24/12/2024

Tranh cãi việc Mỹ dùng rô bốt chó siết chặt biên giới

Tranh cãi việc Mỹ dùng rô bốt chó siết chặt biên giới

Chính quyền Mỹ đang bị chỉ trích khi thử nghiệm rô bốt chó để tuần tra như một phần nỗ lực nhằm tăng cường an ninh biên giới.

 

 

Rô bốt hỗ trợ

Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) mới đây thông báo đang thử nghiệm một đội rô bốt chó để hỗ trợ tuần tra biên giới nhằm giảm bớt nguy cơ cho các nhân viên an ninh tại những môi trường nhiều rủi ro đe dọa đến tính mạng, theo CNN. Loại rô bốt có tên Thiết bị giám sát mặt đất tự động do Công ty Ghost Robotics (trụ sở tại TP.Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ) chế tạo, nặng khoảng 45 kg. Trên mình rô bốt 4 chân này có gắn nhiều loại camera, cảm biến và bộ xử lý có thể truyền dữ liệu thời gian thực về cho người điều khiển.

Nhóm phát triển đã thử nghiệm rô bốt chó trên mặt đường nhựa, cỏ, đồi núi ở bang Virginia trước khi cho hoạt động thử trên các địa hình đất đá gồ ghề hơn tại El Paso, bang Texas. Tại đây, rô bốt được giao nhiệm vụ tuần tra canh gác, di chuyển trong không gian hẹp, nhiệt độ cao và nồng độ ô xy thấp, những điều kiện thường đặc biệt nguy hiểm cho các đặc vụ tuần tra biên giới.

Tranh cãi việc Mỹ dùng rô bốt chó siết chặt biên giới - ảnh 1
Rô bốt chó của Ghost Robotics hoạt động bên cạnh các xe địa hình  DHS

Chưa rõ thời điểm dự kiến những con rô bốt này được đưa vào sử dụng chính thức, nhưng việc thử nghiệm đã gây ra những ý kiến phản đối, chỉ trích chính quyền đang quân sự hóa khu vực biên giới và sử dụng biện pháp giám sát quá mức khiến các cộng đồng và người di cư tại biên giới gặp nguy cơ.

Bà Vicki Gaubeca, Giám đốc Liên minh Các cộng đồng biên giới miền nam (Mỹ), chỉ trích chính quyền đã làm trái với những gì đã tuyên bố rằng muốn tạo ra hệ thống nhân đạo, hiệu quả hơn tại biên giới. “Nó giống như công cụ được chế tạo cho một điều gì đó rất hung hăng như chiến trường, thay vì cho một cộng đồng”, bà Gaubeca nói.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Jiren Parikh của Ghost Robotics tuyên bố rô bốt này không có gì đáng sợ và nó được tạo ra không phải để sử dụng chống lại người di cư ở biên giới. “Người ta còn không thể đồng ý về một bức tường cơ bản làm bằng bê tông và kim loại. Liệu chúng tôi có thật sự cho rằng chúng tôi sẽ bắt đầu trang bị vũ khí cho rô bốt không? Thật ngớ ngẩn khi làm vậy”, ông Parikh nói.

Công cụ giám sát mới ?

Theo một số ý kiến, việc thử nghiệm rô bốt chó có thể là động thái giám sát mới của chính quyền đối với đời sống riêng tư của người dân Mỹ. Theo Tổ chức Biên giới điện tử (trụ sở tại California), những người sống dọc biên giới Mỹ đang chịu cảnh bị theo dõi sát sao bậc nhất trong số các vùng tại nước này. Các cơ quan hành pháp và an ninh quốc gia cấp địa phương, tiểu bang và liên bang đang sử dụng nhiều công cụ giám sát như thiết bị bay không người lái, máy quay an ninh để theo dõi mọi mặt. Việc sử dụng những công cụ giám sát này giống như việc chối bỏ quyền tự do dân sự của người dân sống và làm việc gần biên giới.

Ông Greg Nojeim, Giám đốc dự án an ninh và giám sát tại Trung tâm vì dân chủ và công nghệ (Mỹ), cho rằng không chỉ những người sống gần biên giới mà những người ở vùng khác cũng có thể trở thành đối tượng của những công nghệ giám sát này. Các công nghệ giám sát được thử nghiệm tại biên giới thường sẽ được áp dụng ở những vùng khác, như công nghệ drone, quét biển số xe hay trường hợp gần nhất là công nghệ nhận diện khuôn mặt, theo ông Nojeim.

Không những vậy, việc sử dụng thiết bị như rô bốt chó còn đặt ra những lo ngại về việc sử dụng vũ lực quá mức. Dù nhà phát triển tuyên bố đây chỉ là thiết bị giám sát, nhưng Ghost Robotics từng được biết đến với sản phẩm kết hợp giữa rô bốt chó và súng trường. Tại hội nghị của Hiệp hội Lục quân Mỹ hồi tháng 10.2021, Hãng sản xuất vũ khí Sword International (Mỹ) trang bị một khẩu súng trường được cho là có tầm bắn 1.200 m cho một mẫu rô bốt 4 chân của Ghost Robotics.

Việc sử dụng rô bốt chó trong các thành phố tại Mỹ đã gây ra nhiều ý kiến phản đối như việc cảnh sát tại TP.Honolulu, bang Hawaii dùng tiền cứu trợ Covid-19 mua rô bốt chó để kiểm tra thân nhiệt những người vô gia cư. Sở Cảnh sát New York cũng từng sử dụng rô bốt cảnh khuyển cho một vụ kiểm tra tư gia và một trường hợp khác, khiến người dân phản ứng dữ dội. Cảnh sát sau đó phải trả con rô bốt đắt tiền này lại cho nhà sản xuất.

 

VI TRÂN

TNO