thời gian từ ngày 19.1 – 19.3.2022 có thể đủ điều kiện để được hoàn lại phí. Điều này sẽ thúc đẩy sinh viên nộp đơn xin thị thực ngay bây giờ.

Mặt khác, những người có Thị thực 485 (loại thị thực việc làm tạm thời dành cho sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp) chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 có thể gia hạn thị thực đến ngày 30.9. Với những chính sách kể trên, bà hy vọng sẽ khuyến khích nhiều sinh viên quay trở lại Úc và tiếp tục học tập.

“Giáo dục là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam và chúng tôi thực sự nhận thấy hợp tác giáo dục sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”, Đại sứ Mudie cho biết.

Trở lại Việt Nam sau 25 năm

Trước khi được bổ nhiệm vào vai trò dẫn dắt phái bộ ngoại giao Úc tại Việt Nam, Đại sứ Robyn Mudie là Giám đốc điều hành sáng lập Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Thương mại và Ngoại giao Úc. Trước đó, bà lần lượt đảm nhận chức Cao ủy Úc tại Sri Lanka và Maldives; Phó đại diện thường trực của Phái bộ Úc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ); Bí thư thứ nhất của Phái bộ thường trực của Úc tại Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ); Bí thư thứ ba tại Sứ quán Úc ở Hà Nội.

Đại sứ là nhà ngoại giao thành thạo tiếng Việt. Bà bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1992, trước khi công tác tại Sứ quán Úc ở Hà Nội từ năm 1993-1995. “Tôi rất thích và rất yêu Việt Nam. Và đó là lý do 25 năm sau tôi rất muốn quay lại Việt Nam với tư cách là đại sứ”, bà nói bằng tiếng Việt. Dù đại sứ Úc làm việc tại nhiều nước khác trong những năm qua, bà vẫn tiếp tục duy trì thói quen học và nói tiếng Việt.

 

THUỴ MIÊN

TNO